Văn hóa - Giải trí

Mở cửa vào làng

15:00, 27/02/2021 (GMT+7)

Sau gần 9 năm vào định cư tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, cộng đồng người từng mắc bệnh phong ở làng Vân đã quen với cuộc sống mới.

Quang cảnh khu nhà liền kề, nơi ở mới của bà con làng Vân tại phường Hòa Hiệp Nam.
Quang cảnh khu nhà liền kề, nơi ở mới của bà con làng Vân tại phường Hòa Hiệp Nam.

1. Người phụ nữ ngồi lặt mớ rau trước hiên nhà D10 (khu nhà liền kề) nở nụ cười thật hiền khi nghe tôi kể từng đến thăm ngôi làng nhỏ nép dưới chân sóng Hải Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, nơi gia đình bà sinh sống mấy chục năm trước khi dời về nơi ở mới tại phường Hòa Hiệp Nam. Gần 9 năm rời xa ngôi làng cũ, bà mang vào đất liền mấy bụi cây sống đời, trồng vào chiếc chậu xi-măng để trước hiên nhà. Với bà, cây sống đời không chỉ là phần ký ức về nơi ở cũ, mà trong quá khứ còn là “loài cây ân nhân” khi giúp những người từng bị bệnh phong như bà cầm máu, chống viêm nhiễm.

Cuộc trò chuyện ngày đầu năm xoay quanh ngôi làng cũ và cuộc sống mới tại khu nhà liền kề. Bà bảo, năm 2012, theo chủ trương thành phố, người dân làng Hòa Vân chuyển vào đất liền sinh sống tại khu nhà liền kề ở tổ 14, phường Hòa Hiệp Nam. Đây từng được ví von là cuộc di dân lịch sử, hy vọng về cuộc sống mới tốt đẹp hơn. “Chuyển gia đình vào đất liền, con tôi có điều kiện học hành tốt hơn, việc đi lại cũng dễ dàng và cháu vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng”, bà vui vẻ cho hay.

Tại những dãy nhà liền kề, cuộc sống của người dân Hòa Vân khá êm đềm khi họ được sống cạnh nhau, đùm bọc nhau mỗi ngày. Trong số 80 hộ dân chuyển từ làng Vân về định cư tại tổ 14, phường Hòa Hiệp Nam năm 2012, đến nay chỉ còn 52 hộ. Anh Huỳnh Văn Nhật, Tổ trưởng tổ dân phố cho biết, sau khi về đất liền, một số hộ đơn thân được người thân đến đón về chăm sóc hoặc quyết định về lại quê nhà.

Bước qua tuổi 30, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, Nhật được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ dân phố từ tháng 6-2020. Như bao thanh niên sinh ra và lớn lên ở làng Vân, khi vào đất liền sinh sống, Nhật nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động do Đoàn thanh niên tổ chức. Nhật bảo chính những buổi sinh hoạt như vậy đã giúp anh tự tin đứng trước đám đông, tự tin phát biểu ý kiến và có cơ hội “làm mới” mình. Hiện nay, ngày Nhật chạy grab, tối đảo quanh các dãy nhà, hỏi thăm sức khỏe, bệnh tình bà con lối xóm. Nhờ tận tụy với công việc của một Tổ trưởng tổ dân phố, Nhật tường tận di chứng bệnh tật từng người, biết ai ốm đau già yếu để lưu ý đội ngũ y tế thăm khám, thăm nom.

Dù không trong ca trực nhưng chị Văn Thị Kim Tuyến vẫn nhiệt tình tư vấn dùng thuốc cho ông Trịnh Khen. Ảnh: TIỂU YẾN
Dù không trong ca trực nhưng chị Văn Thị Kim Tuyến vẫn nhiệt tình tư vấn dùng thuốc cho ông Trịnh Khen. Ảnh: TIỂU YẾN

2. Ngày về ngôi nhà mới có diện tích 4,4x15m tại phường Hòa Hiệp Nam, vợ chồng bà Nguyễn Thị Minh Châu (phòng E18) quyết định “khởi nghiệp” bằng cách mở quán cà phê, bán quầy tạp hóa trước nhà. Tuy nhiên, sau hơn một năm ảnh hưởng Covid-19, việc buôn bán tại nhà ế ẩm, vợ chồng bà quyết định mang lều bạt ra giăng tạm ngay ngã ba tuyến đường Nguyễn Tất Thành - Đào Công Soạn bán cà phê, nước giải khát cho khách đi đường.

Như nhiều gia đình khác ở dãy nhà liền kề, để cải thiện cuộc sống, gia đình bà Châu sắm sửa đầy đủ ti-vi, tủ lạnh, máy giặt và các vật dụng sinh hoạt cần thiết. Theo bà, sự thay đổi lớn nhất của người dân làng Vân khi vào đất liền là làm quen với nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, hiện đại và bài bản hơn. Ví như trước đây có thể phơi phóng quần áo quanh nhà thì nay họ phơi gọn gàng phía sau hè; chuyện để chậu cây xanh cũng phải cân chỉnh để không lấn ra vỉa hè gây mất mỹ quan.

Cách đó không xa, căn phòng của gia đình chị Lê Thị Thúy gọn ghẽ, tinh tươm trong những ngày đầu năm mới. Chị kể Tết vừa rồi, người dân làng Vân đón các đoàn lãnh đạo thành phố, quận, phường về thăm và tặng quà Tết. Trong đó, UBND quận Liên Chiểu trích ngân sách hỗ trợ mỗi gia đình 1 triệu đồng, bên cạnh đó là hàng trăm suất quà từ các tổ chức, cá nhân khác dành tặng bà con vui xuân, đón Tết. “Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của chính quyền địa phương. Đây chính là động lực để mỗi người dân cố gắng, nỗ lực hơn nữa để ổn định cuộc sống”, chị Thúy cho hay.

Nhà ở ngay đầu ngõ nên ai lạ, ai quen bước vào khu nhà liền kề, ông Trịnh Khen (SN 1942) đều biết. Mỗi ngày, ông dành nhiều thời gian trò chuyện cùng bà con hàng xóm. Chiếc giường gỗ kê trước hiên nhà là nơi ông thường ngồi nghỉ ngơi, thư giãn. Tuổi cao lại gặp nhiều di chứng căn bệnh cũ nhưng ông Khen vẫn giữ được tinh thần lạc quan và sự hóm hỉnh mỗi khi trò chuyện. Nhiều người nói rằng, họ nhận ra nguồn năng lượng tích cực từ ông nên luôn nuôi dưỡng niềm vui và niềm tin trong cuộc sống. Ông Khen cho hay cuộc đời mình đã trải qua bao thăng trầm, đau khổ, hạnh phúc nên cuối đời được sống quần tụ cùng bà con làng xóm là niềm an ủi lớn. Còn đối với thế hệ trẻ của làng Vân, theo ông, việc chuyển về đất liền sinh sống là quyết định mở ra nhiều cơ hội việc làm và thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực hơn.

3. Khi làng Vân chuyển vào đất liền, nữ y sĩ Văn Thị Kim Tuyến cũng theo chân bà con về công tác tại Trạm y tế phường Hòa Hiệp Nam. Phòng y tế nằm trong khu nhà liền kề là nơi chị Tuyến làm việc mỗi ngày. Chị xem việc chăm sóc bà con làng Vân là cái duyên sau quyết định tình nguyện băng núi ra làng Vân công tác từ năm 2010.

Di chứng bệnh phong mang lại nhiều khó khăn cho người làng Vân trong sinh hoạt và chị Tuyến đã góp phần xoa dịu nó. Sau hơn 10 năm đồng hành cùng người dân, chị dần trở thành người thân của gia đình họ. Họ quý chị ở sự gắn bó, tận tâm với nghề. Ngoài chuyên môn về châm cứu, chị Tuyến kiêm luôn việc lên đơn thuốc cho người dân. Ai mua thuốc gì mới cũng mang đến nhờ chị xem và tư vấn để dùng thế nào cho hiệu quả. Có người, được người thân mua cho hộp sữa bột, thấy lạ lạ cũng không dám dùng, phải chờ chị Tuyến xem qua. Bất cứ khi nào bà con gọi, ngày cũng như đêm, chị đều có mặt hỗ trợ kịp thời. Bệnh nhẹ thì xem qua kê thuốc, bệnh nặng thì đưa đi viện. Theo chị Tuyến, hiện nay chị chủ động chăm sóc sức khỏe những trường hợp lớn tuổi, di chứng nặng. Trong đó khuyên họ thường xuyên vận động, ngâm tay chân trong nước ấm trước khi ngủ, thoa kem dưỡng ẩm chống khô da, làm mềm da...

Ông Đỗ Ngọc Ái, Phó Ban công tác Mặt trận Chi bộ 11, phường Hòa Hiệp Nam nói rằng chị Tuyến đảm nhận công tác chăm sóc, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho bà con làng Vân, nhưng hơn hết chị như người nhà, khi mềm mỏng, khi cứng rắn đưa ra những quy định nghiêm ngặt buộc bà con phải làm theo để bảo vệ sức khỏe. “Hiện nay người dân cảm thấy yên tâm hơn khi được chính quyền địa phương chăm lo sức khỏe, bố trí hẳn một phòng y tế ngay tại dãy nhà liền kề để bất cứ khi nào cần, họ cũng có thể chủ động đến thăm khám. Việc di chuyển từ nhà đến bệnh viện, trường học, chợ, siêu thị cũng dễ dàng hơn khiến nhịp sống nơi đây khá thoải mái.

Ngoài ra, đồng hành cùng người dân làng Vân chuyển đổi ngành nghề ổn định cuộc sống, những năm qua UBND thành phố đã ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Đà Nẵng chi hỗ trợ vay vốn với mức từ 30-50 triệu đồng kèm lãi suất 0% trong 3 năm đầu. Hiện người dân sử dụng nguồn tiền này để phát triển kinh tế gia đình, thông qua việc đầu tư chăn nuôi, buôn bán nhỏ và cung cấp các loại hình dịch vụ”, ông Đỗ Ngọc Ái nói.

TIỂU YẾN

.