Thư viện Vạn Hạnh (chùa Quán Thế Âm, quận Ngũ Hành Sơn) dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 3-2021, hứa hẹn trở thành điểm đến văn hóa trong quần thể Danh thắng Ngũ Hành Sơn, đồng thời góp phần phát triển văn hóa đọc tại địa phương.
Một góc tàng thư của Thư viện Vạn Hạnh được bài trí khá đẹp mắt. Ảnh: NGỌC HÀ |
Lấy tên vị sư nổi tiếng (Sư Vạn Hạnh) cũng là tên đường dẫn vào chùa Quán Thế Âm, Thư viện Vạn Hạnh tạo ấn tượng cho bất kỳ ai đến nơi này. Theo chỉ dẫn, chúng tôi được dịp quan sát khá kỹ không gian thư viện. Phòng trưng bày sách rộng 300m2 gồm các kệ đặt ngay ngắn, các đầu sách được gắn ký hiệu cụ thể.
Ngoài không gian đọc sách được bố trí trong thư viện, bất cứ khu vực nào trong khuôn viên chùa cũng trở thành nơi đọc sách. Đó có thể là các bệ ngồi bằng xi măng dọc hành lang chùa, là trạm dừng chân xây theo kiểu mái đình được trang trí nhiều hoa, cây cỏ… Đặc biệt, phía trước sảnh của phòng trưng bày sách được thiết kế thành không gian đọc sách mở, hướng ra sông Cổ Cò. Tại đây, bạn đọc có thể vừa thưởng trà, vừa đọc sách.
Dọc hành lang kết nối thư viện và Bảo tàng Văn hóa Phật giáo là tàng thư - nơi cất giữ sách, tài liệu - được bài trí khá đẹp mắt. Xen kẽ các tài liệu, sách là những cổ vật liên quan đến văn hóa Phật giáo như tượng, binh khí… mà các sư thầy chùa Quán Thế Âm sưu tầm, cất giữ bao nhiêu năm qua và được chính tay Thượng tọa Thích Huệ Vinh, trụ trì chùa Quán Thế Âm sắp xếp.
Theo Thượng tọa Thích Huệ Vinh, từ nhỏ, ông thấy trong chùa các Phật tử học tập, nghiên cứu và đọc rất nhiều sách Phật giáo. Các tác giả, học giả cũng thường xuyên qua lại giao lưu nên lượng sách cứ tích lũy đều theo thời gian. Sợ sách để lâu ngày mục nát, lại được các sư thầy khuyến khích, chùa Quán Thế Âm quyết tâm mở thư viện.
Cùng số sách sẵn có, trong vòng một năm, nhà chùa sưu tầm và kêu gọi đóng góp sách cho thư viện. Hiện nay, Thư viện Vạn Hạnh có 35.000 cuốn sách với 3.500 đầu sách; trong đó ½ là sách liên quan đến văn hóa Phật giáo; còn lại là các sách ở nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, văn hóa, lịch sử, địa lý…, có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc.
Thượng tọa Thích Huệ Vinh cho biết, thời gian qua, với chính sách bình đẳng tôn giáo của Nhà nước, hàng loạt các thư viện Phật giáo ra đời. Với Thư viện Vạn Hạnh, đối tượng bạn đọc đa dạng và khuyến khích phương pháp đọc sách “hướng ngoại”, về với thiên nhiên. “Bản thân sách vốn được làm từ gỗ, là mộc, là thiên nhiên. Do đó, hướng đến thiên nhiên giúp con người thư thái, dễ chịu thì dễ dàng đón nhận sách. Ngoài ra, chúng tôi tạo mọi điều kiện thuận lợi để bạn đọc trải nghiệm trọn vẹn một ngày đọc sách tại đây, như tổ chức trà đạo, phục vụ nước uống, cơm chay miễn phí…”, Thượng tọa Thích Huệ Vinh nói.
Ông Huỳnh Bá Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Ngũ Hành Sơn chia sẻ, trên địa bàn quận hiện có thư viện thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận, một số điểm đọc sách theo mô hình cà phê sách, mô hình đọc sách của các trường tiểu học, THCS… Nhờ đó, phong trào đọc sách trên địa bàn quận diễn ra sôi nổi. Những cuộc thi về văn hóa đọc do Thư viện Tổng hợp Đà Nẵng tổ chức được các trường tiểu học, THCS của quận Ngũ Hành Sơn hưởng ứng nhiệt tình và đạt nhiều giải thưởng cao.
Cùng với các hoạt động trên, việc ra đời Thư viện Vạn Hạnh (chùa Quán Thế Âm) có ý nghĩa lớn đối với phát triển văn hóa đọc tại địa phương. Chùa Quán Thế Âm là nơi diễn ra lễ hội Quán Thế Âm quy mô hằng năm, lại có bảo tàng Văn hóa Phật giáo, nay thêm Thư viện Vạn Hạnh trong khuôn viên chùa sẽ tạo thành quần thể văn hóa độc đáo, kỳ vọng thu hút nhiều người đến tham quan, trải nghiệm đọc sách.
Thư viện Vạn Hạnh có giấy phép hoạt động từ cuối năm 2020; dự định khai trương, mở cửa vào dịp Lễ hội Quán Thế Âm 2021; mời 500 tác giả, nhà xuất bản tham dự. Tuy nhiên, do Covid-19 nên phải tạm hoãn và sẽ sớm mở cửa phục vụ người dân trong thời gian tới. |
NGỌC HÀ