KỶ NIỆM 46 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG (29-3-1975 - 29-3-2021)

Nơi lưu giữ truyền thống hào hùng

.

Không gian trưng bày “Đà Nẵng thành phố anh hùng” tại Bảo tàng Đà Nẵng hiện đang lưu giữ nhiều hiện vật gắn với ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3-1975, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thành phố.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng đang xem hiện vật tại không gian trưng bày “Đà Nẵng thành phố anh hùng”. Ảnh: NGỌC HÀ
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng đang xem hiện vật tại không gian trưng bày “Đà Nẵng thành phố anh hùng”. Ảnh: NGỌC HÀ

Những lá cờ trong ngày giải phóng

Trong hơn 30 hiện vật liên quan đến chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, ngoài hiện vật súng, máy in tài liệu, máy truyền tin, mệnh lệnh, thông cáo..., chiếm số lượng lớn là cờ. Cụ thể, đó là lá cờ cắm trên nóc Tòa thị chính Đà Nẵng lúc 11 giờ 30 ngày 29-3-1975; cờ Mặt trận cắm trên đài phát tin của địch vào lúc 13 giờ 30 ngày 29-3-1975 khi quân ta vào giải phóng thành phố; cờ Mặt trận của chi bộ hợp pháp N2 - quận Ba (nay là quận Sơn Trà) dùng treo trong những ngày lễ (đây là một trong những lá cờ đầu tiên ở quận Ba tung bay phất phới trong ngày thành phố giải phóng); lá cờ treo trên xe đi tuyên truyền, cổ động nhân dân ngày 30-3-1975; cờ Tổ quốc của ngành Văn hóa - Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng treo trong buổi lễ mừng Quảng Nam - Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng vào ngày 29-3... Ngoài ra, còn có những lá cờ do các cơ sở cách mạng của bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh (nhà đường Hoàng Diệu, quận Hải Châu), ông Hồ Xuân Phong (nhà đường Triệu Nữ Vương, quận Hải Châu), ông Nguyễn Toại (nhà đường Triệu Nữ Vương, quận Hải Châu)… may chuẩn bị cho ngày giải phóng.

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm (chủ hiệu vải Minh Tâm trên tuyến đường Hùng Vương, quận Hải Châu), con gái đầu của bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, chia sẻ, những ngày cuối tháng 3 này, trong không khí thành phố sôi nổi kỷ niệm ngày giải phóng, bà lại nhớ đến mẹ với niềm tự hào. Bà Tâm kể, những ngày đó, ngôi nhà trên tuyến đường Hoàng Diệu không khí tất bật, rộn ràng cho ngày lịch sử trọng đại. Vốn là nhà buôn vải, mẹ bà đã dùng số lượng vải có sẵn huy động thêm nhiều người cùng cắt, may cả ngày lẫn đêm không biết mệt mỏi. Cờ may xong đến đâu là có người lấy đến đó để chuẩn bị phát cho cơ sở, người dân.

Sau ngày giải phóng, mẹ bà hiến tặng những ngôi sao được cắt ra từ những lá cờ tự tay may và một trong 18 lá cờ từng được cắm trong đoàn xe chở Bộ Chỉ huy Chiến dịch về giải phóng Đà Nẵng cho Phòng Truyền thống quận Nhì; năm 1998, Phòng Văn hóa - Thể thao quận Thanh Khê chuyển giao cho Bảo tàng Đà Nẵng. “Mẹ tôi mất cách đây 7 năm, đến ngày giải phóng thành phố tôi càng nhớ bà. Những gì mẹ cống hiến cho cách mạng, cho quê hương luôn là niềm tự hào và tấm gương cho chị em chúng tôi noi theo”, bà Minh Tâm chia sẻ.

Gợi nhớ giai đoạn lịch sử hào hùng

Không gian trưng bày “Đà Nẵng thành phố anh hùng” với cách bài trí đẹp mắt, khoa học, nhận được sự đánh giá cao của khách tham quan. Ông Bùi Minh Thắng (khách du lịch đến từ thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ, để hiểu một vùng đất nào đó thì phải đến bảo tàng. Đó cũng là thói quen đi du lịch nhiều năm qua của ông.

Với Bảo tàng Đà Nẵng, đây là lần thứ hai ông ghé thăm. “Lần trở lại này, tôi khá ấn tượng với cách trưng bày chuyên đề Đà Nẵng thành phố anh hùng. Nó như một thước phim quay chậm tái hiện lát cắt lịch sử của thành phố trong những năm tháng kháng chiến. Mảng trưng bày “Đà Nẵng ngày giải phóng” đủ để người xem hiểu hơn về quân và dân Đà Nẵng ở thời khắc chuẩn bị giải phóng thành phố, góp phần vào công cuộc tiến đến giải phóng thống nhất hoàn toàn miền Nam”, ông Thắng nói.

Trong những ngày tháng 3 này, Bảo tàng Đà Nẵng là điểm đến được nhiều cơ sở Đoàn trên toàn thành phố lựa chọn. Thảo Nguyên (sinh viên năm thứ 3, khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) cho biết, việc tìm hiểu lịch sử thành phố là cần thiết đối với mỗi người dân, đặc biệt học sinh, sinh viên. Nó không chỉ làm giàu thêm kiến thức mà còn nhắc nhở thế hệ trẻ về giai đoạn lịch sử hào hùng, từ đó nuôi dưỡng tình yêu quê hương, cống hiến xây dựng thành phố.

Theo bà Trương Thế Liên, Phó phòng Sưu tầm - Trưng bày và Bảo quản, Bảo tàng Đà Nẵng, đến nay nhiều nhân chứng lịch sử tuổi cao, nhiều người đã mất nên những hiện vật liên quan đến chiến dịch giải phóng Đà Nẵng hiện đang trưng bày tại bảo tàng có giá trị lịch sử quan trọng. Bằng những hình thức khác nhau, bảo tàng nỗ lực giới thiệu đến khách tham quan sự kiện lịch sử trọng đại của thành phố dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, mà trực tiếp là Đặc Khu ủy Quảng Đà, cùng khí thế quyết chiến, quyết thắng của đoàn quân giải phóng và tinh thần quật khởi, nổi dậy của người dân Đà Nẵng.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.