Lấy văn hóa làm nền tảng phát triển du lịch

.

Quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ đề cập đến việc lấy văn hóa làm động lực phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa, lịch sử. Đây là cơ hội để thành phố định hướng đầu tư, phát triển văn hóa trong thời gian đến.

 Lễ hội cầu ngư được xem là lễ hội mang đậm tính truyền thống của ngư dân miền biển và có thể nâng tầm thành lễ hội đặc trưng của Đà Nẵng.  TRONG ẢNH: Lễ hội cầu ngư quận Sơn Trà tháng 2-2019.  Ảnh: NGỌC HÀ
Lễ hội cầu ngư được xem là lễ hội mang đậm tính truyền thống của ngư dân miền biển và có thể nâng tầm thành lễ hội đặc trưng của Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Lễ hội cầu ngư quận Sơn Trà tháng 2-2019. Ảnh: NGỌC HÀ

Bài 1: Phát triển loại hình nghệ thuật, lễ hội đặc trưng

Đà Nẵng sở hữu các di sản văn hóa độc đáo, gồm di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam”, di sản phi vật thể quốc gia như: nghệ thuật tuồng, lễ hội cầu ngư, lễ hội Quán Thế Âm, làng đá mỹ nghệ Non Nước... Làm thế nào bảo tồn, phát huy các di sản này và tạo thành sản phẩm du lịch đang là bài toán với ngành chức năng.

Nỗ lực bảo tồn

Những năm gần đây, thành phố quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống và đầu tư nâng tầm các lễ hội. Cụ thể, để đưa loại hình nghệ thuật tuồng đến gần công chúng và phục vụ khách du lịch, từ năm 2015, thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) triển khai tuồng xuống phố tại bờ đông cầu Sông Hàn vào các tối cuối tuần, đồng thời khởi động lại chương trình “Đưa nghệ thuật tuồng vào học đường”.

Đặc biệt, từ năm 2019, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh xây dựng các chương trình “Hồn Việt”, “Trầm tích sông Hàn”, biểu diễn phục vụ du khách tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vào hầu hết các ngày trong tuần. Song song đó, hằng năm, nhà hát xây dựng, phục dựng 2-3 vở tuồng kinh điển và tuồng dân gian.

Bên cạnh đó, UBND thành phố phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh giai đoạn 2020-2025. Đề án đặt ra mục tiêu thành lập 2 đoàn biểu diễn, vừa tổ chức biểu diễn tuồng lưu động vừa thực hiện tốt chương trình phục vụ du khách hằng đêm, xây dựng sản phẩm nghệ thuật độc đáo có chất lượng nghệ thuật cao để đủ sức thu hút khán giả, xây dựng địa điểm biểu diễn mới...

Cùng với nghệ thuật tuồng, nghệ thuật bài chòi từng bước len lỏi vào đời sống. Có thể kể đến việc trình diễn nghệ thuật bài chòi vào cuối tuần ở bờ đông cầu Rồng trong chuỗi sự kiện, lễ hội hai bên bờ sông Hàn được thành phố triển khai từ năm 2016; chương trình “Đưa dân ca vào trường học” do Sở VH&TT và Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố phối hợp thực hiện; phát triển các CLB bài chòi...

Bên cạnh nghệ thuật truyền thống, Đà Nẵng có gần 20 lễ hội đình làng, lễ hội cầu ngư, lễ hội tôn giáo... Trong đó, một số lễ hội được các cấp chính quyền địa phương đầu tư, nâng tầm trong những năm gần đây như: lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được công nhận và xếp vào danh mục 15 lễ hội lớn cấp quốc gia; lễ hội cầu ngư được UBND quận Thanh Khê và quận Sơn Trà tổ chức nâng tầm cấp quận; lễ hội đình làng Túy Loan, đình làng Hải Châu ngày càng thu hút công chúng.

Theo Trung tâm Xúc tiến du lịch (Sở Du lịch thành phố), đối với chương trình nghệ thuật của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và các lễ hội trên địa bàn, trung tâm thường xuyên cập nhật và làm việc với Sở VH&TT thành phố đẩy mạnh công tác quảng bá trên các kênh truyền thông chính thống của trung tâm như Fanpage Danang Fantasticity, website, youtube... và trên website của các đơn vị kinh doanh du lịch; các ấn bản, hình ảnh và video, clip cũng được trình chiếu tại các hội chợ, hội nghị, roadshow trong và ngoài nước...

Với sự nỗ lực bảo tồn của các ngành chức năng, đến nay, các loại hình nghệ thuật, lễ hội đặc trưng của thành phố đã đáp ứng một phần nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân; tuy nhiên, trở thành sự kiện nổi bật thu hút du khách thì vẫn chưa.

Trích đoạn “Ông già cõng vợ đi xem hội” trong chương trình nghệ thuật Hồn Việt của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. 					              Ảnh: NGỌC HÀ
Trích đoạn “Ông già cõng vợ đi xem hội” trong chương trình nghệ thuật Hồn Việt của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Ảnh: NGỌC HÀ

Cần khai thác bản sắc đặc trưng

Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực du lịch, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) ghi nhận, du khách đến với Đà Nẵng vì nhiều lý do như: bãi biển đẹp, môi trường kinh doanh tốt, nằm trên con đường di sản miền Trung, người Đà Nẵng thân thiện, mến khách..., song thực tế đối tượng khách quay trở lại không nhiều. Theo ông Tùng, để giữ chân du khách, Đà Nẵng nên chú trọng đến việc tạo ra những sản phẩm du lịch có chiều sâu, chẳng hạn phát triển các loại hình nghệ thuật và lễ hội.

Thành phố có ưu thế về loại hình nghệ thuật tuồng vì tính đặc trưng và khác biệt, nó cũng giống như ca trù, quan họ, múa rối, hát chèo ở phía Bắc, hay cải lương của miền Nam... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dòng khách phổ thông lại thích những chương trình hoành tráng, có nội dung dễ hiểu, có tính chất giải trí. Nhưng điều đó không có nghĩa là nghệ thuật truyền thống không có đối tượng khách hàng. Vì thế, cần hướng đến loại hình khách có sở thích tìm hiểu nghệ thuật và khảo sát, tìm hiểu nhu cầu rồi tiến đến quảng bá, xúc tiến thị trường một cách chuyên nghiệp...

Đối với các lễ hội, trên cơ sở thời gian diễn ra cố định hằng năm, các ngành chức năng chọn lựa một số lễ hội trọng điểm đầu tư quy mô, quảng bá thường xuyên trong cộng đồng du lịch, ứng dụng công nghệ 4.0 tạo cơ sở dữ liệu liên quan đến lễ hội...

“Chúng ta phải làm sao để du khách trong và ngoài nước biết đến lễ hội ở Đà Nẵng sẽ lên kế hoạch đi tham quan. Ví dụ: tháng Giêng đến Đà Nẵng xem lễ hội cầu ngư, tháng 2 dự lễ hội Quán Thế Âm, tháng 3 lễ hội đình làng Hải Châu... Cần có website, trang mạng xã hội giới thiệu các clip, hình ảnh về lễ hội, hay tranh thủ các lễ hội lớn ở những địa phương khác để treo pa-nô, hình ảnh giới thiệu lễ hội Đà Nẵng. Phải làm một cách bài bản, chuyên nghiệp thì mới tạo ra sản phẩm riêng biệt thu hút du khách”, ông Tùng nói.

Tạo ra sản phẩm mang tính riêng biệt hay khác biệt cần dựa vào bản sắc văn hóa của địa phương. Ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, để văn hóa thực sự là động lực phát triển du lịch thì cần thấy du lịch yêu cầu gì ở văn hóa. Theo một nghĩa nào đó, yêu cầu cao nhất của du lịch là thưởng thức về vật chất và tinh thần để thỏa mãn nhu cầu của cuộc sống. Tất cả những nhu cầu đó đều liên quan và phản ánh về điều kiện và trình độ văn hóa. Vì vậy, không một yếu tố nào của văn hóa (vật chất - tinh thần, vật thể - phi vật thể, truyền thống - hiện đại, phổ biến chung - bản sắc riêng...) bị xem nhẹ hoặc nhìn nhận phiến diện. Có quan tâm phát triển tổng hợp và hài hòa các yếu tố đó thì văn hóa mới thành động lực thực sự và đáp ứng yêu cầu của du lịch.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Bùi Văn Tiếng cho rằng, lấy di sản phi vật thể làm nền tảng phát triển du lịch, trước hết phải coi trọng sự khác biệt, bởi chỉ có khác biệt mới làm nên giá trị đặc trưng. Khi nói chỉ có khác biệt mới làm nên giá trị, cần chú ý câu chuyện hàng “chính hãng”. Chẳng hạn, không nên đồng nhất việc trình diễn tuồng trong chương trình đưa tuồng xuống phố - như một hình thức quảng cáo sản phẩm - với việc trình diễn tuồng đúng đặc trưng một nghệ thuật hàn lâm trên sân khấu nhà hát tuồng để du khách có thể thưởng ngoạn những vở diễn tuồng “chính hãng”. Tương tự, sản phẩm của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước phải là những sản phẩm được các nghệ nhân của làng nghề, bằng lao động nghệ thuật của mình “thổi hồn vào đá” chứ không phải là những sản phẩm sản xuất hàng loạt bằng... bột đá.

“Phục vụ du khách theo kiểu chạy theo lợi nhuận đơn thuần như vậy vừa không mang lại hiệu quả kinh tế cho ngành công nghiệp không khói, vừa vô tình “phá hoại” bản sắc đặc trưng của di sản văn hóa”, ông Bùi Văn Tiếng khẳng định.

“Việc nỗ lực giữ gìn văn hóa truyền thống địa phương, khai thác bản sắc đặc trưng ở góc độ loại hình nghệ thuật truyền thống, lễ hội, di sản văn hóa phi vật thể... là cần thiết nhưng chưa đủ. Nhiều khi bên cạnh khai thác yếu tố truyền thống, cần khai thác, đầu tư sự kiện, lễ hội lớn phù hợp với thời đại. Nhiều khi một cử chỉ thân thiện (văn hóa giao tiếp), một lời nói dễ nghe (văn hóa ứng xử), một món ăn ngon (văn hóa ẩm thực)... có sức thuyết phục nhất định, giá trị hấp dẫn và thu hút du lịch”, ông Nguyễn Hoàng Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố phân tích.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.