Đưa di sản văn hóa đến gần hơn với công chúng

.

Bảo tàng Đà Nẵng vừa ra mắt công chúng chương trình giáo dục trải nghiệm “Dạo bước sông Hàn”, được triển khai theo hình thức tour tham quan. Hoạt động này giúp người dân hiểu hơn về lịch sử thành phố, đồng thời kêu gọi cộng đồng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn.

Người dân trải nghiệm làm mô hình súng thần công tại chương trình “Dạo bước sông Hàn” ngày 21-11.  Ảnh: XUÂN DŨNG
Người dân trải nghiệm làm mô hình súng thần công tại chương trình “Dạo bước sông Hàn” ngày 21-11. Ảnh: XUÂN DŨNG

Tại chương trình giáo dục trải nghiệm theo hình thức tour tham quan “Dạo bước sông Hàn”, công chúng có dịp trở về thành phố trong quá khứ thông qua hành trình khám phá các di sản trên địa bàn, gồm: Bảo tàng Đà Nẵng; Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải; Tòa Đốc lý (thời Pháp thuộc), sau gọi là Tòa Thị chính (thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa); Cột chỉ đường cổ nhất Đà Nẵng; Dinh biệt thự của Chánh án Tòa án tối cao thuộc địa Pháp tại thành phố (nay là Trụ sở HĐND thành phố). Theo Bảo tàng Đà Nẵng, đây là hoạt động mới, được đơn vị xây dựng và triển khai trong năm nay.

Tham gia chương trình, người dân được lắng nghe những câu chuyện về Đà Nẵng từ buổi đầu kháng Pháp (1858-1860) hào hùng; khi Đà Nẵng trở thành “thành phố nhượng địa Tourane” cho đến ngày Pháp chuyển giao chính quyền cho cách mạng. Tất cả được cán bộ, nhân viên bảo tàng kể lại sinh động thông qua những tư liệu, hiện vật được gìn giữ, trưng bày và các di sản còn hiện hữu bên tả ngạn sông Hàn. Bên cạnh đó, người dân còn được tự tay trải nghiệm làm mô hình khẩu súng thần công và thưởng thức những món ăn dân dã đặc trưng địa phương.

Lần đầu ra mắt và giới hạn số lượng người vì tình hình dịch bệnh, song chương trình vẫn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng tham gia. Anh Trịnh Quang Chinh (trú phường An Khê, quận Thanh Khê) nhấn mạnh, anh rất vui vì học thêm được nhiều điều thông qua chương trình giáo dục trải nghiệm. Các thông tin về lịch sử, di sản văn hóa của thành phố được các cán bộ, nhân viên Bảo tàng Đà Nẵng thể hiện sinh động, sáng tạo. Đặc biệt, hình thức tour tham quan trực tiếp của bảo tàng năm nay mang tới trải nghiệm mới mẻ, không bị gò bó về không gian nên việc tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn.

Cùng tâm trạng, em Võ Viết Trí, sinh viên ngành Văn hóa học, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng chia sẻ: “Những kiến thức trong hoạt động trải nghiệm rất bổ ích cho ngành học của em nên khi biết về chương trình, em liền rủ bạn bè đăng ký tham gia. Những câu hỏi thắc mắc của em và mọi người tại chương trình được giải đáp rất nhanh. Hy vọng những chương trình tour tham quan thực tế này được quan tâm, phát triển, đi vào học đường để học sinh, sinh viên có cơ hội tham gia học tập, trải nghiệm. Từ đó, thêm quý trọng các di sản văn hóa của thành phố”.

Được biết, để triển khai chương trình giáo dục trải nghiệm “Dạo bước sông Hàn”, Bảo tàng Đà Nẵng chuẩn kế hoạch thực hiện trong khoảng 6 tháng với nhiều công đoạn. Từ khảo sát ý kiến công chúng, phương án đi lại, các trò chơi tương tác đến nghiên cứu nội dung thuyết minh, bảo đảm kết nối các di sản văn hóa xung quanh.

Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Ngô Thị Bích Vân cho biết, chương trình diễn ra thành công. Đặc biệt, chương trình nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ công chúng về nội dung, nhất là hoạt động trải nghiệm làm súng thần công. Đây cũng là hoạt động ý nghĩa do Bảo tàng Đà Nẵng thực hiện nhằm chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11). “Tiếp nối thành công của chương trình, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm tại các di tích khác trên địa bàn. Qua đó, giúp công chúng có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm trực quan, sinh động các giá trị văn hóa địa phương. Dự kiến đầu năm 2022, bảo tàng tổ chức chương trình giáo dục tại di tích Thoại Ngọc Hầu (quận Sơn Trà) và nghiên cứu xây dựng thêm các tour tham quan ở những di tích gần kề nhau”, bà Vân thông tin.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Vỹ, trong năm qua, tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, việc nghiên cứu, thực hiện chương trình giáo dục trải nghiệm “Dạo bước sông Hàn” là nỗ lực lớn của tập thể Bảo tàng Đà Nẵng. Sự thay đổi về hình thức tổ chức ở chương trình này mang đến cho công chúng, nhất là giới trẻ một cách tiếp cận di sản văn hóa hoàn toàn mới lạ, hấp dẫn, thú vị. Sở Văn hóa và Thể thao luôn ủng hộ, khuyến khích tập thể Bảo tàng Đà Nẵng nói riêng, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa trên địa bàn thành phố nói chung nghiên cứu, tìm hiểu để xây dựng, phát triển thêm các hoạt động giáo dục trải nghiệm. Trong đó, lấy yếu tố công chúng làm trung tâm nhằm phát huy giá trị tiềm năng di sản văn hóa mà thành phố sở hữu. Qua đó, góp phần đưa di sản đến gần hơn với người dân và nâng cao trách nhiệm cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.