Văn hóa - Giải trí
Kinh tế Nhật Bản - Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973 (*)
Nhật Bản là nước gần gũi với Việt Nam về nhiều mặt, cả về địa lý cũng như văn hóa. Những Sony, Honda, Canon… từ lâu được xem như một đẳng cấp về chất lượng, quen thuộc với người Việt Nam, không một nhà nào ở Việt Nam mà không có một thứ hàng hóa nào đó của Nhật Bản.
Vì sao một nước bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, là nước bại trận và bị chiếm đóng, sản xuất suy giảm nghiêm trọng, đời sống người dân khốn đốn, nhưng chỉ sau 10 năm có thể khôi phục đạt mức trước chiến tranh. Năm 1956, trước sự nể phục của thế giới, người Nhật tuyên bố “Đã qua rồi thời hậu chiến” và đến giữa thập niên 60 trở thành quốc gia công nghiệp phát triển, được nhiều học giả thế giới gọi là giai đoạn phát triển thần kỳ?
Tính ra chỉ mất 18 năm kể từ khi khôi phục (1955-1973), nước Nhật từ chỗ xuất khẩu không đáng kể trở thành nước sản xuất ô-tô nhiều nhất thế giới, từ chỗ thiếu ăn đến cuộc sống sung túc, từ chỗ bại trận trở thành nước công nghiệp phát triển hàng đầu… Điều gì tạo ra sự phát triển ngoạn mục như vậy?
Có vô số sách báo, với rất nhiều học giả trên thế giới tìm cách trả lời cho những câu hỏi đó, nhưng tôi nghĩ với bạn đọc Việt Nam, cuốn sách Kinh tế Nhật Bản - Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973 là sự lý giải thỏa đáng, chính xác và thuyết phục nhất. Vậy điều gì làm nên sự thần kỳ ấy của nước Nhật?
Bìa cuốn sách Kinh tế Nhật Bản - Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973. |
Theo GS Trần Văn Thọ, để làm nên nước Nhật hiện đại, có nhiều nhân tố, ngoài tinh thần dân tộc và yếu tố văn hóa đặc trưng, tựu trung có hai nhân tố quyết định: 1- Nhà nước kiến tạo và 2- Năng lực xã hội. Đây là các thuật ngữ quan trọng nhất để giải thích cho hiện tượng Nhật Bản. Ai cũng biết để phát triển, vai trò của Nhà nước có ý nghĩa quyết định, tùy theo điều kiện và nhất là hoàn cảnh quốc tế mà vai trò của Nhà nước không giống nhau. Trong trường hợp Nhật Bản, là nước đi sau, trật tự thế giới đã được các nước tiên tiến xác lập và bất lợi, vậy vai trò Nhà nước của Nhật Bản được hiểu như thế nào? Đây là vấn đề lý luận và cả thực tế trọng tâm được GS Trần Văn Thọ trình bày xuyên suốt tác phẩm.
Nội hàm của Nhà nước kiến tạo phát triển Nhật Bản khá rộng được thể hiện ở các đặc trưng cơ bản, trong đó quan trọng nhất là lãnh đạo chính trị (từ bộ trưởng trở lên) và quan chức Nhà nước (từ thứ trưởng trở xuống) cùng với doanh nghiệp và lao động. Lãnh đạo chính trị đề ra đường lối, chính sách phát triển đúng, đồng thời là hạt nhân lôi kéo, thúc đẩy toàn dân, trước hết là doanh nghiệp hăng say xây dựng đất nước. Quan chức Nhà nước là những người tài năng, có hoài bão, thanh liêm mang trong mình sứ mệnh cao cả vạch ra chiến lược, chính sách và quản lý thực hiện hiệu quả. Làm thế nào để có “đường lối đúng?”
Ta thấy nhiều tấm gương, nhiều biện pháp nhưng nổi bật là tôn trọng trí thức của lãnh đạo chính trị. Học giả đem kiến thức uyên bác của mình cùng với nhà chính trị đề ra con đường phát triển, ta khâm phục và xúc động về thái độ trọng thị thực lòng của người làm chính trị đối với giới trí thức. Hình ảnh các chính khách thời kỳ này cùng các nhà kinh tế hàng đầu, ban ngày làm việc, ban đêm ngồi cùng nhau có khi tới 3 - 4 giờ sáng để bàn về việc nước, để xây dựng chiến lược phát triển Nhật Bản.
“Trí thức đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra ý tưởng hình thành sự đồng thuận mới trong xã hội, và trực tiếp giúp chính phủ vạch ra đường lối phát triển”. Có thể chính kiến khác nhau nhưng vì sự phục hưng đất nước, họ kề vai sát cánh với nhau. Đọc về mối quan hệ giữa Thủ tướng Ikeda Hayato với nhà kinh tế lỗi lạc Shimomura Osamu “người đã vũ trang lý luận cho tầm nhìn xa và giấc mơ của nhà chính trị Ikeda Hatayo (…) họ có cùng lý tưởng kinh bang tế thế, sự kết hợp của hai người là hình mẫu lý tưởng của minh quân và hiền thần thời xưa”.
Qua sự phân tích sâu sắc của tác giả chúng ta thấy vai trò của Nhà nước trong việc đề ra chính sách phát triển kinh tế - xã hội, trong việc tạo ra không khí “người dân tin tưởng vào tương lai của đất nước, ai cũng mơ về một ngày mai tươi sáng và thấy có trách nhiệm để làm cho giấc mơ trở thành hiện thực”. Mặc dù phân tích này liên quan nhiều lý thuyết nhưng bằng kiến thức vững chắc nhất là am hiểu thực tiễn sâu sắc, người đọc ấn tượng với cách lý giải nội dung về Nhà nước kiến tạo một cách thuyết phục, bổ sung kiến thức về kinh tế học phát triển cũng như vai trò của Nhà nước trong điều kiện hội nhập.
Sự cuốn hút của quyển sách không chỉ ở phần Nhà nước kiến tạo, mà có lẽ hấp dẫn hơn là khi tác giả bàn về Năng lực xã hội. Ở Việt Nam có lẽ GS Thọ là người đầu tiên giới thiệu khái niệm năng lực xã hội và phân tích một cách có hệ thống về các đặc trưng của nó. Năng lực xã hội có thể chia thành năm thành phần: giới lãnh đạo chính trị, giới quan chức, giới lãnh đạo kinh doanh, giới trí thức và lao động. Mấu chốt của Nhà nước kiến tạo là khơi dậy niềm tự hào dân tộc nhằm tạo ra thể chế “độc sáng” để các “thành phần” nói trên phát huy hiệu quả tối đa, tất cả đồng hướng vào mục tiêu chung phát triển đất nước. Đây là cách tiếp cận rất mới, là điều chúng ta cần tham khảo, thực tiễn thành công của nước Nhật, đòi hỏi chúng ta phải đổi mới cách suy nghĩ.
Tác giả dành nhiều chương để giới thiệu về nền giáo dục - đào tạo Nhật Bản, về việc tổ chức thi tuyển để chọn người tài ra làm việc nước, về chế độ lao động… Tố chất quan chức và chất lượng lao động nói chung bị chi phối bởi chất lượng giáo dục. Qua phân tích ta thấy mục tiêu của giáo dục đại học không phải ào ạt đào tạo những kỹ sư, cử nhân để rồi thất nghiệp, số lượng người tốt nghiệp đại học và cao đẳng phải xuất phát từ nhu cầu của xã hội.
Đây là điều ai cũng có thể nhận biết, song quan trọng là chính phủ có biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo theo kịp cái xã hội đang cần cũng như bảo đảm tạo nguồn cung tối ưu. Nói thêm hầu hết quan chức Nhật Bản (kể cả hiện nay) không có học vị tiến sĩ, bởi tiến sĩ là để giảng dạy đại học và làm việc trong các viện nghiên cứu. Chỉ cần tốt nghiệp đại học là đủ để làm một quan chức mẫn cán và hiệu quả, là đủ để trở thành anh hùng trong thời đại phát triển thần kỳ. Một người đầu bếp giỏi cũng xứng đáng để được xã hội coi trọng như bất cứ tấm gương nào khác.
Nội dung sống động và hấp dẫn nhất có lẽ các chương viết về “tinh thần doanh nghiệp”. Đặc tính chung của lãnh đạo những Toyota, Sony, Panasonic… là gì? Đọc về họ chúng ta càng thấm thía hơn con đường hình thành đội ngũ các nhà doanh nghiệp, trước hết họ là những người có tinh thần yêu nước, có hoài bão, có bản lĩnh nhưng quan trọng nhất ở họ là tinh thần yêu nước, luôn tìm kiếm công nghệ mới và thị trường mới. Không có công nghệ tiên tiến không có sự thần kỳ. Ở đây vai trò của Nhà nước tạo ra sự gắn kết xã hội thành một khối, đồng thời biết tác động hợp lý để các doanh nghiệp không có tình trạng cạnh tranh làm thiệt hại nguồn lực.
Nhiều phân tích về vai trò của giáo dục - đào tạo, chế độ lao động, thu nhập của quan chức, quan hệ giữa quan chức và doanh nghiệp, vai trò của công nghệ mới… được tác giả phân tích sâu sắc, lý giải thuyết phục căn nguyên tạo ra sự thần kỳ. Một phần quan trọng nữa được thể hiện trong “phụ chương” lý giải vì sao nước Nhật lâm vào suy thoái hiện nay.
Đây được hiểu là những cảnh tỉnh nếu không có được sự thích nghi với sự phát triển của công nghệ mới. Người đọc tìm thấy trong sách những lý thuyết kinh tế hiện đại được diễn đạt dễ hiểu, những phân tích sâu sắc về việc tận dụng thời cơ, về thái độ ứng xử đáng để noi gương thể hiện khí khái của người làm chính trị. Rất nhiều chi tiết sống động, cuốn hút mà thường trong những tác phẩm kinh điển dễ bị coi là khô khan. Đọc xong ta suy ngẫm nhiều về tinh thần tự trọng của quan chức, về sự năng động của doanh nghiệp, về sự tiết kiệm, thanh liêm khi biết để có nước Nhật ngày nay các bộ trưởng, thứ trưởng ngày trước khi đi nghiên cứu nước ngoài, hai người ngủ chung một phòng ở khách sạn 3 sao. Hay chi tiết bộ Tư Bản của K. Marx có lẽ Nhật là nước châu Á dịch và xuất bản đầu tiên (1919), hoặc thương hiệu National nổi tiếng là được lấy cảm hứng từ bài Quốc tế ca.
“Kinh tế Nhật Bản - Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973” là cuốn sách phải đọc vì nó “cung cấp một tham khảo về mục tiêu của Việt Nam đến năm 2045”, về khía cạnh này các nhà hoạch định chính sách, các học giả nước ta có thể tìm thấy những gợi ý bổ ích để hoàn thành mục tiêu phát triển nước ta nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước (1945-2045), bởi ta có cảm giác GS Trần Văn Thọ không chỉ viết về nước Nhật, nơi mà ông có thẩm quyền về học thuật và thực tiễn để viết chi tiết, mà chính là viết về Việt Nam. Đằng sau những phân tích, những biểu bảng là một tấm lòng với đất nước, quê hương.
Ta dễ dàng nhận ra sự trăn trở, thôi thúc khôn nguôi với câu hỏi bao giờ Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại? Trong nhiều tác phẩm (tiếng Việt) đã xuất bản của GS Trần Văn Thọ, ta thấy nhiều khái niệm liên quan đến thời gian “Công nghiệp hóa Việt Nam trong thời đại châu Á - Thái Bình dương” (1997), “Việt Nam từ năm 2011” (2011), “Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam” (2015), “Việt Nam hôm nay và ngày mai” (chủ biên - 2021)…, ông đau đáu trước áp lực thời gian, ông sốt ruột vì nhiều kiến nghị của ông đề xuất cách đây nhiều năm, nhất là về việc du nhập công nghệ tiên tiến và giáo dục đại học chưa có được chuyển biến căn bản. Nước Nhật mất 17 năm kể từ 1956 để thành nước công nghiệp phát triển hàng đầu. Với Nhật Bản mất 6.000 ngày để thay đổi, còn Việt Nam?
GS Trần Văn Thọ sinh năm 1949 tại xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Hiện là giáo sư danh dự Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản), nơi nổi tiếng thế giới về đào tạo nhiều chính khách, nhà khoa học và doanh nghiệp lớn. Ông là chuyên gia hàng đầu về kinh tế phát triển, nhiều ý kiến của ông được giới chính trị, học thuật và bạn đọc đánh giá cao. GS Trần Văn Thọ lấy bằng tiến sĩ kinh tế Đại học Hitotsubashi, làm nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, giáo sư kinh tế tại Đại học Obirin. Năm 1990, ông là một trong ba người nước ngoài được mời tham gia Hội đồng tư vấn kinh tế nhiều đời của Thủ tướng Nhật và làm cố vấn cho nhiều cơ quan của Chính phủ Nhật Bản. Năm 1993, GS Trần Văn Thọ là thành viên của Tổ tư vấn cải cách kinh tế của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thành viên Ban nghiên cứu chính sách của Thủ tướng Phan Văn Khải và thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông thường xuyên tham dự và có bài tham luận tại các hội thảo xây dựng chính sách phát triển kinh tế Việt Nam. Ông cũng từng là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng. Thuở nhỏ, ông học đệ nhất cấp (PTCS) tại Trường Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn), trung học đệ nhị cấp (PTTH) tại Trường Trần Quý Cáp (Hội An), sau khi đỗ tú tài toàn năm 1967, ông vào Sài Gòn định thi vào Trường Đại học Sư phạm để “đi dạy văn chương”. Năm 1968, ông thi đỗ học bổng toàn phần Chính phủ Nhật Bản khi tình cờ ngang qua Bộ Giáo dục thấy thông báo tuyển sinh du học Nhật. GS Trần Văn Thọ có nhiều tác phẩm xuất bản bằng tiếng Việt, tiếng Nhật và tiếng Anh, trong đó cuốn sách bằng tiếng Nhật xuất bản năm 1992 “Phát triển công nghiệp trong tương quan với các doanh nghiệp đa quốc gia: Kiểm chứng tính năng động của kinh tế vùng châu Á - Thái Bình Dương” được trao Giải thưởng châu Á - Thái Bình Dương năm 1993. Giải thưởng này GS Trần Văn Thọ gửi tặng học bổng 2 ngôi trường nơi ông học thời phổ thông Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn) và Trần Quý Cáp (Hội An). Cuốn “Kinh tế Nhật Bản - Giai đoạn phát triển thần kỳ 1955-1973” (NXB Đà Nẵng và Phanbook 2022) là quyển sách mới nhất của GS Trần Văn Thọ được dư luận, nhất là giới nghiên cứu trong nước đặc biệt quan tâm. |
MAI ĐỨC LỘC
* GS Trần Văn Thọ - NXB Đà Nẵng và Phanbook 2022