Chiều 5-11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, lưu ý.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trịnh Xuân An đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Theo đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai), đại dịch Covid-19 có thể xem là phép thử vô cùng ngặt nghèo đối với công tác lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cũng là đối với cả hệ thống chính trị thời gian tới. Trước những diễn biến khó lường của tình hình thế giới và khu vực, cũng như diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh, nguy cơ xuất hiện các tình huống như đại dịch Covid-19 cũng như khó khăn, sức ép trong điều hành kinh tế vĩ mô là luôn hiện hữu, đặc biệt là sức ép từ lạm phát và cũng như khả năng là "dịch chồng dịch". Từ đó, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị Thủ tướng cho biết, bài học kinh nghiệm rút ra để dự liệu, dự phòng cho các tình huống có thể xảy ra trong tương lai, bảo đảm xử lý hiệu quả và không bị động bất ngờ.
Trả lời về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, qua hơn 2 năm chống dịch chưa từng tiền lệ, không thể dự báo và mất rất nhiều công sức để kiểm soát được dịch bệnh, đến nay, vẫn chưa thể dành được thời gian để tổng kết. Song Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất sẽ phải tiến hành tổng kết để rút ra các bài học kinh nghiệm.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, kinh nghiệm trong quá trình chống dịch cho thấy đã đưa ra được 3 trụ cột chính là xét nghiệm - cách ly - điều trị; đồng thời đưa ra được công thức chống dịch: 5K + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức của người dân và nhiều yếu tố khác.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, trên thực tế, chúng ta đã làm theo đúng tinh thần nói trên theo 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1, khi chưa tiếp cận được vaccine, chưa hiểu biết hết được về virus, chúng ta buộc phải dùng biện pháp hành chính. Sau đó, khi nhận thấy biện pháp hành chính rất khó thành công thì chúng ta đã thúc đẩy chiến lược vaccine, cộng với ý thức người dân là 2 thành tố rất quan trọng; từ đó đẩy lùi được dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, với quan điểm chống dịch "đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên hết và trước hết" và "chống dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở", có sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ, chia sẻ của bạn bè quốc tế, nước ta đã thành công trong kiểm soát dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, tinh thần đại đoàn kết dân tộc rất là quan trọng. Trên cơ sở lời kêu gọi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tinh thần đại đoàn kết dân tộc đã giúp chúng ta biến nguy thành cơ. Đây là vấn đề toàn dân nên phải lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch. Chúng ta cũng kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của bên ngoài, sức mạnh của thời đại, bởi đây là vấn đề toàn cầu, nên cần phải kêu gọi sự chung tay, đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương.
Cùng với đó, Thủ tướng nhấn mạnh, phải hoàn thiện thể chế để phòng, chống dịch. Quốc hội đã rất sáng suốt khi ban hành Nghị quyết 30 để xử lý các vấn đề thể chế và trên cơ sở này, Chính phủ và các cơ quan đã tiếp tục cụ thể hóa để giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thể chế, quy định. Cùng với đó, phải tiếp tục tăng cường y tế cơ sở và y tế dự phòng; đầu tư cho con người; cơ sở vật chất; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch.
Ủng hộ hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt vấn đề, thời gian qua, hoạt động đối ngoại của đất nước đã thành công rực rỡ nhờ sự kiên định, linh hoạt, mềm dẻo. Từ đó, đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết một số định hướng đối ngoại thời gian tới trong bối cảnh tình hình có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Anh Trí đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Trả lời vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, về định hướng đối ngoại, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Đất nước ta đang thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối đối ngoại này trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, với 3 trụ cột chính: ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa.
"Chúng ta không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải, ủng hộ các vấn đề vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, phù hợp quan điểm đối ngoại của chúng ta", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Phát huy tối đa bản sắc, nền văn hóa Việt Nam
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (tỉnh Thái Bình) đặt câu hỏi về kết quả thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Từ đó, đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết kết quả thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, khó khăn, vướng mắc và biện pháp tháo gỡ.
Về vấn đề văn hóa, Thủ tướng cho biết, vừa qua, chúng ta đã tổ chức hội nghị văn hóa toàn quốc với kết luận, chỉ đạo của Tổng Bí thư và đang tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đặt ngang tầm văn hóa với chính trị, kinh tế, xã hội. Kết quả thực hiện trong thời gian vừa qua, nhận thức về vấn đề văn hóa đang được nâng lên, mang đến sự thay đổi trong hành động và sẽ tiếp tục đưa đến những kết quả tốt hơn trong thời gian tới.
"Cần có sự đầu tư về nguồn lực, thể chế, con người để phát huy tối đa bản sắc, nền văn hóa Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam, phát huy tối đa năng lực, trí tuệ, phẩm chất con người Việt Nam cho quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc..." - Thủ tướng nhấn mạnh.
Về vấn đề phân cấp, phân quyền, Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề lớn, Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Việc phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp và nâng cao năng lực cán bộ thực thi, do đó cần rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật. Hiện nay, Chính phủ rất muốn phân cấp, phân quyền nhưng còn vướng một số quy định. Đây là một điểm nghẽn cần tháo gỡ. Tới đây, Chính phủ sẽ rà soát để làm tốt hơn vấn đề này.
Cải cách thể chế là đột phá chiến lược
Đặt vấn đề chất vấn tại hội trường, đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho biết, ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó, đại biểu nêu câu hỏi về những quan điểm chính, trụ cột trong cải cách thể chế.
Trả lời chất vấn của đại biểu Ma Thị Thúy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, cải cách thể chế phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và tôn trọng thực tiễn khách quan, phục vụ lợi ích của người dân, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể. Các trụ cột cần tập trung vào là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với quan điểm xuyên suốt, lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể là mục tiêu, là động lực, nguồn lực cho sự phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, mỗi tháng Chính phủ đều tổ chức phiên họp chuyên đề bàn về cách thể chế, bàn về xây dựng pháp luật. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã xem xét gần 70 luật và đang trình Quốc hội hơn 10 dự án luật.
Theo TTXVN