Sự kết hợp thú vị giữa đạo diễn Việt Linh và nhà văn Marc Levy

.

Đạo diễn Việt Linh vừa chuyển thể tiểu thuyết “Mọi điều ta chưa nói” của nhà văn Marc Levy thành vở chính kịch cùng tên, có phụ đề tiếng Anh. Nữ đạo diễn mời tác giả có mặt tại thành phố Hồ Chí Minh (từ ngày 7 đến ngày 10-11) để tham dự ba buổi ra mắt vở của sân khấu Hồng Hạc.

Đạo diễn Việt Linh (giữa) trong một lần dạy kịch cho học sinh. Ảnh: NVCC
Đạo diễn Việt Linh (giữa) trong một lần dạy kịch cho học sinh. Ảnh: NVCC

Vở kịch do Việt Linh và Lê Chi Na đồng đạo diễn, với sự tham gia của nhạc sĩ Nguyễn Công Phương Nam, họa sĩ Tomy Trương và dàn diễn viên, gồm: Công Danh, Lê Chi Na, Samuel An, Đinh Mạnh Phúc, Tăng Trọng Thắng, Thái Điền, Hải Nguyên, bé Nhật Linh...

Tiểu thuyết “Mọi điều ta chưa nói” là một câu chuyện xúc động về tình yêu và tình cha con. Ngay cận ngày cưới, Julia được tin báo từ thư ký riêng của bố. Đúng như cô dự cảm, Anthony Walsh - doanh nhân thành đạt nhưng xa cách con gái - không thể tới dự lễ cưới. Nhưng lần này ông có lý do chính đáng: qua đời. Sau tang lễ, Julia phát hiện ông bố luôn khuấy đảo cuộc đời cô còn dành cho con gái bất ngờ kinh khủng khác. Từ đây, cô bắt đầu chuyến đi kỳ lạ cùng người cha quá cố, gặp lại mối duyên từng bị cha ly gián. Julia rốt cuộc biết cha yêu mình nhường nào…

* Chào đạo diễn Việt Linh, chị có thể chia sẻ thêm về sự kết nối giữa sân khấu Hồng Hạc với nhà văn Marc Levy?

- Một chút hay và ba chút hên. Thời gian đỉnh Covid-19 năm ngoái, tôi ở Pháp, có nhiều thời gian đọc sách hơn. Và trong số sách đọc dồn dập đó, tôi đọc thêm vài cuốn nữa của Marc Levy - một tác giả tôi rất khâm phục tính lãng mạn, trí tưởng tượng nhưng không gần gũi, có lẽ do qua tuổi… ngôn tình (cười). Vậy nhưng cuốn “Mọi điều ta chưa nói” đã tác động mạnh đến tôi bởi tình cha con sâu sắc. Tôi thử chuyển thể và gửi email hú họa đến ông, xin/mua rẻ bản quyền chuyển thể cho 10 xuất diễn. Nội dung tôi viết cho ông đúng như những gì tôi đang nói với bạn. Có lẽ do sự chân thành đó chăng mà hai tuần sau tôi nhận được thư đồng ý của ông!

* Cảm xúc của chị ra sao khi nhận được phản hồi tích cực từ nhà văn Marc Levy?

- Nói vui, cái gì đó tương tự như… “hết hồn”. Khi tôi nói gửi thư cho ông, con gái tôi đã trêu “mẹ gửi cho vũ trụ”. Mà thật, tôi và ông không hề biết nhau. Mặc dù khi viết thư, tôi có nói mình là ai, học ở đâu, có hai phim phát hành thương mại ở Pháp… nhưng vẫn lẹt đẹt so với tên tuổi lừng lẫy của ông. “Hết hồn” hơn, ông trả lời tôi với tất cả sự ấm áp, nhiệt thành. Rằng ngoài việc cho không bản quyền mười buổi diễn (do chính tôi khống chế), ông rất muốn sang dự công diễn nếu lịch cho phép. Thế là tôi quyết định chọn công diễn theo lịch… của ông. Đó là lý do buổi diễn đầu tiên là ngày thứ hai, do thứ Bảy trước ông bận đi quảng bá sách mới, còn Chủ nhật thì trên máy bay.

Ngoài tình cảm, tôi nghĩ ông sang xem còn do sự tò mò chuyển thể của sân khấu Việt. Trong thư, ông nói vài năm trước có đoàn kịch Pháp đã mua bản quyền nhưng chưa dựng thành kịch. Phim dựa trên sách của ông thì rất nhiều, ngay cả quyển “Mọi điều ta chưa nói” cũng được Canal Plus (một kênh truyền hình cao cấp của Pháp) làm phim dài tập.

Đạo diễn Nguyễn Việt Linh tốt nghiệp loại ưu khoa Đạo diễn - Trường Đại học Điện ảnh Liên bang Xô viết (VGIK). Chị tham gia hoạt động điện ảnh với vai trò dựng phim, biên tập, biên kịch và là đạo diễn của nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng, như: Gánh xiếc rong, Dấu ấn của quỷ, Chung cư, Mê Thảo - Thời vang bóng...

 

Phim của nữ đạo diễn từng giành nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim trong nước, quốc tế và để lại tiếng vang lớn. Việt Linh cũng là đạo diễn điện ảnh Việt Nam đầu tiên được Bảo tàng Nghệ thuật Queensland Art mời đem toàn bộ tác phẩm đến giới thiệu tại chương trình nghệ thuật cận đại châu Á - Thái Bình Dương ở Brisbane, Australia.

* Chị đặt kỳ vọng như thế nào đối với vở diễn này?

- Ngay khi thành lập, tiêu chí của Hồng Hạc là dựa trên văn học. Vì sao ư? Vì tôi muốn các tác phẩm văn học hay được sống thêm dạng bản nghe nhìn, được lan tỏa đến nhiều người… Quyết định chọn “Mọi điều ta chưa nói” để chuyển thể kịch, như đã nói, ngoài tác động mạnh bởi tình phụ tử, tôi tìm thấy trong cuốn này cái gì đó rất đặc biệt: vẫn là Marc Levy lãng mạn, huyền biến nhưng câu chuyện cho cảm xúc đằm sâu, tinh tế rất Đông phương.

Nói ngắn, tôi cảm thấy gần gũi và tin rằng khán giả Việt Nam cũng thấy gần gũi. Tôi xúc động khi viết. Ê-kíp xúc động khi dàn dựng. Bằng tất cả sự nghiêm túc, say sưa, chúng tôi tin sẽ truyền được cảm xúc đó đến người xem.

Mọi chuyển thể tiểu thuyết thành phim hay kịch đều khó, bởi dung lượng câu thúc buộc phải cắt bớt tình tiết/nhân vật nhưng vẫn bảo đảm năm yếu tố then chốt của bản gốc: cốt truyện, không khí, thông điệp, phong cách tác giả, tính cách nhân vật. “Mọi điều ta chưa nói” còn khó hơn do yếu tố lịch sử, tính trinh thám, tính khoa học pha lẫn huyền ảo… Làm sao dồn một cuốn sách hơn bốn trăm trang thành vở kịch dài hai tiếng rưỡi mà không mai một phần cốt lõi? Những gì khán giả sắp xem là kết quả của rất nhiều bản thảo bỏ đi, rất nhiều tự vấn, tham vấn và lao động tận sức của toàn ê-kíp.

* Từng là “nữ tướng” của điện ảnh Việt Nam, ngôn ngữ sân khấu của chị có điểm chung và nét riêng gì với ngôn ngữ điện ảnh của chị?

- Cảm xúc nghệ thuật thường do cảm chứ không thể phân tích lý thuyết. Nhưng nếu phải đưa ra hai yếu tố tương đồng điện ảnh trong kịch Hồng Hạc, thì chắc đó là ánh sáng và diễn xuất chân thật.

* Điều gì thôi thúc chị nhiệt huyết gắn bó với sân khấu nói riêng và nghệ thuật nói chung?

- Trả lời ái ngại của nhiều người khi Hồng Hạc thành lập trong giai đoạn kịch nói thoái trào, tôi nói tôi quan niệm nghệ thuật làm nên bằng hai thứ khả: khả thi và khả tín. Khi ta hội đủ điều kiện, tin vào công việc của mình thì cứ lên đường. Tôi nghĩ về xu hướng chứ không xu thời nên ít lệ thuộc khách quan. Dĩ nhiên chúng tôi khó khăn, thậm chí khốn đốn nhưng cố nắm tay nhau, nhẫn nại gieo trồng. Trong hành trình gian nan đó, chúng tôi có biết bao người phải tri ân… Người ta hay nói đam mê làm nghệ thuật là bị nghiệp. Với tôi là lạc thú. Nghiệp thì trả, lạc thú thì hưởng; cái nào cũng công bằng. Bên cạnh tư cách nghệ sĩ, tôi là một công dân, mà đã là công dân thì phải phục vụ hết lòng cho đất nước.

* Dự định của sân khấu Hồng Hạc cũng như bản thân chị trong thời gian đến?

- Về sân khấu, chúng tôi thèm được một lần ra Đà Nẵng/Hội An biểu diễn mà không đủ khả năng. Hy vọng qua bài báo này, tôi lại gặp… hên như đã hên với nhà văn Marc Levy (cười). Tôi tin cái gì ta thật sự chờ mong, thì nó sẽ tới. Về cá nhân, tôi rất nhớ điện ảnh. Mà đã nhớ thì phải tìm cách gặp.

* Cảm ơn những chia sẻ chân tình của chị.

Marc Levy sinh năm 1961, quê ở Pháp và có thời gian dài sống tại Mỹ. Sau khi lập nghiệp với nghề đồ họa và kiến trúc, năm 37 tuổi, ông viết cuốn sách đầu tay “Nếu em không phải một giấc mơ” và thành công vang dội. Các tiểu thuyết của ông được dịch ra gần năm mươi thứ tiếng, liên tục trở thành những tác phẩm bán chạy nhất ở các nước Đức, Nga, Ý và Đài Loan.

 

Ông là nhà văn nước ngoài đầu tiên có fan club tại Việt Nam. Ra mắt năm 2008, tác phẩm thứ 8 - “Mọi điều ta chưa nói” mang đậm dấu ấn lãng mạn và hư ảo của tác giả. Cuốn sách trở thành hiện tượng tại Pháp khi bán đến 400.000 bản sau hai tuần phát hành.

NAM BÌNH thực hiện

;
;
.
.
.
.
.