Tôn vinh nghề giáo bằng âm nhạc

.

ĐNO - Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay, nhiều nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên sáng tác, làm mới những ca khúc về đề tài thầy cô, mái trường. Thông qua đó, cho ra đời nhiều ca khúc, sản phẩm âm nhạc tri ân những người đã và đang gắn bó với sự nghiệp “trồng người”.

Tập thể cán bộ, giảng viên Khoa tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng thể hiện bài hát Tiếng hát từ mái trường thân yêu. Ảnh: X.D
Tập thể cán bộ, giảng viên Khoa tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) thể hiện bài hát "Tiếng hát từ mái trường thân yêu". Ảnh: X.D

Tại Đà Nẵng, không chỉ những nhạc sĩ chuyên nghiệp, mà cả những người không chuyên cũng sáng tác ca khúc hoặc thực hiện sản phẩm âm nhạc về nghề nhà giáo. Đơn cử, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) vừa phát hành 1 video clip âm nhạc với tựa đề “Liên khúc tiếng hát từ mái trường” để ca ngợi, tri ân đóng góp của các thầy cô trong sự nghiệp giáo dục.

Video clip có 2 bài hát, gồm: "Tiếng hát từ mái trường thân yêu" và "Hoa nắng sân trường" do cán bộ, giảng viên Khoa tiếng Anh của trường sáng tác và thể hiện. Trong đó, bài "Tiếng hát từ mái trường thân yêu" được sáng tác bởi thầy Hồ Sỹ Thứ cách đây gần 40 năm, còn bài "Hoa nắng sân trường" vừa được sáng tác trong thời gian gần đây.Vì khoảng cách về thời gian nên mỗi bài hát có cách thể hiện khác nhau, từ nhịp điệu đến phần hòa âm. Song, điểm chung là đều có giai điệu sâu lắng, lời ca giản dị, dễ nghe và nội dung hướng về mái trường, tri ân những người một đời phấn trắng, bảng đen.

Cô Nguyễn Lê An Phương, giảng viên Khoa tiếng Anh - tác giả bài hát "Hoa nắng sân trường" cho biết, trong video clip, gần 70 cán bộ, giảng viên các thế hệ của Khoa tiếng Anh cùng quy tụ, trực tiếp tham gia vào những cảnh quay và thu âm. Nhiều thầy cô xuất hiện trong video clip đã nghỉ hưu nhưng vẫn nhiệt tình nhận lời tham gia. Những cảnh quay cũng được các thầy cô thảo luận, lên ý tưởng và thực hiện một cách khẩn trương để kịp phát hành đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2022).

Thông qua đó, góp phần động viên, khơi dậy niềm tự hào đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên của khoa, trường; đồng thời thể hiện tình cảm, sự tri ân đối với những đóng góp của các thế hệ thầy cô từ khi thành lập Khoa tiếng Anh đến nay. “Không phải những người chuyên về âm nhạc, nên việc thực hiện được sản phẩm này là một sự nỗ lực rất lớn của các thầy cô. Điều đáng mừng là sản phẩm khá thành công, nhận được nhiều lời khen ngợi về cả phần âm thanh và hình ảnh”, cô An Phương bày tỏ.

Nhạc sĩ Cao Tâm và bé Gia Hân thể hiện ca khúc Cô giáo lớp em. Ảnh: X.D
Nhạc sĩ Cao Tâm và bé Gia Hân thể hiện ca khúc "Cô giáo lớp em". Ảnh: X.D

Mới đây, nhạc sĩ Cao Tâm (Hội Âm nhạc thành phố, giáo viên dạy nhạc Trường THCS Trưng Vương) có tác phẩm “Cô giáo lớp em”, phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, được in trong sách giáo khoa lớp 2. Bài thơ chỉ có 3 khổ ngắn, nhưng chứa đựng tình cảm gắn bó, kết nối của tình thầy trò nên thôi thúc nhạc sĩ Cao Tâm phổ nhạc.

Thông qua bài hát này, nhạc sĩ Cao Tâm nói lên sự nhọc nhằn, vất vả của “người đưa đò”, những điều hồn nhiên trong sáng của học trò; đồng thời thể hiện giá trị, ý nghĩa, đạo đức của người thầy bằng lòng yêu thương, trách nhiệm nghề nghiệp. “Hình ảnh thầy cô luôn là đề tài, cảm hứng sáng tác cho người nhạc sĩ. Song song đó, những chủ đề về tuổi học trò, thầy cô, mái trường đều là những chủ đề thiết thực, bất tận, mà tất cả người nhạc sĩ nào cũng có thể cảm nhận bằng cảm xúc thực của mình để sáng tác các ca khúc dễ đi vào lòng người”, nhạc sĩ Cao Tâm khẳng định.

Ca khúc
Ca khúc "Yêu nghề gieo hạt" của nhạc sĩ Nguyễn Nhẫn được biểu diễn trong chương trình gặp mặt tri ân thây cô giáo ngày 18-11. Ảnh: X.D

Nhạc sĩ Nguyễn Nhẫn (Phó Chủ tịch phụ trách Hội Âm nhạc thành phố) cũng vừa sáng tác bài hát “Yêu nghề gieo hạt”, phổ nhạc từ ý thơ của thầy giáo Lê Tấn Hoàn. Bài hát mang giai điệu dịu dàng, vui tươi với lời ca giàu cảm xúc như: Thời gian trôi vẫn nhớ, tình thầy trò ai quên đỏ hòn than bếp lửa, sưởi ấm mùa hiến chương. Bài hát này không chỉ là lời tri ân tới thầy cô, mà còn có thông điệp kêu gọi tất cả mọi người cùng chung tay phát triển sự nghiệp giáo dục.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Nhẫn, mảng đề tài về thầy cô giáo luôn được các nhạc sĩ trên địa bàn thành phố quan tâm sáng tác. Trong năm nay, có khoảng 20 ca khúc mới của các nhạc sĩ thành phố viết về đề tài này. Nhìn chung, những ca khúc về đề tài này đều có chất lượng, được các trường sử dụng trong các dịp hội diễn, liên hoan văn nghệ. “Mỗi nhạc sĩ cùng từng là một học trò. Từ những trải nghiệm, kỷ niệm của bản thân, người nhạc sĩ sẽ có xúc cảm để viết lên ca khúc tri ân thầy cô. Và thực tế, những ca khúc về đề tài này luôn dễ chạm đến cảm xúc của người nghe, cũng như có sức sống mãnh liệt trong lòng công chúng”, nhạc sĩ Nguyễn Nhẫn chia sẻ.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.