Văn hóa - Giải trí

Di sản của cụ Phan

13:56, 21/06/2023 (GMT+7)

Là người khởi xướng chủ thuyết canh tân “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, từ sớm Phan Châu Trinh đã tham gia viết báo và coi báo chí làm diễn đàn, công cụ đấu tranh để thực thi lý tưởng yêu nước và đường lối duy tân của mình.

Đại Việt tân báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Bắc Kỳ. Tuy chỉ có 3 năm ngắn ngủi, sự xuất hiện của Đại Việt tân báo vẫn là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam vì đây là tờ báo đầu tiên sử dụng chữ quốc ngữ tại Bắc Kỳ. (nguồn: thuviennguyenvanhuong)
Đại Việt tân báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên ở Bắc Kỳ. Tuy chỉ có 3 năm ngắn ngủi, sự xuất hiện của Đại Việt tân báo vẫn là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam vì đây là tờ báo đầu tiên sử dụng chữ quốc ngữ tại Bắc Kỳ. (nguồn: thuviennguyenvanhuong)

Người khởi xướng phong trào Duy Tân

Phan Châu Trinh sinh ngày 9-9-1872 tại làng Tây Lộc, tổng Vĩnh Quý, nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ, Phan Châu Trinh nổi tiếng thông minh, theo cha học võ và học chữ. Năm 27 tuổi, được tuyển vào trường tỉnh và “được xét vào ngạch “học sinh”, hạng học trò giỏi được cấp học bổng”. Năm 1900, Phan Châu Trinh thi đỗ cử nhân, một năm sau đỗ phó bảng nhưng phải trở về quê lo đám tang anh ruột và ở lại quê nhà dạy học.

Năm 1903, Phan Châu Trinh được bổ làm Thừa biện Bộ lễ, trong thời gian ở Huế, ông có điều kiện đọc các sách về công cuộc duy tân ở Nhật Bản, tiếp cận chủ thuyết Tam dân “Dân tộc độc lập - Dân quyền tự do - Dân sinh hạnh phúc” của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, nhất là được tiếp xúc với xu hướng dân chủ tư sản của các nhà dân chủ Pháp và những kế sách cải cách của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Phạm Phú Thứ... đã tác động mạnh mẽ, chuyển biến trong tư tưởng của ông.

Vì vậy, tuy sống và làm quan ở kinh đô nhưng tấm lòng luôn mang nặng nỗi đau của người dân mất nước. Do đó, Phan Châu Trinh đã từ quan trở về quê và năm 1904, tại làng Thạnh Bình (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), ông cùng với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp bàn việc cứu nước. Trước cảnh lầm than của nhân dân, Phan Châu Trinh chủ trương cứu nước phải từ nội lực của nhân dân, cứu nước trước hết phải cứu dân, từ đó ông đưa ra chủ thuyết canh tân “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Sau chuyến Nam du, ông về Quảng Nam và đến đầu năm 1906, ông có chuyến ra Bắc, chuẩn bị thành lập cơ sở duy tân tại Hà Nội, rồi lên Yên Thế, tìm hiểu hoạt động chống Pháp của lãnh tụ Hoàng Hoa Thám; sau đó sang Trung Quốc, Nhật Bản gặp Phan Bội Châu, đồng thời tìm hiểu chính sách duy tân của nước Nhật.

Dùng báo chí làm phương tiện truyền bá tư tưởng mới của phong trào Duy Tân

Là người khởi xướng chủ thuyết canh tân “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, từ sớm Phan Châu Trinh đã tham gia viết báo và coi báo chí làm diễn đàn, công cụ đấu tranh để thực thi lý tưởng yêu nước và đường lối Duy tân của mình. Sau khi từ Nhật về nước, Phan Châu Trinh càng khẳng định dứt khoát đường lối duy tân của mình.

Từ giữa năm 1907, khi ra Hà Nội, Phan Châu Trinh được mời giữ chức vụ Tổng Biên tập tờ báo chữ Hán “L’Annam - Đại Việt tân báo”. Về sự kiện này, trong cuốn “Phan Châu Trinh - qua những tài liệu mới”, trang 119-120, có ghi: “Với Phan Châu Trinh, được ra Hà Nội - trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước, lại được giữ cương vị Tổng Biên tập của một tờ báo có tính chất bán công, được phân phối đến tận huyện, tổng theo hệ thống công văn chính quyền, đó thật sự là dịp may hiếm có đối với một con người cực kỳ năng động, ham thích biện luận đang mong muốn có phương tiện để nhanh chóng phổ cập tư tưởng mới của phong trào Duy Tân. Ông viết say sưa và vận động cùng bạn bè cùng viết. Những bài viết quá thẳng thừng đều bị mật thám kiểm duyệt cắt bỏ, họ phải tìm cách viết lấp lửng để vượt qua lưới kiểm duyệt… nhưng bà con ta đọc thì hiểu rất rõ. Thời gian này, chính Ernest Babut đã giúp các nhà duy tân có mối quan hệ với những người Pháp cấp tiến và sử dụng báo của ông làm cơ quan ngôn luận công khai, hợp pháp của họ”(1).

Nhiều bài viết của tờ Đại Việt tân báo được các báo khác đăng lại, hình thành một phản ứng dây chuyền phổ cập các tư tưởng mới. Đặc biệt, bài “Hiện trạng vấn đề” với nội dung sâu sắc về tư tưởng duy tân của Phan Châu Trinh đã được đăng ở số 135 (khoảng cuối tháng 12-1907). Sau đó tờ “Người tiên phong Đông Dương”, ngày 29-12-1907 đăng lại toàn văn trên mục “Tư tưởng của người An Nam” do Tân Nam Tử phụ trách (bút hiệu của Nguyễn Văn Vĩnh) và được đổi lại với tiêu đề “Những suy nghĩ của người An Nam”. Cuối bài viết “Hiện trạng vấn đề”, Phan Châu Trinh nhấn mạnh: “Vậy xin có lời chính cáo cùng người nước ta rằng: Không bạo động, bạo động thì tất chết; không trông người ngoài, trông người ngoài thì tất ngu”. “Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào là “Chi bằng học”(2). Như vậy, Phan Châu Trinh đã khuyên với đồng bào rằng, chỉ nên trông cậy ở chính mình, không vọng ngoại, con đường giải thoát của chúng ta là nằm chủ yếu trong sự học hành, mở mang trí tuệ. Như vậy, vấn đề quan trọng là tự lực cánh sinh và học hành.

Sau sự kiện Dân biến Trung Kỳ nổ ra năm 1908, Phan Châu Trinh bị bắt ở Hà Nội, giải về Huế, kết án đày đi Côn Đảo. Tờ “L’Annam - Đại Việt tân báo” bị cắt tài trợ, phải đình bản mà theo báo cáo của Chánh Sở Mật thám Bắc kỳ: “không những vì lý do giảm chi cho ngân sách mà còn vì tờ báo đã ủng hộ một đường lối cải cách không phù hợp”. Và sau khi Phan Châu Trinh bị bắt, trong bài viết “Tiếng vọng của chúng tôi” đăng trên tờ “Le Pionnier Indochinois”, nhà báo Ernest Babut nêu rõ: “Phan Châu Trinh không phạm tội nào hết. Sai lầm duy nhất của ông ta (mà chúng tôi không coi là sai) là thấy nhiều việc không tốt ở Đông Dương và dám nói, dám viết lên điều đó”.

Sau 3 năm bị giam ở nhà tù Côn Đảo, Phan Châu Trinh được E. Babut và Liên minh Nhân quyền Pháp đấu tranh bảo vệ, nên tháng 6-1910, ông được ân xá và sau đó theo nguyện vọng, tháng 4-1911, cụ Phan sang Pháp. Tại Pháp, Phan Châu Trinh gặp gỡ nhiều người Việt Nam yêu nước như Phan Văn Trường, Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc), Nguyễn Như Trinh... Được sự giúp đỡ của Liên minh Nhân quyền Pháp, Phan Châu Trinh đã mở rộng vận động trong dư luận Pháp về những bất công ở thuộc địa, đồng thời viết nhiều bài báo tố cáo chế độ thuộc địa với dư luận Pháp. Năm 1914, một vài tờ báo tiếng Pháp ở Đông Dương nói Phan Châu Trinh diễn thuyết ở Paris, vận động người Việt Nam ở Pháp chống Pháp. Cụ đã đăng báo cải chính nói có diễn thuyết ở Pháp, chỉ cho đồng bào mình thấy những việc lạm quyền ở trong nước và khuyên đồng bào lo học nghiệp chứ không hề khuyên chống Pháp. Trong bài viết của mình, cụ nhấn mạnh: “Tôi không hiểu nói tôi nghịch (với Pháp) là nghịch thế nào? Hay là vì tôi đem những chuyện người Tây thuộc địa Đông Dương làm bậy mà nói cho thiên hạ biết?… Không lẽ người ta nói: “Người nước tôi chỉ có hai cách, một là vác trái phá ném cầu, hai là cuối đầu ngậm miệng làm thinh, ngoại giả không ai được phép nhúng vào chính trị, nghĩ ra một cái chủ nghĩa khác, nếu có thì phải tội”(3). Ngoài ra, Phan Châu Trinh còn có hàng chục bài báo khác đăng trên các tờ báo Pháp.

Với những đóng góp đó, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã có nhận xét về cụ Phan như sau: “Phan Châu Trinh đã có công mở đường, nói lên tiếng nói đầu tiên tố cáo chính sách thuộc địa và vô nhân đạo ở Đông Dương ngay trên đất Pháp. Ông đã tập hợp được một số người Việt Nam yêu nước, nhen nhóm được phong trào, thực hiện sự có mặt đầu tiên của người Việt Nam yêu nước tại Pháp, tác động về nước qua một số báo chí tiến bộ”(4).

Có thể thấy rằng, Phan Châu Trinh không những là nhà hoạt động chính trị mà còn là một nhà văn, nhà văn hóa lỗi lạc, một nhà báo. Với trí tuệ thông minh và học vấn uyên thâm, Phan Châu Trinh dùng ngòi bút của mình để chuyển tải tư tưởng yêu nước, thương dân, đấu tranh lên án chính sách bóc lột, đàn áp tàn bạo của thực dân, phong kiến. Đặc biệt, bài viết Hiện trạng vấn đề, trong đó có luận điểm “Chi bằng học” mà cụ nêu ra đã gần hai vòng hoa giáp vẫn còn nguyên giá trị.

LÊ NĂNG ĐÔNG

(Bài viết có tham khảo tài liệu Phan Châu Trinh - qua những tài liệu mới
của tác giả Lê Thị Kinh (Phan Thị Minh) do NXB Đà Nẵng
xuất bản năm 2021 và một số tư liệu khác)

-------

1. Lê Thị Kinh (Phan Thị Minh), Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới (tập 1), Nxb Đà Nẵng, trang 119-120.

2, Theo Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập, tác giả Thương Châu - Phạm Ngô Minh, Nxb Đà Nẵng, trang 391.

3. Giáo sư Huỳnh Lý, Phan Châu Trinh  -  Thân thế và sự nghiệp, Nxb Đà Nẵng trang 113.

4. Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng, Nxb KHXH, Hà Nội 2010, trang 1.112.

.