Văn hóa - Giải trí
Triển lãm tư liệu quý về Đà Nẵng buổi đầu kháng Pháp
Ngày 1-9-1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ phát súng đầu tiên tấn công Đà Nẵng, mở đầu ý đồ “đánh thốc ra kinh đô Huế, buộc triều đình Huế quy hàng”. Tuy nhiên, dưới sự chỉ huy của những danh tướng triều Nguyễn là Nguyễn Tri Phương, Lê Đình Lý, quân triều đình và quân, dân Đà Nẵng đã kiên cường chiến đấu, buộc liên quân Pháp phải rút quân sau 18 tháng 22 ngày sa lầy tại đây.
Hình ảnh liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ phát súng đầu tiên vào bán đảo Sơn Trà (ảnh trên) và tàu chiến liên quân nằm ngoài biển Đà Nẵng trước khi nổ súng (ảnh dưới) được triển lãm tại Nghĩa trủng Hòa Vang. Tranh tư liệu |
165 năm sau, những hình ảnh, tư liệu lịch sử khắc họa cảnh quân, dân Đà Nẵng xây đồn đắp lũy, sửa sang hầm công sự hay cảnh liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ phát súng đầu tiên vào bán đảo Sơn Trà được tái hiện sinh động qua cuộc triển lãm tranh, ảnh, tư liệu lịch sử “Đà Nẵng buổi đầu kháng Pháp - Tây Ban Nha (1858-1860) - Di sản còn lại với thời gian” do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức từ ngày 30-8 đến 6-9 tại Khu Di tích lịch sử quốc gia Nghĩa trủng Hòa Vang.
Chuyện xưa lưu dấu
Con đường dẫn vào Khu Di tích lịch sử quốc gia Nghĩa trủng Hòa Vang (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) những ngày đầu tháng 9 đầy nắng. Trong khuôn viên nghĩa trủng, trước hơn ngàn ngôi mộ nghĩa sĩ nằm ngay ngắn, yên bình dưới bóng cây, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức trưng bày khoảng 100 tranh, ảnh tư liệu liên quan đến sự kiện Đà Nẵng mở đầu cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858-1860).
Đứng trước bức tranh ký họa cảnh liên quân Pháp - Tây Ban Nha đổ bộ lên tả ngạn sông Hàn, đánh vào thành Điện Hải, bà Đinh Thị Mười (75 tuổi), sống gần khu vực nghĩa trủng nói, mỗi tháng vào ngày rằm, mồng 1, bà thường mua hoa quả vào nghĩa trủng thắp hương, gửi gắm chút lòng thành đến các anh hùng, nghĩa sĩ.
Năm nay, đứng trước những tranh, ảnh, tư liệu lịch sử Đà Nẵng buổi đầu kháng Pháp, bà Mười có thêm cơ hội ngưỡng vọng quá khứ, qua đó hiểu hơn hai câu đối “Ân triêm khô cốt di truyền cổ/ Trạch cập tàn hồn tái kiến kim” (tạm dịch: Ơn đức nhà vua thấm đến những bộ xương khô từ xưa còn lại; những hạt mưa móc ban cho linh hồn vất vưởng được thấy lại hôm nay), có từ năm Tự Đức thứ 19 (1866).
Theo bà Mười, hơn 60 năm qua, sau lần di dời về địa chỉ hiện tại, Nghĩa trủng Hòa Vang đã sống trọn vẹn trong lòng con, dân phường Khuê Trung. Giữa khu đô thị mới khang trang, câu chuyện xưa gắn chặt vào những hàng mộ nghĩa sĩ thẳng tắp, uy nghiêm. Dẫu vậy, cũng như bà Mười, không phải ai cũng hiểu rõ những gì đã diễn ra trên sông Hàn và trong thành Điện Hải 165 năm trước.
Cùng với sự phát triển của thành phố, mỗi dấu tích lịch sử như một hiện thân của quá khứ để con người có thể móc nối, xâu chuỗi những sự kiện đã diễn ra. Trước những hình ảnh, tư liệu quý về Đà Nẵng buổi đầu kháng Pháp, nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố cho rằng, cái độc đáo và chỉ riêng Đà Nẵng mới có là sau khi quân, dân triều Nguyễn dành thắng lợi trước liên quân Pháp - Tây Ban Nha không lâu, vua Tự Đức - vị tổng tư lệnh cuộc chiến Mậu Ngọ (1858-1860) đã quyết định xây dựng Nghĩa trủng Hòa Vang và Nghĩa trủng Phước Ninh để quy tụ gần 3.000 bộ hài cốt quan, quân triều đình cùng người dân đã “vị quốc vong thân”.
Để sử xưa gần lại người nay, ông Bùi Văn Tiếng khẳng định, hoạt động triển lãm ảnh, tư liệu lịch sử tại Nghĩa trủng Hòa Vang hay tọa đàm khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản liên quan đến cuộc chiến tranh Mậu Ngọ (1858-1860)” diễn ra nhân kỷ niệm 165 năm cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858-2023) là những việc làm cần thiết, để thời gian dẫu có lùi hàng trăm năm, thì khi đứng trước Nghĩa trủng Hòa Vang, người đời vẫn nhận ra đây là nơi lưu dấu máu xương của bao anh hùng, nghĩa sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Đà Nẵng nhiều năm trước. Những hoạt động nhằm nhắc nhớ lịch sử dân tộc không chỉ là việc cần làm, mà còn là trách nhiệm của người Đà Nẵng hôm nay đối với bậc tiền nhân.
Bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử liên quan
Ngược dòng lịch sử, Đà Nẵng là nơi đầu tiên liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng để thực hiện kế hoạch xâm chiếm toàn bộ Việt Nam vào thế kỷ XIX. Trong bối cảnh ấy, nhân dân Đà Nẵng trở thành những người đầu tiên, đại diện cho nhân dân cả nước chống lại các thế lực xâm chiếm đến từ phương Tây với vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại.
Khi nổ súng tấn công Đà Nẵng, liên quân Pháp - Tây Ban Nha cho rằng đây là mục tiêu dễ dàng nên chọn phương án “đánh nhanh, thắng nhanh”. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo tài tình của danh tướng Nguyễn Tri Phương, Lê Đình Lý, Đào Trí cộng sự chiến đấu ngoan cường của nhân dân Quảng Nam, Đà Nẵng và quân đội triều đình nhà Nguyễn, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã bị sa lầy trong cuộc chiến này suốt 18 tháng 22 ngày, buộc phải rút quân.
Đặc biệt, sự kiện này được xem là thắng lợi lớn và duy nhất của quân, dân ta ở mặt trận Đà Nẵng trong hơn một phần tư thế kỷ chống Pháp xâm lược (1858-1885). Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho hay, 165 năm trôi qua, phần lớn những dữ liệu, dấu tích của cuộc chiến giờ chỉ còn lưu lại trên các bức ký họa, bản đồ, qua sử sách, tên đất, tên làng hay qua những nghĩa trủng lưu danh các anh hùng, nghĩa sĩ.
Dẫu tư liệu không còn nhiều, nhưng khá đa dạng và đầy đủ. “Trên địa bàn thành phố hiện còn lưu lại nhiều dấu tích của cuộc kháng chiến chống liên minh Pháp - Tây Ban Nha hồi thế kỷ XIX. Thông qua triển lãm, người xem sẽ hiểu hơn vị trí, vai trò lịch sử của Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858-1860). Đồng thời, biết được chủ trương phòng thủ Đà Nẵng của triều đình Nguyễn cũng như âm mưu, ý đồ chiến thuật của liên quân Pháp - Tây Ban Nha trong thời gian nổ súng tấn công Đà Nẵng”, ông Thiện nói.
Được biết, trong triển lãm lần này, ngoài cung cấp hình ảnh, tư liệu lịch sử khái quát lại tiến trình cuộc chiến Mậu Ngọ năm 1858, Bảo tàng Đà Nẵng còn bổ sung nhiều hình ảnh, tư liệu quý sưu tầm từ Trung tâm lưu trữ quốc gia Pháp, cộng những hình ảnh về công tác trùng tu, tôn tạo, giáo dục truyền thống yêu nước tại các di tích gắn liền với cuộc kháng Pháp - Tây Ban Nha của quân, dân Đà Nẵng.
Trong đó, đáng chú ý là dòng tranh minh họa cảnh liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ phát súng đầu tiên tấn công bán đảo Sơn Trà; cảnh tàu chiến Pháp trang bị đầy đủ phương tiện chiến tranh hiện đại tấn công Đà Nẵng ngày 1-9-1858; cảnh liên quân đổ bộ lên bờ biển Đà Nẵng hay cảnh quân Pháp chuyển những khẩu thần công chiếm được ra khỏi thành Điện Hải...
Từng cất công đi tìm hình ảnh, tư liệu về Đà Nẵng những năm đầu kháng Pháp trong thời gian thực hiện bộ phim tài liệu “Sóng cửa Hàn”, NSND Huỳnh Hùng cho hay hình ảnh, tư liệu về sự kiện theo thời gian hiện không còn nhiều, nên để thực hiện bộ phim, đoàn phải về quê hương danh tướng Nguyễn Tri Phương, lăng Tự Đức, kinh thành Huế và phỏng vấn nhiều nhà nghiên cứu lịch sử để có góc nhìn đa chiều về trận đánh năm 1858.
NSND Huỳnh Hùng khẳng định, với người dân Đà Nẵng nói chung và người làm nghiên cứu lịch sử nói riêng, những tư liệu, hình ảnh về Đà Nẵng những năm đầu kháng Pháp thật sự quý giá. Bởi lẽ, đó là sự kiện lịch sử quan trọng, không chỉ khắc họa lòng dũng cảm, gương hy sinh của người dân Đà Nẵng mà còn đề cập đến chiến lược bảo vệ Đà Nẵng dưới thời vua Tự Đức.
Sau thời gian nghiên cứu những tư liệu, hình ảnh, câu chuyện liên quan, ông cho rằng triều đình nhà Nguyễn đã thể hiện quyết tâm bảo vệ Tổ quốc khi cử danh tướng Nguyễn Tri Phương - một bề tôi trung thành, một võ tướng trí dũng song toàn - lúc này đang làm quan ở Nam kỳ, ra Đà Nẵng làm tổng chỉ huy chống thực dân Pháp. Hầu hết những đề nghị của Nguyễn Tri Phương trong quá trình xây dựng chiến thuật chống Pháp đều được triều đình chấp thuận, tạo cơ hội cho quân, dân Đà Nẵng giành thắng lợi trước liên quân Pháp - Tây Ban Nha.
“Tôi tin rằng, thông qua những dữ liệu lịch sử tại triển lãm lần này, chúng ta sẽ hiểu hơn đức hy sinh và tấm lòng gan dạ của danh tướng Nguyễn Tri Phương, quân triều đình và nhân dân Đà Nẵng trong trận thắng mang tầm chiến lược trong thời kỳ chống thực dân Pháp. Đó cũng là cơ sở để thành phố bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử liên quan”, NSND Huỳnh Hùng chia sẻ.
Có thể nói, cùng với sự phát triển của thành phố, những hình ảnh, tư liệu lịch sử về Đà Nẵng những năm đầu kháng Pháp được Bảo tàng Đà Nẵng sưu tầm, trưng bày càng trở nên ý nghĩa, khi đây được cho là thắng lợi lớn và duy nhất của quân, dân ta ở mặt trận Đà Nẵng trong hơn một phần tư thế kỷ chống quân Pháp xâm lược, ngay từ những ngày đầu.
TIỂU YẾN