Văn hóa - Giải trí
Không gian mới về văn hóa Chăm
ĐNO - Ngày 23-11, Bảo tàng Điêu khắc Chăm tổ chức lễ nhận Bằng xếp hạng di tích dịch sử cấp thành phố và khai trương phòng trưng bày văn hóa Chăm nhân kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11).
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Trọng Thao (ngoài cùng, bên phải) trao Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố cho lãnh đạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm. |
Bảo tàng Điêu khắc Chăm được xây dựng vào năm 1915, mở cửa đón khách tham quan từ năm 1919, mang đặc trưng phong cách kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XX, vừa kết hợp một cách hài hòa, tinh tế đặc trưng của các đền tháp Chăm trên dải đất miền Trung.
Không chỉ là công trình có kiến trúc độc đáo của thành phố, nơi đây còn lưu giữ bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tôn giáo tiêu biểu trong giai đoạn từ thế kỷ 5 đến khoảng thế kỷ XIV-XV của nền văn hóa Chăm.
Những năm qua, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đạt nhiều thành tựu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đặc biệt là việc lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận 6 bảo vật quốc gia; hằng năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tham quan.
Năm 2021, tòa nhà Bảo tàng Điêu khắc Chăm được UBND thành phố được xếp hạng là di tích lịch sử cấp thành phố. Đây là sự ghi nhận xứng đáng của thành phố đối với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và nghệ thuật mà bảo tàng đang lưu giữ.
Đồng thời, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho bảo tàng quản lý, bảo tồn di tích, thu hút khách tham quan, đóng góp vào các chương trình quảng bá văn hóa và phát triển du lịch trên địa bàn.
Dịp này, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đón nhận Bằng xếp hạng di tích và ra mắt công chúng phòng văn hóa Chăm, được cải tạo, nâng cấp từ phòng trưng bày lễ hội - nghề thủ công của đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận.
Phòng văn hóa Chăm áp dụng các phương pháp trưng bày mới về bục bệ, ánh sáng, giả lập bối cảnh; giới thiệu đến công chúng 6 chủ đề với trên 150 hiện vật, mang lại một góc nhìn tổng quan, đầy đủ về đời sống, văn hoá, tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm ở nước ta.
Du khách người nước ngoài tham quan phòng văn hóa Chăm. |
Các mô hình đền, tháp thu nhỏ được Bảo tàng Điêu khắc Chăm phục dựng nhằm tăng sự sinh động cho không gian tham quan. |
Khu vực trưng bày chuyên đề lễ hội được phục dựng tương đối công phu. |
Đối với mỗi chuyên đề trưng bày, bảo tàng đều bố trí thông tin chỉ dẫn và hình ảnh minh họa để khách tham quan dễ hình dung. |
Các sản phẩm gốm thủ công của người Chăm được trưng bày trong chuyên đề làng nghề. |
Phòng văn hóa Chăm hiện đang trưng bày hơn 150 hiện vật gắn với đời sống, văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm ở nước ta. |
X.DŨNG