Đà Nẵng cuối tuần

Trạng nguyên nhỏ tuổi nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam

10:17, 19/11/2023 (GMT+7)

* Hôm rồi nhân nói chuyện thi cử xưa, anh bạn nói có tới 3 vị Trạng nguyên già nhất đỗ khi đã 50 tuổi vào các đời vua Lê Thánh Tông, Lê Tương Dực và Lê Thần Tông. Nhưng khi hỏi ai là Trạng nguyên nhỏ tuổi nhất thì anh này... bí! Xin quý báo giải thích giùm. (Trần Văn Tương, quận Hải Châu, Đà Nẵng).

Trạng nguyên Nguyễn Hiền và câu đố chữ Điền nổi tiếng trong lịch sử. Ảnh minh họa: ST
Trạng nguyên Nguyễn Hiền và câu đố chữ Điền nổi tiếng trong lịch sử. Ảnh minh họa: ST

- Trạng nguyên nhỏ tuổi nhất trong lịch sử khoa bảng Việt Nam là Nguyễn Hiền, đỗ Trạng nguyên khi mới 12 tuổi. Trạng nguyên Nguyễn Hiền là một hiện tượng độc đáo trong lịch sử khoa cử Việt Nam, là niềm tự hào của vùng đất học Nam Định.

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên khi 12 tuổi. Ông là người làng Dương A, huyện Thượng Hiền, phủ Thiên Trường (nay là xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Ông thi đỗ trạng nguyên và trở thành trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam, tại khoa thi tháng 2-1247, thời vua Trần Thái Tông. Cùng năm đó có Lê Văn Hưu (18 tuổi) đỗ bảng nhãn và Đặng Ma La (14 tuổi) đỗ thám hoa. Đây cũng là khoa thi đầu tiên trong lịch sử đặt ra danh vị Tam khôi (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa). Vì còn thiếu niên nên vua cho Nguyễn Hiền về quê 3 năm tu dưỡng, sau ra làm quan đến chức Thượng thư bộ Công.

Thuở nhỏ, Nguyễn Hiền học thông viết thạo, được mọi người quý mến. Tương truyền, khi lên 10 tuổi, gia đình cho ông đi học thầy chùa. Thầy chùa mới viết được 10 trang giấy, Hiền liền đọc được ngay như người đã từng đi học rồi. Năm 11 tuổi đã nổi tiếng là thần đồng, tài học của ông nổi tiếng khắp nơi, vang đến tận kinh thành, nhiều chí sĩ xa gần đến thử tài đều bái phục.

Khoa thi Hương Bính Ngọ (1246) đời vua Trần Thái Tông, Nguyễn Hiền đỗ Giải nguyên. Tiếp đến khoa thi Hội Đinh Mùi (1247) đỗ Hội nguyên. Đến kỳ thi Đình niên hiệu Thiên ứng Chính Bình, ông đỗ Trạng nguyên.

Nguyễn Hiền là người đầu tiên ở nước Việt đỗ thủ khoa liên tiếp 3 kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, được vua Trần Thái Tông phong là “Khai quốc Trạng nguyên” - vị Trạng nguyên đầu tiên ở nước ta.

Trong các giai thoại liên quan đến Trạng nguyên nhỏ tuổi nhất, người đời sau thường nhắc đến một cách rất tâm đắc về chuyện sứ thần nhà Nguyên thử tài Trạng nước Việt. Lần đó, sứ nhà Nguyên sang nước ta, cho rằng Đại Việt không có người tài nên không coi ai ra gì. Thấy vị Trạng nguyên Đại Việt còn ít tuổi, y tỏ rõ sự coi thường, ra vế đố: Lưỡng Nhật bình đầu Nhật/ Tứ Sơn điên đảo Sơn; Nhị Vương tranh nhất quốc/ Tứ Khẩu tung hoành gian.

Nguyễn Hiền trả lời ngay rằng: “Đó là chữ Điền (田), có khó gì đâu”. Sứ Bắc quốc thán phục, không dám coi thường Đại Việt.

Lưỡng nhật bình đầu nhật: Hai chữ Nhật (日) ghép nối tiếp.

Tứ sơn điên đảo sơn: Bốn chữ Sơn (山) chụm đầu lại với nhau.

Lưỡng Vương tranh nhất quốc: hai chữ Vương (王) xếp vuông góc.

Tứ khẩu tung hoành gian: bốn chữ Khẩu (口) ghép ngang, dọc.

Hai năm sau, sứ thần Bắc quốc lại mang thông điệp gửi vua nước ta chỉ có hai chữ “Thanh thủy”. Vua không hiểu. Trạng giải thích: chữ “Thanh” (青) gồm ba chữ “thập nhị nguyệt”, tức là tháng 12. Chữ “Thủy” (趡) nghĩa là “chạy nơi này nơi khác”. Trạng tâu vua Trần nên đưa quân ra biên giới phòng thủ vì tháng 12 giặc sẽ động binh. Quả vậy, đến tháng 12 năm đó, vua Trần cho 3 vạn binh mã ra bố phòng biên ải, quân giặc thấy Đại Việt đã đề phòng nên bỏ ý đồ xâm lược.

ĐNCT

.