Văn hóa - Giải trí

Nơi bảo tồn các giá trị văn hóa làng Thạch Nham

09:15, 23/12/2023 (GMT+7)

Đình Thạch Nham hiện tọa lạc tại làng Thạch Nham, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố ngày 8-1-2007. Đình không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng làng Thạch Nham, mà còn là nơi nuôi dưỡng, bảo tồn những giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật, thể hiện cái nhìn về nhân sinh quan và vũ trụ cũng như những khao khát, ước vọng sống mang tâm hồn và hơi thở của thời đại.

Tam quan đình Thạch Nham. Ảnh: Đ.G.H
Tam quan đình Thạch Nham. Ảnh: Đ.G.H

Làng Thạch Nham hiện nay bao gồm hai thôn Thạch Nham Đông và Thạch Nham Tây, trải dài theo hướng Đông - Tây. Thạch Nham là một trong những nơi được các lớp lưu dân người Việt đến khai phá sớm so với một số làng khác của xã Hòa Nhơn, được hình thành nửa sau thế kỷ XVI. Theo ghi chép trong gia phả các dòng họ, những người có công khai phá vùng đất hoang vu, núi rừng rậm rạp này là các vị tiền hiền thuộc tộc họ Nguyễn, Trần, Lê, mà đứng đầu là các vị Nguyễn Văn Thừa, Trần Công Vệ, Lê Viết Việt. Càng về sau càng có nhiều tộc họ đến Thạch Nham an cư lạc nghiệp, chính vì vậy mà hiện nay ở Thạch Nham có sự góp mặt của hơn 30 tộc họ cùng sinh sống.

Đình Thạch Nham ban đầu được xây dựng thời điểm nào không rõ, đó là một ngôi nhà tranh tre được dựng ở xóm Nổng Lách nằm ở phía bắc làng. Nhưng sau một thời gian do bị “động”, con dân của làng làm lễ cáo yết thần linh xin được chuyển vị trí đình đến dựng ở xóm Giăng thuộc phía nam làng, bên tả ngạn sông Túy Loan. Lần thứ hai xây dựng này diễn ra vào tháng 8 năm Ất Dậu (1885), ở đình còn lưu lại một bia đá ghi công đóng góp của các bậc hương lão và nhân dân với nội dung: “Ất Dậu niên bát nguyệt kiết nhật. Thạch Nham xã, viên chức hào binh bổn xã đẳng kiến tạo khai thánh từ đường...” (Chúng ta xác định được thời gian trên là dựa vào hoàn cảnh lịch sử, xã hội nói chung và địa phương nói riêng.

Bởi giới hạn dưới của năm Ất Dậu trong trường hợp này không thể đến 1945, còn giới hạn trên có thể là 1825, 1765... nhưng những mốc thời gian này xem ra không có khả năng). Cùng với việc thay đổi vị trí, quy mô kiến trúc của đình cũng được thay đổi hoàn toàn. Ngôi đình tranh tre được thay thế bằng một ngôi đình bề thế với kiểu kiến trúc nhà rường truyền thống xứ Quảng. Phần khung nhà được sử dụng hoàn toàn bằng gỗ mít và kiền kiền. Tương truyền khi đình chuyển về đây, đời sống dân làng luôn no ấm, con cháu học hành đỗ đạt.

Tuy nhiên, ở vị trí mới này, hằng năm đình luôn bị đe dọa bởi nạn lũ cuốn từ con sông Túy Loan. Cho nên, vào năm Canh Tuất đời vua Duy Tân nhà Nguyễn (1910), một lần nữa con dân làng Thạch Nham quyết định di dời đình sang dựng ở một địa điểm khác, đó là vị trí đình hiện nay. Sự kiện này được ghi lại trên xà gồ: “Duy Tân Canh Tuất Đinh Hợi Mậu Tuất Giáp Thìn bổn xã đồng thiên hầu cựu chỉ”. Trong lần di dời này, tuy có thay đổi ở một số cấu kiện gỗ đã bị hư hại do lũ lụt, nhưng cơ bản kiến trúc ban đầu vẫn giữ được nguyên.

Năm 1934, dân làng Thạch Nham chung công góp của xây dựng hệ thống tường bao quanh khuôn viên đình và cổng tam quan. Trong lần tôn tạo này, đình nhận được nhiều lễ vật phụng cúng của con dân địa phương, trong đó có đôi liễn của các hương chức tộc Nguyễn đến nay vẫn được treo ở đình. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đình là nơi thường diễn ra các cuộc họp quan trọng của chi bộ Đảng địa phương, đề ra chủ trương đánh địch; đình là nơi ẩn náu, dừng chân của các đơn vị bộ đội địa phương trong khi tác chiến đánh địch. Trải bao thăng trầm lịch sử, đình Thạch Nham vẫn sừng sững in bóng lên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Hòa Nhơn.

Trên bình đồ kiến trúc, đình Thạch Nham được bố trí theo nguyên tắc đơn tuyến, các cổng ngõ, bình phong đến đại đình đều nằm trên trục dũng đạo tạo cho đình sự đăng đối và do vậy, càng thêm vẻ tôn nghiêm. Kiến trúc chính của đình theo dạng chữ “Nhất”, tức chỉ có một tòa đại đình là không gian chính của việc thờ cúng và tế tự. Đại đình là một ngôi nhà ba gian hai chái đơn, với bốn bộ vì kèo, mỗi vì có năm hàng cột. Mái đình lợp ngói âm dương trên hệ thống rui mè, đòn tay bằng gỗ. Chỉ phần mái sau của đình vào năm 2002, dân làng phải dùng tôn thay thế phần ngói do lâu năm, đã bị mục và thấm dột. Trên nóc mái cũng như các gờ nóc, đầu đao của đình đều được gắn trang trí các linh vật long, phụng. Tất cả đều được áp dụng kỹ thuật khảm sành một cách tinh tế, điêu luyện của người thợ ghép.

Nằm trong khuôn viên của đình còn có các công trình là miếu xóm, nhà trù và nhà thờ tiền hiền làng. Đặc điểm chung của các công trình này là quy mô nhỏ, kiến trúc đơn giản và đa phần đã được sửa chữa hoặc xây dựng lại bằng vật liệu mới sau này. Hằng năm, dân làng Thạch Nham đều tổ chức cúng tế tại thần đình làng vào các kỳ Xuân, Thu, lễ tiết. Đặc biệt quan trọng là đại lễ diễn ra vào hai ngày 14 và 15 tháng 3 âm lịch. Đây thực sự là một lễ hội văn hóa làng với đầy đủ các nghi thức cúng tế, diễn xướng dân gian thu hút đông đảo người dân tham gia.

Hiện nay, đình còn lưu giữ một bia đá ghi công đóng góp của các bậc hương lão và nhân dân trong một lần cất dựng đình; hai câu liễu chữ Hán được con dân tộc Nguyễn phụng cúng năm Bảo Đại thứ 10 năm 1934, đây là những tài liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển của làng Thạch Nham nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.

ĐOÀN GIA HUY

.