Đà Nẵng cuối tuần

"Long mạch" của một ngôi làng

10:30, 17/12/2023 (GMT+7)

Hà Khê (Khe Sen) là dòng nước chảy qua giữa làng Hà Lam được người xưa xem là long mạch của làng, nay là điểm nhấn trong quy hoạch phát triển của thị trấn Hà Lam.

Một đoạn của Hà Khê nơi có cầu Hà Kiều bắc qua.Ảnh: L.T
Một đoạn của Hà Khê nơi có cầu Hà Kiều bắc qua.Ảnh: L.T

Từ làng đến thị trấn

Dựa vào những thông tin từ các hiện vật và tư liệu ta có thể nghĩ làng Hà Lam (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) có thể được thành lập vào cuối thế kỷ thứ XV và do những người di cư từ vùng Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh (trước đây là phủ Hà Ba, trấn Nghệ An) sau cuộc nam chinh của vua Lê Thánh Tông vào năm 1471.

Sách Hà Lam xã chí được Hội đồng bảo tộc tiền hiền Hà Lam biên soạn năm 2003 cho biết: “… Dựa vào gia phả tộc Võ Văn thì làng được xây dựng cách đây khoảng 500 năm. Ngài thỉ tổ là Võ Văn Khâm tước Dinh Bửu hầu, từ phủ Hà Ba, trấn Nghệ An, với sứ mệnh thiêng liêng di dân mở cõi, trên đường khảo sát để tìm nơi định cư đã đến Hà Lam. Nơi đây có cây cối um tùm ruộng đất hoang vu chưa có xã hiệu nên cùng bạn bè quy dân lập ấp. Thấy cảnh đẹp, có nước chảy, có hoa sen bèn lấy câu “Lam điền chủng ngọc, Hà Ba hương viễn” mà đặt nên xã hiệu Hà Lam”.

Còn theo gia phả tộc Nguyễn Đức thì ngài thỉ tổ là Lương Xuyên hầu thấy trên đất có khe sen chảy xuống, dưới có đồng ruộng mạ xanh như chàm, nên đặt tên là Hà Lam.

Có một điều làm nhiều người thắc mắc là làng được thành lập sớm nhưng sách cũ lại không nhắc đến tên làng. Sách Ô châu cận lục (Dương Văn An, 1553) đã đành, sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776, trong danh sách các làng xã (nhiêu phu, thôn, ấp, thuộc, phường, châu, vi tử) ở tất cả phủ, huyện cũng đều không thấy tên xã Hà Lam. Rất may trong mục nói về hình thế núi sông, thành lũy, trị sở, đường sá, bến đò, nhà trạm… mới nhắc đến địa danh Hà Lam: “… các xã Hương Lý, Hương Lộc, Hương Tuyền, quán Cát, quán Liễu đến xã Hà Lam mất một ngày; từ Hà Lam đi qua quán Cây Mít, xã Ba Tư, quán Trường An, xã Cẩm Lũ, quán Kế Xuyên, quán Trà Long, quán Lò Thổi, quán Lối, quán Tháp đến chợ Chiên Đàn hết một ngày…” (Phủ biên tạp lục, NXB Khoa học, Hà Nội, 1964, trang 121).

Đến thời nhà Nguyễn, làng Hà Lam mới được xác định cụ thể. Theo Địa bạ triều Nguyễn soạn trong khoảng 1812-1818, Hà Lam là một trong 29 làng của tổng Phú Mỹ Trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa. Làng có tứ cận: Phía Bắc giáp xã Ngọc Sơn, xã Liễu Trì lấy bờ ruộng làm giới; phía Nam giáp phường Phúc An (thuộc Chu tượng), thôn Cây Mít; phía Đông giáp xã Cây Mít, xã Cây Sơn, lấy bãi cát làm giới; phía Tây giáp xã Thanh Ly, thôn Đồng Thế, xã Phú Sơn.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Hà Lam lần lượt thuộc xã Thăng Hòa, Thăng Châu rồi Thăng Điền. Sau năm 1954, thời Việt Nam Cộng hòa, huyện đổi lại thành quận, Hà Lam thuộc xã Bình Nguyên. Sau 1975, từ 1984, thôn Hà Lam được tách khỏi xã Bình Nguyên nhập cùng các thôn Đồng Thái và Chung Phước để thành lập thị trấn Hà Lam, làm trung tâm hành chánh của huyện Thăng Bình.

Từ lâu làng Hà Lam được chọn làm lỵ sở của phủ Thăng Hoa (Bình). Sách Đại Nam Nhất thống chí cho biết: “Lỵ sở phủ Thăng Hoa đặt tại làng Hà Lam, có chu vi 51 trượng, rào bằng tre, dựng năm Minh Mạng thứ 2 (1821)”.

Hà Khê, long mạch của làng

Chảy qua giữa làng Hà Lam là một dòng nước tự nhiên có rất nhiều sen gọi là Hà Khê (Hà: sen, Khê: khe nước). Vào đầu thời Nguyễn, do nhu cầu về thủy lợi, hương chức của làng đã vận động người dân chung sức chung tài đắp một con đập ở đầu nguồn và khơi rộng lòng khe để đưa nước từ sông Ly Ly về tưới cho cánh đồng làng. Sau khi được cải tạo, Hà Khê đã rộng ra và uốn khúc quanh co như dáng một con rồng lại có những đoạn rộng và sâu nên được gọi là Cửu Khúc Hà Trì (Bàu Sen Chín Đoạn).

Dấu tích của Hà Trì Cửu Khúc để lại là một khe nước có chỗ rộng chỗ hẹp dài độ 7km, chạy từ sông Ly Ly (thôn Quý Thạnh, xã Bình Quý) chảy trên địa phận xã Bình Quý độ 2km, băng qua quốc lộ 14B (nay là đoạn đường Tiểu La) ở cầu Bốn Thước sau đó nhập vào làng Hà Lam chảy qua trước chùa Phước Nguyên, qua cầu Hà Kiều rồi chảy về Đông. Sau khi băng qua quốc lộ 1A, dòng nước đổ vào cánh đồng Hà Lam, sau đó được một kênh dẫn vào Bàu Bàng (Bình Phục). Con đập điều hòa nguồn nước cho dòng khe không gây tình trạng cạn kiệt cho sông Ly Ly vào mùa khô và lụt lội vào mùa mưa.

Nhiều người lớn tuổi ở Hà Lam tin rằng Hà Khê không chỉ là một công trình thủy lợi quan trọng góp phần đem lại sự no ấm cho dân làng, một điểm nhấn trong cảnh quan của làng mà còn mang ý nghĩa phong thủy. Con rồng sen Hà Khê ngày trước đã giúp làng nhận được tiếng thơm với tấm biển triều đình Tự Đức ban tặng có nội dung “Thiện tục khả phong” (Việc thiện đáng quý) mà còn giúp làng trở thành làng khoa bảng hàng đầu của huyện Lễ Dương thời Nho học với 1 phó bảng (Nguyễn Thuật), 5 cử nhân (Nguyễn Tạo, Nguyễn Uýnh, Nguyễn Chức, Nguyễn Hữu Quang, Nguyễn Hữu Lộc) và 18 tú tài, chiếm 20% số khoa bảng toàn huyện!

Vào năm 1890 tại khu vực giữa ấp Thị và ấp Trung của làng có xây dựng một cây cầu bằng gỗ lấy tên là Hà Kiều. Năm 1900 cây cầu được trùng tu lại kiên cố hơn. Dịp này người ta đã dựng bia để ghi lại sự kiện này. Hiện nay tấm bia vẫn còn.

Ngày nay, trong quy hoạch phát triển không gian đô thị của thị trấn Hà Lam, đang có xu hướng mở rộng về phía Nam (phía hữu ngạn của Hà Khê). Vô tình thị trấn chia thành hai khu vực: Khu cũ nằm ở phía tả ngạn, khu mới nằm ở phía hữu ngạn. Hà Kiều trở thành “khu vực trung tâm”, “không gian cảnh quan” của thị trấn.

Bỏ qua vấn đề phong thủy Hà Khê (Hà Trì Cửu Khúc) đang có vai trò rất quan trọng đối với quy hoạch phát triển của một huyện lỵ đang trên đà phát triển mạnh, thiết nghĩ, vấn đề hàng đầu hiện nay đối với Hà Khê mà chính quyền và nhân dân phải lưu ý là việc duy trì một dòng chảy thông suốt (không bị san ủi, bồi lấp hay cạn dòng) và tránh ô nhiễm nguồn nước.

LÊ THÍ

.