Văn hóa - Giải trí
Chuẩn bị các điều kiện hoạt động của bảo tàng mới
Dự kiến đầu năm 2025, Bảo tàng Đà Nẵng cơ sở mới với kinh phí đầu tư hơn 500 tỷ đồng tại địa chỉ 42-44 Bạch Đằng sẽ đi vào hoạt động, phục vụ nhân dân và du khách tham quan. Hiện nay, cán bộ, nhân viên Bảo tàng Đà Nẵng đang nỗ lực phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện nhiều phần việc để kiến tạo không gian, nội dung trưng bày ở cơ sở mới, bảo đảm hấp dẫn, xứng đáng với quy mô đầu tư cũng như sự mong đợi của người dân.
Dự kiến đầu năm 2025, Bảo tàng Đà Nẵng cơ sở mới tại địa chỉ 42-44 Bạch Đằng sẽ đi vào hoạt động, phục vụ người dân và du khách. Ảnh: X.D |
Ứng dụng công nghệ để phục vụ tham quan
Trong việc chuyển Bảo tàng Đà Nẵng về cơ sở mới 42-44 Bạch Đằng, công tác trưng bày là được xem là nhiệm vụ quan trọng nhất. Bởi lẽ, qua công tác trưng bày, bảo tàng mới thể hiện được nội dung và quan điểm của mình một cách đầy đủ nhất. Vì vậy, thời gian qua, Bảo tàng Đà Nẵng đã tập trung tổng kiểm kê lại toàn bộ 27.000 hiện vật đang lưu giữ để chuẩn bị cho nội dung trưng bày ở cơ sở mới. Cùng với đó, tích cực phối hợp Công ty CP Vietsoftpro thực hiện số hóa 2.000 tài liệu, hiện vật hình khối, tranh, ảnh và bản đồ, phục vụ nhu cầu tham quan của công chúng.
Đại diện Công ty CP Vietsoftpro cho biết, đến thời điểm này, các đơn vị đã hoàn thành số hóa khoảng 300 tài liệu, hiện vật. Trong đó, riêng với scan 3D, các hiện vật được số hóa qua nhiều công đoạn, từ scan bằng máy móc công nghệ cao, chụp hình các bề mặt, góc cạnh đến hậu kỳ 3D, ráp với thông tin hiện vật bằng file chữ và âm thanh rồi mới xuất ra file hoàn thiện. Việc này nhằm giúp công chúng khi tham quan có thể dễ dàng truy cập và khám phá các tài liệu, hiện vật thông qua màn hình trình chiếu. Đồng thời, có thể chạm vào màn hình, lật, xoay, nghe thuyết minh về hiện vật thông qua các mã QR. Qua đó, góp phần lan tỏa các nội dung trưng bày, thông điệp của bảo tàng đến công chúng một cách sinh động hơn.
Ngoài số hóa tài liệu hiện vật, Bảo tàng Đà Nẵng cũng tích cực hỗ trợ cho các đơn vị chuyên môn về công nghệ sản xuất các phim 3D về lịch sử Đà Nẵng, trình chiếu phục vụ công chúng tại cơ sở mới. Trưởng phòng Sưu tầm - Trưng bày và Bảo quản Bảo tàng Đà Nẵng Trần Văn Chuẩn cho hay, có 4 phim 3D sẽ được trình chiếu phục vụ công chúng tại bảo tàng cơ sở mới, gồm: trận chiến 1858-1860, không gian nhà 52-54 Trần Bình Trọng, xưởng vũ khí Nho Bán và không gian góc phố Đà Nẵng.
Với các phim này, đơn vị chuyên môn số hóa 3D các địa điểm, không gian di tích, sau đó xây dựng hoạt cảnh mô tả con người, sự kiện lịch sử một cách trực quan để công chúng dễ hình dung, hiểu về quá đấu tranh, hoạt động cách mạng của ông cha. Trong 4 phim kể trên, phim về trận chiến 1858-1860 được thực hiện công phu nhất với 2 phần trình chiếu trên tường (3D) và trình chiếu trên sa bàn (Mapping). Trong đó, nội dung trình chiếu trên trường chủ yếu mô tả hoạt động, hành vi của nhân vật, kết hợp hình ảnh và lời bình để diễn đạt sự kiện. Nội dung trình chiếu trên sa bàn là hình ảnh, hiệu ứng mô tả diễn biến các sự kiện. “So với mô hình trưng bày truyền thống bắt buộc người xem phải tự hình dung ra sự kiện lịch sử, phương pháp trưng bày 3D Mapping giúp người xem chứng kiến sự kiện lịch sử một cách trực quan, sinh động và nhiều cảm xúc hơn”, ông Chuẩn chia sẻ.
Các chuyên gia thực hiện số hóa, scan 3D hiện vật trưng bày ở bảo tàng cơ sở mới. Ảnh: X.D |
Phong phú nội dung trưng bày
Theo Bảo tàng Đà Nẵng, nội dung trưng bày bảo tàng tại cơ sở mới được chia theo 6 khu vực, gồm: khu trưng bày thường xuyên, khu trưng bày chuyên đề, khu trưng bày kho mở, khu trưng bày có thời hạn, khu trưng bày nghiên cứu phát triển và khu trưng bày ngoài trời. Tại các khu vực, bảo tàng chia thành nhiều phần trưng bày, tương ứng với các chủ đề khác nhau nhằm khai thác tối đa giá trị của tài liệu, hiện vật; đồng thời, tăng cường sự gắn kết giữa nội dung trưng bày với đời sống xã hội của cộng đồng địa phương.
Ông Trần Văn Chuẩn cho biết, việc xây dựng không gian trưng bày mới cần phải sưu tầm thêm nguồn tư liệu, bổ sung hiện vật để bảo đảm nội dung, hàm lượng thông tin khoa học trong công tác trưng bày. Do đó, đơn vị đã xây dựng kế hoạch tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập thông tin và lập danh mục về hiện vật dự kiến sưu tầm ở các tỉnh, thành phố. Hiện nay, phòng Sưu tầm - Trưng bày và Bảo quản đang tiến hành điều tra, khảo sát và sưu tầm hiện vật trên địa bàn thành phố. Sau đó, tiếp tục tiến hành ở các địa phương trên cả nước như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị… nhằm xác định được những tư liệu, hiện vật liên quan đến Đà Nẵng, góp phần làm phong phú nội dung trưng bày của bảo tàng mới và thu hút công chúng đến tham quan.
Theo Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện, điểm then chốt trong việc đưa Bảo tàng Đà Nẵng mới trở thành điểm đến ấn tượng với du khách là giải pháp trưng bày. Do đó, bảo tàng và đơn vị thi công đang nỗ lực thực hiện các phần việc được giao, trọng tâm là công tác trưng bày để kịp tiến độ dự án, phấn đấu mở cửa đón khách vào dịp chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng thành phố (29-3-1975 - 29-3-2025). Ngoài công tác trưng bày, Bảo tàng Đà Nẵng cũng chỉ đạo phòng chuyên môn khẩn trương xây dựng nội dung bài thuyết minh, tuyến tham quan, nhận diện thương hiệu, tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá truyền thông để thu hút công chúng.
“Các tài liệu, hiện vật khi mang ra trưng bày phải đáp ứng được yêu cầu đề ra theo nội dung đề cương và giải pháp thi công đã được duyệt. Ngoài ra, tại bảo tàng cơ sở mới cũng sẽ được tích hợp các hình thức truyền tải khác nhau trong trưng bày nhằm khai thác tối đa giá trị của tài liệu, hiện vật và tăng giá trị trải nghiệm cho khách tham quan”, ông Thiện nói.
KHÔI NGUYÊN