Đà Nẵng cuối tuần

Thế gian ấm lạnh quanh một bể trăng côi

10:00, 06/04/2024 (GMT+7)

Truyện dài "Bể trăng côi" (NXB Trẻ, 2023) ra đời trong 3 tháng Huỳnh Trọng Khang mắc kẹt giữa Covid-19. Một tác phẩm thấm nhuần tư tưởng nhân văn với những chương sách khá lạ lẫm: Tuyết băng vô tận xứ, Tòng địa dõng xuất, Trên mái địa ngục... Thế giới trong "Bể trăng côi" là một thế giới thấm đẫm chất thiền và mang tinh thần Phật giáo nhưng cũng không tách biệt với đời sống thế tục. Ở đó, có sự khổ, có cái chết, có ly biệt, có sinh, có diệt. Ở đó cũng luôn hiện hữu những vô minh, tham tàn, sân hận…

Câu chuyện xoay quanh hành trình đi đến núi Sa Mạo của thầy trò một chú tiểu, song song với hành trình đi thỉnh kinh của sư Huyền Trang trong huyền thoại. Lối kể chuyện song tuyến về hành trình đi tìm chân kinh và trải qua những kiếp nạn của thầy trò Huyền Trang trong tích xưa, cũng như hành trình đến núi Sa Mạo của chú tiểu trong hiện thực và mắc kẹt trong trận dịch bệnh khá thú vị.

Sư Huyền Trang trong tưởng tượng của Trọng Khang là nhân vật quan trọng, giữ vai trò kết nối trong quá trình chinh phục Sa Mạo Sơn của nhân vật chú tiểu. Nhân vật Huyền Trang mang đến sự khám phá lạ lẫm hơn, gây nhiều ngạc nhiên thú vị từ đồ đệ. Nhà sư trải qua kiếp nạn kinh khủng nhất trong hành trình đi thỉnh kinh: mắc kẹt trong trận dịch bệnh hủy diệt mạng người tàn khốc ở thành Kuvera.

Là người thấu hiểu sự vô thường của thế tục, nhưng trước cái chết, dù đau đớn thảm khốc hay nhẹ tựa một nhúm bông gòn, cả sư Huyền Trang lẫn chú tiểu vẫn không tránh khỏi nhỏ lệ. Trọng Khang đã khá tinh tế khi cài đặt sự chuyển hóa và tiếp nối giữa hai hành trình của hai nhân vật. Sự thảm khốc của nhân loại trong những trận bệnh dịch dù không chênh lệch mấy, nhưng sự tỉnh thức đã dần dần được mở lối. Nếu trong trận dịch bệnh mà sư Huyền Trang trải qua, con người điêu tàn do lòng tham, sẵn sàng tận diệt nhau, thì ở thế kỷ hiện đại này, trong cơn đại dịch chết chóc, chú tiểu mắc kẹt tại nhà một gia đình bình thường lại hoan hỉ khi chứng kiến sự đùm bọc thương yêu lẫn nhau. Họ mở lòng ra ngay cả với một người lạ như chú - một mảnh trăng đang côi cút trôi lạc giữa đời. Cái chết của bà nội như một sự tỉnh thức trong thân tâm chú. Bà không chết vì nhiễm bệnh mà chết vì tuyệt thực để cầu nguyện cho đứa cháu bé bỏng được bình an.

Những người nhà trong gia đình nơi đã cưu mang chú rồi cũng không thoát khỏi sinh ly tử biệt. Loay hoay trong nỗi trống rỗng khi lần lượt phải tự tay họa từng bức ảnh thờ cho mọi người, chú mới nhận ra lời sư phụ đã dẫn đường mở lối, cuộc sống này, sống thì khó, chết mới thật dễ dàng làm sao! Bấy giờ thì chú đã hiểu “Thế giới sẽ không còn ai nhớ những người đã mất. Cuộc sống là một sự vượt qua, vượt qua đầy đau đớn”.

Chú phải làm gì để vượt qua, để đến quả núi Sa Mạo mà cả sư phụ lẫn sư Huyền Trang đều muốn chú phải đến? Để hôm nào đó nhận ra rằng “Vầng trăng trên trời kia là hóa thân của vầng trăng trước, là hóa thân của chính nó trong thế gian ấm lạnh này”.

Dù là một tác phẩm nương theo tinh thần Phật giáo nhưng Trọng Khang rất tỉnh táo để không sa đà vào những triết lý rườm rà. Trong đó, ta chỉ thấy những ý niệm về tình yêu thật đẹp và thật đời: “Khi con đặt tình yêu của con vào giữa lòng vạn vật, con sẽ thấy tình yêu đó tan ra nhưng không mất đi”. Hay khi nói về cái thiện và ác: “Cái thiện nhiều khi không hiển lộ một vẻ đẹp nào, không mang một khuôn mặt mỹ miều… Và cái ác, nó cũng thế, nhiều khi đến với sự đẹp đẽ, hào nhoáng, như lời rót mật, cử chỉ tốt lành”.

Không chỉ nổi trội với lối hành văn đẹp, cá tính, tác giả còn khiến người khác phải ngả mũ bởi sự đọc nghiêm túc và năng lực tưởng tượng vô biên. Tiếp xúc Trọng Khang, tôi mới ngộ ra một điều: chính năng lực tưởng tượng của Khang quá lớn, nó cần được giải phóng qua bề mặt chữ nghĩa. Khang dẫn dắt người đọc theo những câu chuyện độc đáo của riêng mình, khuyến khích độc giả tưởng tượng bằng lối kết thúc mở, gợi ra nhiều không gian liên tưởng phong phú và trao cái quyền kết truyện cho người đọc. Có lẽ nhờ vậy mà người đọc luôn tò mò, háo hức và sẵn sàng bước lên chuyến xe đi cùng Khang, hết ngóc ngách gần gũi này đến thế giới bao la huyền ảo khác…

Huỳnh Trọng Khang sinh năm 1994, quê ở Châu Đốc, An Giang, thuộc lứa nhà văn trẻ được kỳ vọng nhiều nhất trên văn đàn hiện nay, cùng với Lê Quang Trạng, Phát Dương, Hiền Trang… Nổi lên từ tiểu thuyết Mộ phần tuổi trẻ từng gây sửng sốt trong văn giới năm 2016, anh tiếp tục hành trình dài thật đẹp với những tác phẩm ngày càng nặng ký hơn: Những vọng âm nằm ngủ (2018), Phật trong hẻm nhỏ (2021), Bể trăng côi (2023), Nơi không có tuyết (2023)…

TRẦN HUYỀN TRANG

.