Văn hóa - Giải trí

"Nắng tháng Tư" - Điểm sáng cho mỹ thuật Đà Nẵng

10:49, 16/04/2024 (GMT+7)

Kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2024), hôm nay (16-4), Hội Mỹ thuật thành phố phối hợp Bảo tàng Mỹ thuật khai mạc triển lãm mỹ thuật chủ đề “Nắng tháng Tư”. Đây là triển lãm lần đầu tiên tổ chức với một phần kinh phí được xã hội hóa thông qua tài trợ của Hiệp hội Quảng cáo thành phố Đà Nẵng và nhà sưu tập Lê Quang Khải, nhằm động viên khuyến khích họa sĩ trẻ dưới 40 tuổi có nhiều thành tích đóng góp cho phong trào hội nhiều năm qua.

Tác phẩm “Đường về bản” của họa sĩ Lê Ngân Thũy.
Tác phẩm “Đường về bản” của họa sĩ Lê Ngân Thũy.

Nghệ thuật bắt nguồn từ thực tế cuộc sống, khi người nghệ sĩ thực sự đam mê, cống hiến cho nghệ thuật, tác phẩm sẽ tự tỏa sáng. Mỗi họa sĩ có phong cách, cảm xúc và sự rung động thẩm mỹ riêng để tiếp thu và kế thừa hướng tới cái đẹp chân - thiện - mỹ. Tự đối thoại, làm mới, hoàn thiện tác phẩm của mình về nội dung, kỹ thuật, bút pháp, định hướng sáng tác mở rộng tầm nhìn… sẽ đem đến cái cảm về nội dung tác phẩm cho người thưởng ngoạn, tùy theo trình độ hiểu biết của mỗi người. Hầu như ở tất cả các cuộc triển lãm mỹ thuật, điều chúng ta mong muốn là tạo niềm tin yêu mãnh liệt háo hức trong lòng người hâm mộ hôm nay và mãi về sau.

“Nắng tháng Tư” năm 2024 là cuộc triển lãm chuyên nghiệp quy tụ rất nhiều thế hệ họa sĩ và nhà điêu khắc luôn đam mê vượt qua mọi khó khăn để đem đến sự kiện những tác phẩm đẹp nhất. Sự kiện này cho thấy, Mỹ thuật Đà Nẵng đang dần thay đổi. Vì vậy, cần khuyến khích, động viên họ nhiều hơn nữa và đồng thời ghi nhận những đóng góp to lớn của thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc đi trước như: nhà điêu khắc Phạm Hồng, nhà điêu khắc Lê Huy Hạnh, nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng, họa sĩ Vũ Dương, họa sĩ Duy Ninh, họa sĩ Lê Đợi, họa sĩ Hoàng Đặng, họa sĩ Tường Vinh, họa sĩ Phan Ngọc Minh, họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng, họa sĩ Dư Dư…

Mỹ thuật Đà Nẵng lúc khởi nghiệp cho đến thời điểm này đã và đang phát triển ngày càng lớn mạnh. Qua đó, nhiều thế hệ họa sĩ đã trưởng thành ở nhiều trường phái nghệ thuật như: Hiện thực,  Ấn tượng, Siêu thực, Trừu tượng… Mỗi họa sĩ ít nhiều đạt được thành công nhất định trong dòng chảy của nhiều xu hướng nghệ thuật hội nhập, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp từ thực tế cuộc sống và văn hóa, truyền thống dân tộc.

Hội đồng Nghệ thuật đã trách nhiệm trong sự thẩm định công bằng, có tầm nhìn từng giai đoạn phát triển của xã hội và thành quả lao động sáng tạo đã được ghi nhận qua sự kiện triển lãm “Nắng tháng Tư” đem đến nhiều tác phẩm của các tác giả trẻ như: Lê Ngân Thũy, Nguyễn Phạm Đình Tuấn, Phạm Anh,  Vũ Hữu Chung,  Nguyễn Hữu Đức,  Nguyễn Thị Đào, Bùi Tuấn,  Tường Vy, Thái Ban, Mai Minh Thành, Duy Phước, Hồ Đình Bách Luân…

Họa sĩ Hoàng Đặng, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật tâm sự: Có một số thay đổi khả quan về sự tìm tòi, khám phá cái mới một cách sáng tạo trong tác phẩm của họ. Đặc biệt có một số tác phẩm gây ấn tượng từ những đợt đi sáng tác thực tế do Hội Mỹ thuật tổ chức, như họa sĩ Nguyễn Thị Đào chăm chút cho từng đường nét trong tác phẩm “Góc quê”, “Sum vầy” mang tính trang trí cao; “Đường về bản” chất liệu sơn dầu của họa sĩ Lê Ngân Thũy đem đến một lối tả chân khá mới, khắc họa sinh động đời sống sinh hoạt của người dân Tây Bắc. Đồ họa phá bản có họa sĩ Nguyễn Tiến Việt với tác phẩm “Giai điệu hạnh phúc” tái hiện một khung cảnh mộc mạc và đầy hứng khởi của cuộc sống nông thôn. Họa sĩ Vũ Hữu Chung với tác phẩm “Ngày mới” phác họa hình ảnh của những người đạp xích lô, hằng ngày phải tiếp xúc với rất nhiều người, nhiều tầng lớp trong xã hội nhưng vẫn luôn hy vọng vào một ngày mới tươi sáng hơn. Họa sĩ Nguyễn Phạm Đình Tuấn có cái nhìn về khía cạnh xã hội đương đại trong tác phẩm “Bình minh trên ao ta”…

Qua triển lãm “Nắng tháng Tư”, hy vọng tiềm năng của Mỹ thuật Đà Nẵng là một trong những sản phẩm du lịch văn hóa góp phần phát triển thành phố thêm xanh.

Họa sĩ THÂN TRỌNG DŨNG

.