Văn hóa - Giải trí

Lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng

08:54, 11/05/2024 (GMT+7)

Nhận thức giá trị, tầm quan trọng của sách, các cơ quan, đơn vị, địa phương, trường học trên địa bàn thành phố thường xuyên lồng ghép, chủ động tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh sách, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Các mô hình, hoạt động được tổ chức đa dạng về nội dung, hình thức, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, góp phần thúc đẩy phong trào đọc sách trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Học sinh đọc sách tại góc đọc “Bác Hồ và thanh thiếu nhi” tại Quận đoàn Hải Châu. Ảnh: X.D
Học sinh đọc sách tại góc đọc “Bác Hồ và thanh thiếu nhi” tại Quận đoàn Hải Châu. Ảnh: X.D

Nhiều mô hình sáng tạo

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024), hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc năm nay, Quận đoàn Hải Châu khánh thành góc đọc sách và không gian số “Bác Hồ và thanh thiếu nhi”. Bí thư Quận đoàn Hải Châu Nguyễn Thanh Phong cho biết, góc đọc sách đặt tại trụ sở Quận đoàn, có không gian thoáng mát, bày trí đầy đủ giá, kệ sách, bàn ghế và được trang trí bắt mắt để thu hút đoàn viên, thanh thiếu nhi đến đọc sách, check-in. Tại đây trưng bày hơn 100 đầu sách đa dạng đề tài, thể loại, từ văn học, lịch sử, khoa học, đến tiểu thuyết, truyện ngắn…

Còn với không gian sách số “Bác Hồ và thanh thiếu nhi”, Quận đoàn đặt các mã QR để người đọc quét mã, tìm kiếm, đọc sách điện tử. Hiện nay, không gian sách số này đang có khoảng 30 đầu sách kể chuyện Bác Hồ với thiếu nhi, sách về quá trình ra đi tìm đường cứu nước, đấu tranh cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Thời gian tới, đơn vị tiếp tục bổ sung các đầu sách hay để phục vụ nhu cầu của người dân, đặc biệt là đoàn viên, thanh thiếu nhi. Thông qua đó, từng bước đưa góc đọc sách trở thành một điểm đọc hấp dẫn, góp phần phát triển văn hóa đọc và thúc đẩy phong trào học tập, làm theo gương Bác trong thế hệ trẻ”, anh Phong chia sẻ.

Để nuôi dưỡng văn hóa đọc trong lứa tuổi học sinh, các trường học trên địa bàn thành phố cũng quan tâm, triển khai nhiều mô hình hay nhằm hình thành thói quen đọc sách cho các em. Trong đó, điển hình là Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Sơn Trà) thường xuyên tổ chức hoạt động liên quan đến sách, văn hóa đọc cho học sinh. Cô Võ Thị Mỹ Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, giữa tháng 4-2024, trường tổ chức chương trình hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam với nhiều hoạt động như: trưng bày sách; đọc sách cá nhân, đọc to nghe chung; trò chơi “truy tìm kho báu”; học sinh đổi, tặng sách cho nhau sau khi đọc xong...

Bên cạnh đó, nhà trường còn triển khai cuộc thi kể chuyện theo sách theo hình thức online thu hút gần 100 bài thi; mô hình đọc sách và quay video trải nghiệm qua nhóm facebook “Đằng sau thành công của con là bóng dáng của cha mẹ”, thu hút gần 900 phụ huynh, học sinh tham gia. Hằng tháng, ban quản trị mô hình sơ kết hoạt động nhóm facebook và tặng quà cho học sinh tham gia tích cực. “Tinh thần của nhà trường là luân phiên thay đổi hình thức các hoạt động về sách, văn hóa đọc, tránh tạo tâm lý nhàm chán cho phụ huynh, học sinh. Đáng mừng là thông qua các hoạt động đó, phụ huynh và học sinh ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của sách, tự giác đọc chứ không vì thành tích, đọc đối phó”, cô Thu bày tỏ.

Phát triển cộng đồng yêu sách

Thực hiện kế hoạch của UBND thành phố về hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, tháng 4 và tháng 5, các đơn vị, thư viện quận, huyện, trường học tổ chức hàng loạt các hoạt động tôn vinh, trao tặng, luân chuyển hàng chục nghìn đầu sách hướng về vùng sâu vùng xa; lồng ghép không gian đọc sách trong lễ hội, sự kiện văn hóa - xã hội của địa phương. Dự kiến, từ 23 đến 26-5, UBND quận Sơn Trà sẽ tổ chức hội sách Sơn Trà với chủ đề “Sách hay cần bạn đọc”. Đầu tháng 6, Thư viện Khoa học tổng hợp tổ chức ngày hội văn hóa đọc Đà Nẵng lần 2 năm 2024 với hàng chục hoạt động hấp dẫn.

Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Lê Thị Bích Phượng thông tin, bên cạnh trưng bày các gian hàng sách hay, trợ giá, ngày hội lần này có nhiều điểm mới như: chương trình tọa đàm chủ đề “Văn học với sinh viên”, tọa đàm “Sinh viên với văn hóa đọc thời đại 4.0”; cuộc thi viết cảm nhận sách; chương trình đêm thơ tháng 6… Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động giao lưu với các nhà văn, không gian sách cộng đồng, phục vụ xe thư viện lưu động với các trò chơi tương tác tại bờ sông Hàn. “Mục tiêu của ngày hội lần này là góp phần lan tỏa phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo thêm không gian giải trí hai bên bờ sông Hàn phục vụ người dân và du khách”, bà Phượng nói.

Năm 2024 là năm thứ 6 thành phố tổ chức cuộc thi đại sứ văn hóa đọc Đà Nẵng dành cho học sinh các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Thị Hội An, số lượng lẫn chất lượng bài dự thi qua các năm đều tăng đáng kể, chứng tỏ phong trào đọc sách ngày càng nhận được sự hưởng ứng, chung tay từ cộng đồng, góp phần không nhỏ trong việc phát triển, lan tỏa văn hóa đọc đến thế hệ trẻ. Năm 2023, cuộc thi thu hút gần 48.000 bài thi (tăng gần 10.000 bài so với năm 2022).

Năm nay, cuộc thi được Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp các đơn vị phát động từ tháng 4, với đề thi yêu cầu học sinh giới thiệu cuốn sách, nhân vật trong sách truyền cảm hứng cho người đọc; giải pháp phát triển văn hóa đọc hoặc sáng tác, viết tiếp một câu chuyện nhằm lan tỏa tình yêu sách. Dự kiến, lễ tổng kết và trao giải cuộc thi diễn ra vào tháng 10-2024 tại khuôn viên Thư viện Khoa học tổng hợp. Ban tổ chức sẽ trao 28 giải thưởng cá nhân cho những thí sinh có bài thi xuất sắc nhất và giải tập thể cho các trường có nhiều thí sinh tham gia, đoạt giải. Ngoài ra, 6 bài thi tiêu biểu nhất năm nay sẽ được ban tổ chức gửi tham gia vòng chung kết cuộc thi đại sứ văn hóa đọc toàn quốc.

X.DŨNG

.