Đà Nẵng cuối tuần
Trận đại thắng Điện Biên Phủ trong âm nhạc
Cuộc tiến quân vào Tây Bắc đã làm bừng ngộ trong ý thức sáng tạo của nghệ sĩ nói chung và nhạc sĩ nói riêng rằng, chữ “Dân tộc” không thể bị bó hẹp trong vốn cổ của người Kinh mà còn phải được tung hoành trong vốn cổ của tất cả các dân tộc trên Tổ quốc Việt Nam mà Tây Bắc là một địa chỉ quan trọng. Các nhạc sĩ chúng ta đã mê mải nhập vào phần “dân tộc” đặc biệt quyến rũ này để chắt lọc ra những giai điệu của mình ca ngợi cuộc chiến đấu ở Tây Bắc, ở Điện Biên. Và bên cạnh trận đại thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” còn có một trận đại thắng Điện Biên trong âm nhạc với đầy đủ ý nghĩa cách tân của thời điểm lịch sử này.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là cảm hứng bất tận trong sáng tác âm nhạc trong suốt 70 năm qua. Ảnh: S.T |
Năm 1841, khi vua Thiệu Trị chuẩn y việc đặt tên cho đất Mường Thanh thành Phủ Điện Biên thuộc tỉnh Hưng Hóa, dường như đã khắc vào lịch sử tên của một vùng đất biên cương với cửa khẩu Tây Trang, những “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” mà chính xứ sở này có được.
Ý nghĩa sâu xa của chữ “Điện” khi chiết tự ra ngoài bộ “Tây” chỉ rõ nơi định vị là miền tây Tổ quốc, bộ “Nhất” (có đến hai bộ “Nhất” nói rằng mảnh đất này có những cái “nhất” mà nơi khác không có được, bộ “Khẩu” ấn định một cửa khẩu phía tây, một tương lai xuất nhập khẩu và con người ở đây đầy khẩu khí vì cũng trong chữ “Điện” nói lên sự đặc biệt về âm nhạc của vùng đất thiêng này là bộ “Bát”. “Bát” đó có ý nghĩa là “Bát âm” là truyền thống âm nhạc độc đáo của các dân tộc ở đây. Âm nhạc ở Điện Biên Phủ với những giai điệu quyến rũ như một đặc sản rừng quý hiếm. Nhưng trước khi ta mở chiến dịch Tây Bắc và kết thúc là Chiến thắng Điện Biên, cái đặc sản rừng quý hiếm này dường như chưa mấy người biết đến.
Từ sau “Đề cương văn hóa” của Đảng ra đời năm 1943, sáu chữ “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” đã trở thành tâm niệm của những chiến sĩ cách mạng làm công tác văn hóa. Song ngay cả khi Cách mạng tháng Tám thành công, rồi cả dân tộc bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến thì cho đến trước Chiến dịch Điện Biên Phủ, chữ “Dân tộc” trong “Đề cương văn hóa” vẫn chỉ được các nghệ sĩ khai thác ở những vốn cổ của người Kinh, trong đó có nghệ thuật âm nhạc.
Cuộc tiến quân vào Tây Bắc đã làm bừng ngộ trong ý thức sáng tạo của nghệ sĩ nói chung và nhạc sĩ nói riêng rằng, chữ “Dân tộc” không thể bị bó hẹp trong vốn cổ của người Kinh mà còn phải được tung hoành trong vốn cổ của tất cả các dân tộc trên Tổ quốc Việt Nam mà Tây Bắc là một địa chỉ quan trọng. Và thế là các nhạc sĩ chúng ta đã mê mải nhập vào phần “dân tộc” đặc biệt quyến rũ này để chắt lọc ra những giai điệu của mình ca ngợi cuộc chiến đấu ở Tây Bắc, ở Điện Biên. Và bên cạnh Chiến thắng Điện Biên Phủ“chấn động địa cầu” còn có một trận đại thắng Điện Biên trong âm nhạc với đầy đủ ý nghĩa cách tân của thời điểm lịch sử này.
Trong hàng loạt các tác phẩm viết về Tây Bắc và Điện Biên như “Đường lên Tây Bắc” (Văn An), “Qua miền Tây Bắc” (Nguyễn Thành), “Chiến sĩ Tây Bắc hành khúc” (Lưu Hữu Phước), “Đèo Pha đin” (Trọng Lanh), “Em bé Mường La” (Trần Ngọc Xương), “Hò kéo pháo” (Hoàng Vân), “Tây Bắc chiến thắng” (Lưu Bách Thụ), “Mừng chiến thắng Tây Bắc” (Đặng Đình Hưng), “Tây Bắc sáng lại” (Trọng Bằng) thì bộ ba “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam” và “Chiến thắng Điện Biên Phủ” của Đỗ Nhuận quả là một kiệt tác cho sự bừng ngộ này. Những tác phẩm đặc sắc ấy đặt giữa những tác phẩm trước và sau Chiến thắng Điện Biên Phủ cho tới nay đã tạo nên một bức tranh âm thanh hoành tráng dành cho 7 thập kỷ Điện Biên.
Cũng trong thời điểm quân ta tiến vào Tây Bắc, để chia lửa với Điện Biên, tại miền Trung, ta mở chiến dịch Tây Nguyên. Ở Tây Nguyên, cùng các chiến sĩ dấn thân trên chiến trường, các nhạc sĩ đã chìm đắm trong mỏ dân ca Tây Nguyên mà người đắc đạo nhất là nhạc sĩ Nhật Lai. Ông đã có những “Đợi chờ”, “Tiếng hát M’nông Tib’ri”, “Tiếng cồng đêm ngừng chiến”... Cùng với Nhật Lai là Trương Đình Quang với “Tiến lên Lắc”, Trương Quang Lục với “Tiếng quân lên Tây Nguyên”, Đức Tùng với “Tây Nguyên hành khúc”, “Em Yuk”, Thái Hào Huyền với “Kon Tum giải phóng” …
Với riêng tôi, Điện Biên đã thấm vào tôi qua những giai điệu trên để rồi cho đến năm 2014, kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi đã hoàn thành xong trường ca “Lòng chảo”. Rồi từ những câu thơ trong trường ca, tôi lại viết thành hợp xướng “Điện Biên”. Giữa lúc ấy, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nhân kỷ niệm sự kiện này, hợp xướng “Điện Biên” đã được chọn đưa vào chương trình.
Qua phần hòa âm và phối khí cho dàn nhạc của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, dưới đũa chỉ huy và dàn dựng của nhạc trưởng Trần Nhật Minh, hợp xướng đã được dàn hợp xướng Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh tập luyện công phu và công diễn tại Nhà Hát lớn Sài Gòn cùng với bản concerto viết cho violon và dàn nhạc của nhạc sĩ người Pháp làm nhạc phim “Điện Biên Phủ”. Nhạc phẩm này do nghệ sĩ nhân dân Tạ Bôn trình diễn lần cuối cùng trước khi nghỉ diễn hoàn toàn và dưới đũa chỉ huy của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. Đây quả là một niềm vinh dự của riêng tôi và cũng là một sự bày tỏ chân thành trước chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” này. Vừa rồi, trong dịp lên Điện Biên dự hội thảo về Văn nghệ với Điện Biên, tôi đã tặng bản hợp xướng đến Điện Biên với tất cả lòng tri ân của một nghệ sĩ.
Trận đại thắng Điện Biên trong âm nhạc vẫn chưa dừng lại, nó vẫn tiếp tục chiếm lĩnh những đỉnh cao âm nhạc trên đường hội nhập âm nhạc Việt Nam với thế giới bằng những mốc son đáng ghi nhận.
NGUYỄN THỤY KHA