Văn hóa - Giải trí

Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng: Đổi mới để thu hút công chúng

06:37, 30/11/2024 (GMT+7)

Ra đời muộn so với các bảo tàng khác trên địa bàn thành phố, nhưng Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng nhanh chóng khẳng định mình để trở thành một điểm đến không thể thiếu của du khách khi đến tham quan thành phố Đà Nẵng. Bảo tàng không ngừng đổi mới, cải tạo, bổ sung không gian trưng bày nhằm tăng tính hấp dẫn để thu hút nhiều đối tượng công chúng.

Việc không ngừng đổi mới và bổ sung không gian trưng bày đã thu hút công chúng đến tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng ngày càng đông. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG
Việc không ngừng đổi mới và bổ sung không gian trưng bày đã thu hút công chúng đến tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng ngày càng đông. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG

Sưu tầm nhiều hiện vật có giá trị nghệ thuật

Để làm phong phú và nâng cao chất lượng các tác phẩm trưng bày tại bảo tàng, trong thời gian qua, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chú trọng công tác sưu tầm hiện vật, đặc biệt là vận động, kêu gọi các nhà sưu tập, họa sĩ có tên tuổi hiến tặng hiện vật có giá trị và chất lượng nghệ thuật cao. Từ đầu năm đến nay, bảo tàng tiếp nhận 48 tác phẩm, hiện vật và tư liệu nghiên cứu do các nghệ nhân, họa sĩ, nhà sưu tập hiến tặng.

Thông qua chương trình sáng tác trực họa với chủ đề “Nét đẹp Đà Nẵng năm 2024”, bảo tàng đã bổ sung 28 tác phẩm có giá trị nghệ thuật của các họa sĩ tham gia vào quỹ hiện vật bảo tàng. Qua đó, tổ chức 11 cuộc triển lãm chuyên đề phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa - nghệ thuật của công chúng, đóng góp vào hoạt động đối ngoại văn hóa của ngành, thành phố và tạo sân chơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác cho các họa sĩ. Nổi bật như các triển lãm: “Duyên Xuân”, tranh “Nghệ thuật đường phố Nam Jam”, “Nét đẹp Đà Nẵng”, “Tranh dân gian Việt Nam”; cuộc thi vẽ tranh và triển lãm tranh thiếu nhi “Sắc hè Đà Nẵng”.

Trong công tác trưng bày dài hạn, bảo tàng cải tạo và trưng bày bộ sưu tập tranh của họa sĩ Lê Bá Đảng và đưa vào phục vụ công chúng không gian “Bộ sưu tập nghệ thuật Lê Bá Đảng do ông bà Lê Tất Luyện - Thụy Khuê hiến tặng”. Nhờ đó, bảo tàng đã trở thành điểm đến của nhiều công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước. Trong 11 tháng vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã đón hơn 25.560 lượt khách đến tham quan, nghiên cứu mỹ thuật, trong đó có 5.913 lượt khách quốc tế và 19.647 lượt khách trong nước. Ước tính cả năm 2024, bảo tàng đón hơn 28.000 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu mỹ thuật.

Là người hiến tặng nhiều tranh dân gian Việt Nam cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, TS. Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội cho biết: “Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã sắp xếp trưng bày các bức tranh dân gian rất trân trọng và chú thích rất tỉ mỉ. Điều này khiến tôi có động lực để hiến tặng thêm nhiều tác phẩm tranh dân gian kiệt xuất ở khu vực 3 miền Nam, Trung, Bắc cho bảo tàng để có nhiều chuyên đề hơn. Nếu bảo tàng nào cũng phát huy được như Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng thì những thế hệ sau chúng ta vài chục năm nữa sẽ trân trọng những di sản văn hóa của cha ông để lại”.

Tiếp cận nhiều đối tượng công chúng

Song song với công tác sưu tầm hiện vật, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng còn quan tâm thực hiện tốt công tác bảo quản phòng ngừa và bảo quản trị liệu cho hiện vật; đồng thời đẩy mạnh truyền thông nhằm giới thiệu rộng rãi các hiện vật có giá trị đến công chúng trong và ngoài nước. Đặc biệt là duy trì đều đặn việc đăng tải thông tin trên các trang mạng xã hội và website về các hoạt động, sự kiện chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước và các cuộc triển lãm hay hình ảnh về công tác phục vụ khách tham quan.

Bên cạnh đó, bảo tàng tăng cường phối hợp với phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, các trường học tổ chức nhiều hoạt động giáo dục cho học sinh đến tham quan, học tập ngoại  khóa. Từ đầu năm đến nay, bảo tàng đón 77 đoàn với 5.486 lượt trẻ em, học sinh, sinh viên từ các trường học trên địa bàn thành phố. Em Phạm Ngô Trúc My, lớp 8/7, Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu) cho biết, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng có không gian trưng bày đẹp. Trong những ngày diễn ra chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhờ đến tham quan triển lãm nghệ thuật “Phan Huỳnh Điểu - Cánh chim bay về” tại bảo tàng, chúng em được hiểu thêm về cuộc đời lao động, sáng tạo nghệ thuật âm nhạc của người nhạc sĩ tài hoa của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng.

Theo bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, dù hoạt động chưa được 10 năm, nhưng Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã trở thành điểm thu hút khách trong nước và quốc tế, và được du khách đánh giá tốt. Trên Google có khoảng trên 987 đánh giá 4,4 sao. Để có được điều này, trong thời gian qua, bảo tàng không ngừng đổi mới, cải tạo, chỉnh lý, bổ sung không gian trưng bày nhằm tăng tính hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan.

Cùng với đó là chuyên nghiệp hóa hoạt động khi ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào hoạt động trưng bày và giới thiệu du khách. Đặc biệt, việc tổ chức nhiều sự kiện nghệ thuật trưng bày, triển lãm ngắn hạn và các hoạt động trải nghiệm cho người dân và du khách đã tiếp cận nhiều đối tượng công chúng, nhất là trẻ em, phụ nữ, giới trẻ. Thời gian tới, thành phố cần đầu tư cơ sở hạ tầng xứng tầm với một bảo tàng mỹ thuật của khu vực miền Trung và của một thành phố lớn, nhằm giúp bảo tàng nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động.

Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng sẽ phối hợp với nhóm gồm 5 họa sĩ là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm với chủ đề “Tình Xuân” diễn ra từ ngày 8 đến 18-1-2025. Bên cạnh đó, bảo tàng còn phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức triển lãm tranh thiếu nhi với chủ đề “Mùa xuân và con giáp” từ ngày 22-1 đến hết ngày 9-2-2025. Ngoài ra, bảo tàng còn tổ chức nhiều chương trình hoạt động trải nghiệm mỹ thuật như trang trí không gian đón Tết, vẽ tranh Tết, in tranh dân gian.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

.