Văn hóa - Giải trí

Tình người ở lại trong những giai điệu đẹp

07:31, 09/11/2024 (GMT+7)

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (1924-2024), sáng 8-11, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức tọa đàm “Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu”, nhằm làm nổi bật những đóng góp to lớn, các giá trị văn hóa, nghệ thuật... qua tác tác phẩm mà người nhạc sĩ tài hoa đã để lại cho nền âm nhạc Việt Nam nói chung, quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng.

Nhạc sĩ Phan Hồng Hà, con trai nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (bên trái) phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG
Nhạc sĩ Phan Hồng Hà, con trai nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (bên trái) phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG

Chọn ý thơ cho ý nhạc

Nói về ca từ trong ca khúc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ Thế Bảo (Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: “Chúng ta đều biết nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu từng có lời rất hay, như ca khúc “Những ánh sao đêm”. Nhưng ông luôn hiểu rằng đọc thơ của những nhà thơ sẽ cho ông từ tứ thơ ra tứ nhạc. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu chỉ chọn những bài thơ có tính ca từ, những bài thơ lời dễ hiểu, gợi cảm. Thúy Bắc với “Sợi nhớ sợi thương” là minh chứng của ca từ”. Dẫn chứng cho điều này, nhạc sĩ Thế Bảo ví dụ: Phan Huỳnh Điểu luôn vận dụng dân ca, “Bóng cây kơ nia” là Tây Nguyên, “Sợi nhớ sợi thương” mang âm hưởng Nghệ Tĩnh, “Thuyền và biển”, “Thư tình cuối mùa thu” mang ít nhiều điệu bồng mạc và dân ca Bắc, một số bài ông dùng dân ca Nam Trung Bộ.

Phan Huỳnh Điểu luôn mô phỏng và nhắc lại trong phổ thơ. Âm nhạc nhắc lại để nhớ và đổi mới để quên rồi lại nhắc lại. Mozart từng nói: “Ba lần nhắc lại bốn lần thay đổi” là luôn nói đến đặc tính nhắc lại và đổi mới. Khi thơ không nhắc lại thì Phan Huỳnh Điểu sẽ tự nhắc lại như bài “Sợi nhớ sợi thương”: Mà anh nghiêng hết ấy mấy về bên em (2 lần), còn bài “Thơ tình cuối mùa thu”: chỉ còn em và anh cùng tình yêu ở lại (3 lần).      

Còn theo nhạc sĩ Ngô Hương Thủy (Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh), nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là tên tuổi lớn trong làng âm nhạc Việt Nam. Suốt hơn 70 năm qua ông được mệnh danh là “Con chim vàng” của nền âm nhạc Việt.

Trong hơn 100 ca khúc dạt dào cảm xúc của nhạc sĩ, có nhiều ca khúc “nằm lòng” người dân Việt yêu ca hát. Đặc biệt với ca khúc phổ thơ để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. “Để có được những ca khúc hay và nổi tiếng như vậy, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã hội tụ được những điểm mạnh sau: nhạc sĩ là người ham thích đọc sách, vốn văn phong phú; ông cho rằng thơ và nhạc là chị em song sinh; lòng yêu thơ, nắm bắt các mẹo luật, cách gieo vần, nhịp điệu thơ; thẩm thấu thơ; chọn chất liệu âm nhạc; nhuần nhuyễn âm nhạc dân gian đưa vào tác phẩm một cách khéo léo, tinh tế.

Thông qua các tác phẩm âm nhạc của mình, ông đã phổ biến vốn văn học dân gian cho lớp trẻ, cho thế hệ mai sau. Nhạc sĩ đã đóng góp không nhỏ trong việc giữ gìn, nuôi dưỡng di sản văn học nước nhà, đồng thời đóng góp quan trọng trong việc giáo dục thẩm mỹ trong âm nhạc”, nhạc sĩ Ngô Hương Thủy nhấn mạnh.

Thấm đẫm nghĩa tình quê hương

Một người chân thành, dịu dàng, hóm hỉnh
Nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cho rằng trong âm nhạc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, chúng ta thấy ông là một người chân thành, dịu dàng, hóm hỉnh và tinh tế; một con người nhạy cảm trước cái đẹp và nhạy bén trước thời cuộc. Chính vì vậy, những tác phẩm ông viết luôn có giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật, sống mãi, dù ông đã ra đi nhưng tình người vẫn còn ở lại trong những giai điệu đẹp và những lời ca giàu chất thơ.  

Với tài năng thiên bẩm và sức sáng tạo không ngừng nghỉ, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điều đã nâng tầm những làn điệu dân ca, những câu hò, những điệu hát ru quen thuộc thành những tuyệt phẩm âm nhạc. Đặc biệt, cho đến hôm nay, ca khúc “Quảng Nam yêu thương” ra đời hơn 40 năm nhưng vẫn vang lên trong các kỳ hội diễn, sự kiện bởi mang tâm hồn “rất Quảng”.

Nói về ca khúc “Quảng Nam yêu thương”, nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh (Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng) cho rằng: Trong các ca khúc, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ít khi kể địa danh, nhưng trong ca khúc này, những địa danh của Quảng Nam được ông kể ra “ngọt như mía lùi, không hề gượng ép”. Về giai điệu, chúng ta thấy sự biến hóa tài hoa của nhạc sĩ, vừa hiện đại, vừa dân gian, hình như trong lòng Phan Huỳnh Điểu đầy ắp những giai điệu dân ca, tự nó tuôn trào khi có cảm xúc. Chúng ta hãy để ý một chút về ca từ trong “Quảng Nam yêu thương” sẽ thấy nét đặc biệt của Phan Huỳnh Điểu là: rất anh hùng ca nhưng đậm chất tình ca, không gượng ép, không gò bó, “Ôi! Đất Quảng Nam, đây là quê hương anh hùng, quê hương trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ, còn bao thành tích lẫy lừng…”. Cấu trúc lời ca trong ca khúc “Quảng Nam yêu thương” theo phong cách Quảng Nam. Những diễn đạt như “sao nghe thắm đượm tình, xao xuyến trong tim mình, chân bước không đành, thơm hương rừng man mác, thơm ngát mùi đường non, chớ em nói đậm đà…” vừa mộc mạc dung dị, vừa thấm đẫm nghĩa tình chân chất như con người quê Quảng.

Với Quảng Nam - Đà Nẵng, trong cuộc đời sáng tác của mình, nhạc sĩ đã dành nhiều ưu ái với những ca khúc cho quê hương như: “Đà Nẵng ơi chúng con đã về”, “Đà Nẵng là nỗi nhớ”, “Về với sông Hàn”, “Hội An ai mà không nhớ”, “Lãng đãng chiều Phú Ninh”, “Hát trên sông Vu Gia”, “Có ai về Quảng Nam”... Dù đã mấy chục năm nhưng những bản tình ca về Đà Nẵng, Quảng Nam của ông vẫn “nằm lòng” trong khán giả.

Nhắc đến nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm (Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng) bày tỏ lòng biết ơn khi ông đã có công đóng góp trong việc hình thành đoàn ca múa nhạc thành phố Đà Nẵng. “Khi còn sống, nhạc sĩ đã gợi ý thành phố nên có một đoàn ca múa nhạc. Sau đó, cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh có chủ trương đề nghị xây dựng đoàn ca múa nhạc và tôi là người được chọn làm trưởng đoàn ca múa nhạc đầu tiên”, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm xúc động nhớ lại.

Thay mặt gia đình, nhạc sĩ Phan Hồng Hà (con trai nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu) xúc động bày tỏ lòng biết ơn khi nhận được tình cảm quý mến của lãnh đạo thành phố và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha mình thông qua các chuỗi hoạt động kỷ niệm đầy ý nghĩa. “Ba chúng tôi vẫn hiển hiện đâu đó khi chúng tôi và mọi người nhớ đến các tác phẩm của ông để lại, những lời ca, giai điệu sẽ vang mãi trong tâm khảm của khán giả dành cho ông và của ông dành cho tất cả mọi người”, nhạc sĩ Phan Hồng Hà nói.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

.