Văn hóa - Giải trí

Hiệu quả từ phong trào xây dựng thôn, tổ văn hóa

08:09, 02/11/2024 (GMT+7)

Phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa trên địa bàn thành phố ngày càng đi vào chiều sâu, tác động mạnh mẽ đến lối sống người dân. Qua phong trào, diện mạo của các thôn, tổ dân phố ngày càng xanh, sạch, đẹp, tình đoàn kết cộng đồng được thắt chặt, tạo ra môi trường văn hóa cơ sở lành mạnh, văn minh.

Phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa tác động rõ nét đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tập tục tốt đẹp ở cơ sở. Ảnh: X.D
Phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa tác động rõ nét đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tập tục tốt đẹp ở cơ sở. Ảnh: X.D

Nâng cao đời sống văn hóa cơ sở

Liên tục 5 năm liền (2019-2023) đạt danh hiệu tổ dân phố văn hóa, tổ dân phố 62, phường An Khê (quận Thanh Khê) là một trong những điểm sáng của phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa trên địa bàn thành phố. Người dân luôn thống nhất, đoàn kết một lòng trong các hoạt động, phong trào chung của địa phương. Đặc biệt, trong tổ duy trì nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, được nhân rộng như: “Tổ dân phố không rác”, “Đoạn đường an toàn - văn minh -  sạch đẹp”, “Ngày Chủ nhật xanh, sạch, đẹp”… góp phần tô điểm diện mạo khu phố, cải thiện môi trường sống của người dân.

Ông Hồ Thanh Long (tổ 62, phường An Khê) cho biết, ngay từ đầu năm, tổ họp dân và đăng ký thực hiện các tiêu chí “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, cam kết bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, công tác khuyến học, trợ tang, xóa đói giảm nghèo, bài trừ tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan được người dân hưởng ứng nhiệt tình. “Phong trào xây dựng tổ dân phố văn hóa tạo sự đổi thay trong nếp nghĩ, sinh hoạt của mỗi người dân. Nhờ đó, phát huy tinh thần đoàn kết, sẵn sàng tương trợ lẫn nhau, cũng như góp công, góp sức cùng địa phương thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội”, ông Long nói.

Xây dựng thôn văn hóa là yếu tố quan trọng, góp phần cho thành công của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại huyện Hòa Vang. Từ hiệu quả của phong trào, diện mạo nông thôn ngày càng có nhiều đổi thay, hạ tầng phát triển nhanh, nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế lớn, góp phần nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của cộng đồng. Đặc biệt, phong trào tác động rõ nét đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tập tục tốt đẹp ở cơ sở. Các nghi thức cúng tế, lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian được khôi phục, phát huy phù hợp trong thời đại mới.

Ông Tán Kim, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong, cho hay từ bao đời nay, “tình làng nghĩa xóm” luôn được người dân trong thôn đề cao. Người dân bàn bạc cùng lập ra hương ước, quy định cụ thể những điều nên và không nên để nhắc nhở nhau cùng thực hiện. Bên cạnh đó, người dân còn gắn bó trong sản xuất, những ai học được kinh nghiệm gì trong chăn nuôi, trồng trọt đều trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau. Quan hệ xóm giềng ngày càng được gắn bó, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp, giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, trao truyền đến các thế hệ kế cận.

Phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa góp phần nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân. Ảnh: X.D
Phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa góp phần nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân. Ảnh: X.D

Lan tỏa phong trào sâu rộng

Phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, với tỷ lệ 100% thôn, tổ dân phố đăng ký xây dựng danh hiệu trong năm 2023. Từ những con số khiêm tốn của những năm đầu thực hiện, đến nay, có 2.471/2.911 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, tỷ lệ 84,9% (tăng 79,7% so với năm 2000).

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Vỹ, xây dựng văn hóa nói chung, thôn, tổ dân phố văn hóa nói riêng là công việc không có điểm dừng, vấn đề đặt ra là phải có được những phương thức, cách làm mới để nâng cao chất lượng phong trào, phù hợp điều kiện địa phương. Trước hết là phải làm tốt công tác tuyên truyền, để phong trào được triển khai sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong từng thôn, tổ dân phố. Tiếp đến là nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch đô thị, xây dựng, ngăn ngừa phòng, chống các tệ nạn xã hội, làm cho mọi người trong cộng đồng dân cư có nếp sống tôn trọng pháp luật, tôn trọng các quy định, quy ước của cộng đồng. Ngoài ra, gạn lọc các mô hình triển khai trong thời gian qua để phát triển các mô hình mang lại hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện mới.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi, qua thực hiện các tiêu chí xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa, việc chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên, đẩy lùi tệ nạn xã hội, góp phần giữ gìn an ninh trật tự. Nhiều hạng mục thiết chế văn hóa, thể thao của thôn, tổ dân phố được chính quyền địa phương, người dân đồng thuận hỗ trợ xây dựng như: điện chiếu sáng, điện trang trí, cổng chào, nhà văn hóa, sân thể thao, di tích, đường liên thôn. Diện mạo khu dân cư được chỉnh trang, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa, thể thao, sinh hoạt cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Phát huy những kết quả và thành tích đạt được trong năm qua, với sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng của chính quyền và người dân; tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt thành của cán bộ thôn, tổ dân phố, phong trào sẽ ngày một gặt hái được nhiều thành công, góp phần xây dựng, phát triển thành phố an bình, văn minh, hiện đại, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của Đà Nẵng trong thời gian tới.

Quy định tiêu chuẩn và việc xét tặng danh hiệu

UBND thành phố vừa ban hành quyết định quy định tiêu chuẩn và việc xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường tiêu biểu”, có hiệu lực thi hành từ 1-1-2025. Trong đó, để được công nhận danh hiệu “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, thôn, tổ dân phố phải đạt đủ từ 85 điểm trở lên (kể cả điểm cộng và điểm trừ) và không vi phạm một trong các trường hợp quy định tại khoản 5, Điều 6, Nghị định 86/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Các tiêu chuẩn để xét, công nhận danh hiệu “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, gồm: đời sống kinh tế ổn định và phát triển (tối đa 10 điểm); đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú (tối đa 22 điểm); môi trường an toàn, thân thiện, cảnh quan sạch đẹp (tối đa 23 điểm); chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, tích cực tham gia phong trào thi đua của địa phương (tối đa 25 điểm); có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng (tối đa 10 điểm) và 10 điểm cộng với các thành tích khác.

K.NGUYÊN

.