Văn hóa - Giải trí
Bảo tồn và phát huy giá trị Ma nhai Ngũ Hành Sơn
Ngày 17-3, trong khuôn khổ Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2025, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức tọa đàm khoa học “Ảnh hưởng của Phật giáo trong di sản tư liệu văn bia Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn”, nhằm đánh giá những giá trị của văn bia Ma nhai và lấy ý kiến của các chuyên gia phục vụ cho việc hoạch định các chính sách, xây dựng đề án, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu này.
![]() |
Danh thắng Ngũ Hành Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: BẢO LÂM |
Báo cáo đề dẫn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Vỹ nêu rõ, trong lịch sử, Ngũ Hành Sơn là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Đại Việt trên bước đường Nam tiến của dân tộc, với sự hình thành những ngôi quốc tự nổi tiếng như Tam Thai, Linh Ứng và lưu dấu bước chân hành hóa của bao bậc cao tăng đạo hạnh trong nhiều thế kỷ. Do đó, sự ảnh hưởng và hình bóng của Phật giáo trong văn bia Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn rất rõ nét. Mặt khác, những di sản tư liệu này đã trở thành nguồn sử liệu quý về Phật giáo ở vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.
TS. Nguyễn Hoàng Thân (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng) cho rằng, văn bia Ma nhai Ngũ Hành Sơn là một sử liệu xác thực, qua đó góp phần không nhỏ vào việc tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển Phật giáo ở Quảng Nam, Đà Nẵng, đồng thời phản ánh những tư tưởng, triết lý, thiền kệ vốn cao thâm của đạo Phật.
“Hệ thống văn khắc trên vách đá Ngũ Hành Sơn, hay còn gọi là tư liệu ma nhai, được hình thành dưới thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn cùng với một số văn bản có niên đại nửa đầu thế kỷ XX, tồn tại đến nay ngót nghét 4 thế kỷ. Hiện có khoảng gần 80 đơn vị văn bản văn bia Ma nhai, phân bố khắp các khu vực Ngũ Hành Sơn như động Hoa Nghiêm, động Huyền Không, động Tàng Chơn, động Vân Thông, động Linh Nham…
Trong đó, văn bia Ma nhai tập trung chủ yếu trên các vách đá động Huyền Không, chiếm gần một nửa tổng số lượng văn bia Ma nhai Ngũ Hành Sơn. Chỉ xét về yếu tố số lượng văn bản Ma nhai tại một di tích ở Việt Nam, thì Ngũ Hành Sơn có số lượng văn bản Ma nhai cao nhất”, TS. Nguyễn Hoàng Thân nói.
Trong tham luận “Hương sắc Phật giáo trong văn bia đề thơ”, Th.S Đinh Thị Toan (Hội Khoa học Lịch sử thành phố) liệt kê và phân tích một số bia Ma nhai Ngũ Hành Sơn dạng văn bia đề thơ, từ đó tác giả khẳng định: “Văn bia đề thơ Ngũ Hành Sơn là một hiện tượng văn hóa đặc biệt, một di sản cần được quan tâm đánh giá đúng mức”.
![]() |
Quang cảnh tọa đàm khoa học “Ảnh hưởng của Phật giáo trong di sản tư liệu văn bia Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn”. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG |
Theo TS. Lê Xuân Thông và TS. Nguyễn Thế Hà (Viện Khoa học Xã hội vùng Trung Bộ), thế kỷ XIX, Phật giáo tại Ngũ Hành Sơn nhận được sự ứng xử tích cực đặc biệt của hoàng triều nhà Nguyễn. Đồng thời khẳng định, Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn có nhiều danh tăng ưu tú, đạo cao đức dày, đã góp công to lớn trong việc phát triển Phật giáo đất Quảng, đưa Phật giáo đất Quảng nhanh chóng đi vào quỹ đạo đổi mới của Phật giáo đất nước những thập niên đầu thế kỷ XX.
Trong khi đó, hai tham luận của Th.S Võ Văn Thắng và Nhà nghiên cứu Hồ Xuân Tịnh (Hội Khoa học Lịch sử thành phố), cho thấy cái nhìn bao quát, hệ thống về tính chất đa giá trị của danh thắng Ngũ Hành Sơn qua việc phân tích, làm rõ những giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên của một di sản mang trong mình những giá trị, sức sống văn hóa đương đại; đồng thời gợi mở ra những tham vọng lớn hơn về một di sản văn hóa thế giới - quần thể di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Từ việc đánh giá sâu sắc những giá trị của văn bia Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, các nhà nghiên cứu và quản lý di sản đưa ra những giải pháp trong công tác bảo tồn, làm cơ sở cho ngành văn hóa cũng như chính quyền địa phương đưa ra những giải pháp, chính sách, đề án để bảo tồn và phát huy tốt hơn giá trị của danh thắng Ngũ Hành Sơn nói chung và văn bia Ma nhai nói riêng.
“Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn” là hệ thống gồm 78 văn bản Hán Nôm được khắc trên vách đá và hang động tại danh thắng Ngũ Hành Sơn bởi các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX. Với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học khác nhau, đây là nguồn di sản tư liệu quý hiếm, độc đáo không thể thay thế, được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm bởi các giá trị về mặt lịch sử, tôn giáo, địa lý, văn học, ngôn ngữ, nghệ thuật tạo hình, văn hóa và giáo dục. Năm 2022, “Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn” được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. |
ĐOÀN HẠO LƯƠNG