.

Đạo diễn Nguyễn Duy Võ Ngọc - Trải nghiệm đầu với phim chính luận

.

Anh hùng làng Nà Mạ (kịch bản: nhà biên kịch Ngọc Minh) về anh hùng Kim Đồng là sự thử nghiệm của đạo diễn Nguyễn Duy Võ Ngọc.

Cảnh trường quay phim Anh hùng làng Nà Mạ. (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp)
Cảnh trường quay phim Anh hùng làng Nà Mạ. (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp)

Những năm qua, khán giả yêu thích phim truyền hình dần quen thuộc với tên tuổi đạo diễn Nguyễn Duy Võ Ngọc qua hàng loạt phim tâm lý-xã hội như: Mùa hè sôi động, Áo cưới thiên đường, Vòng tay ấm, Con đường phía trước, Hoa xương rồng, Vật chứng mong manh. Mới đây, anh cùng đoàn làm phim của Công ty Blue Planet (hành tinh xanh) do anh làm giám đốc - đã có 2 tháng lăn lộn với “trường quay thực tế” ở Cao Bằng để hoàn thành phần quay 20 tập bộ phim Anh hùng làng Nà Mạ.

Hai tháng “cắm bản”

Để thực hiện bộ phim, một đoàn trên dưới 30 người đã lặn lội từ Nam ra Bắc, trèo đèo lội suối tới tận bản Nà Mạ của người anh hùng trẻ tuổi Kim Đồng. Thật khó để kể hết những khó khăn trong điều kiện sinh hoạt ở vùng cao với những người đã quen với cuộc sống đồng bằng, mà lại là đồng bằng đô thị. Không những vất vả về nơi ăn, chốn ở, do đặc trưng của địa hình đồi núi, không có phương tiện hỗ trợ vận chuyển các đạo cụ, máy móc làm phim, cả đoàn phải huy động sức vóc của từng cá nhân trong việc mang vác. Trong suốt hai tháng “cắm bản”, cứ sáng sớm, cả đoàn lại lóc cóc vác đồ nghề vào hang Pắc Bó làm phim, tối lại lục đục gói ghém, thu dọn ra về. Khổ thì khổ rồi, nhưng theo đạo diễn Nguyễn Duy Võ Ngọc, mọi người đã tạo được không khí rất vui vẻ nhờ tinh thần đoàn kết, tất cả đều vì bộ phim.

Vượt chặng đường dài hơn 1.500km, sinh hoạt và làm việc trong điều kiện không mấy quen thuộc, cái để mọi người có thể vượt qua và cùng nhau làm tốt bộ phim chính nhờ tinh thần đoàn kết ấy. Vậy nên có thể nói rằng, không ngạc nhiên khi người đạo diễn trẻ Võ Ngọc khẳng định, trải nghiệm cũng như kinh nghiệm quan trọng nhất anh rút ra được trong quá trình làm nghề sau hai tháng ở Cao Bằng chính là phải biết tạo được không khí vui vẻ, đoàn kết giữa các thành viên trong một đoàn làm phim. Làm được điều đó, ít nhất, bộ phim đã có thể thành công được một phần khá lớn rồi.

Lần đầu tiên tham gia dự án làm phim về đề tài chính luận, lại về một nhân vật lịch sử đã quá quen thuộc với công chúng - anh hùng Kim Đồng, đạo diễn Võ Ngọc không khỏi có những bối rối và khó khăn riêng. Lâu nay, nhiều đạo diễn trẻ thường ngại làm phim ở thể loại này bởi những đòi hỏi khắt khe về mặt chính xác thông tin lịch sử, cũng như không dễ có điều kiện để đạo diễn tung tẩy cho hấp dẫn. Nhiều người nói phim chính luận dễ “khô” cũng vì thế. Thêm nữa, cuộc đời kéo dài chỉ 14 năm của anh Kim Đồng với những thông tin về thời thơ ấu cũng như quá trình hoạt động cách mạng không nhiều cũng là thử thách đáng kể cho nhiệm vụ phải có được 20 tập phim Anh hùng làng Nà Mạ.

Khó khăn về tư liệu lịch sử

Chỉ nói riêng về việc chọn diễn viên đóng Kim Đồng, Võ Ngọc đã phải ròng rã nhiều tháng tìm kiếm trong Nam ngoài Bắc. Sự thực, cho tới giờ, người ta vẫn chưa có được những đặc điểm nhân dạng chính xác về anh Kim Đồng. Mọi tìm kiếm của Võ Ngọc phần lớn đều dựa vào trực cảm và sự tinh tế của một người đạo diễn. Cho mãi tới phút cuối, cách thời điểm bấm máy khoảng 10 ngày, anh mới tìm được một cậu bé ở Hà Nội có những đặc điểm phù hợp cho vai diễn này. Cả đoàn làm phim thực sự vui mừng khi chỉ sau hai ngày, cậu bé đó đã nhập vai rất tốt, thể hiện được đúng với tư tưởng mà biên kịch Ngọc Minh và đạo diễn Võ Ngọc khi xây dựng hình tượng Kim Đồng: vừa rất hồn nhiên, thơ trẻ, nhưng lại vừa anh dũng, kiên cường.

Ở Cao Bằng có hai dân tộc thiểu số có số dân cư trú đông nhất là Tày và Nùng. Anh hùng Kim Đồng là người dân tộc Nùng. Và khi làm phim Anh hùng làng Nà Mạ, đạo diễn Võ Ngọc không chỉ phải đối mặt với khó khăn về vấn đề tư liệu lịch sử. Một phần mà theo chia sẻ của anh, có lẽ khó nhất trong lúc làm phim là những kiến thức văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng nói chung và đồng bào dân tộc Nùng nói riêng. Sự chỉnh chu trong kịch bản của Ngọc Minh cộng với tinh thần lao động nghiêm túc của nhóm thiết kế mỹ thuật và phục trang đã giúp Võ Ngọc rất nhiều trong vấn đề này.

Thực tế, ngay với chính đồng bào người Nùng của ngày hôm nay, chỉ nói về ăn mặc, trang phục của họ cũng đã khác rất nhiều so với những năm trước Cách mạng Tháng Tám. Và để giải quyết cái khó này, Võ Ngọc cùng các cộng sự đã phải có khá nhiều cuộc gặp gỡ với các cán bộ lão thành, người dân cao niên ở quê hương anh Kim Đồng để góp nhặt thêm tư liệu. Thực may trong quá trình ấy, họ đã gặp được một người gọi anh hùng Kim Đồng bằng ông. Người đó nay cũng đã bước vào độ tuổi cao niên. Nhờ những hiểu biết rất tường tận của ông về chợ búa, về trang phục, về đồn bốt của Pháp từng xây ở Nà Mạ xưa, đạo diễn Võ Ngọc đã có thêm cơ sở để thực hiện tốt hơn những cảnh quay của mình.

Cũng phải nói thêm một chút về bài hát được viết cho phim Anh hùng làng Nà Mạ. Người viết lời và phối khí cho bài hát đó là anh Nguyễn Hòa Bình, người phụ trách âm thanh cho toàn bộ 20 tập phim. Điều thú vị ở chỗ, bài hát không chỉ khiến người xem thêm yêu mến và trân trọng tấm gương hy sinh anh dũng của người anh hùng nhỏ tuổi Kim Đồng, mà qua đó, còn cảm nhận được tình cảm tha thiết của người viết với những thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu cho nền độc lập, tự do của đất nước hôm nay. Trên nền phối khí thấm đẫm âm hưởng và các làn điệu dân ca của các đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc, bài hát cũng là điểm nhấn tạo một độ lắng cần thiết ở người xem.

Dự kiến bộ phim truyền hình 20 tập Anh hùng làng Nà Mạ nhân kỷ niệm 70 ngày mất của anh Kim Đồng sẽ ra mắt khán giả màn ảnh nhỏ vào dịp tháng 11 tới trên kênh truyền hình HTV - Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh.

DƯƠNG QUANG

;
.
.
.
.
.