.
CỰU CHIẾN BINH NHỚ LẠI

Chiến thắng Bồ Bồ

.

CCB Ngô Văn Quang (ảnh - ở tổ 57, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu), nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn 20 Quảng Nam - Đà Nẵng, đã kể lại trận tập kích tiêu diệt Chiến đoàn cơ động số 10 của giặc Pháp tại núi Bồ Bồ (xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) trong đêm 17-7-1954.

...Giữa tháng 7-1954, Chiến đoàn cơ động số 10 của Pháp (gọi tắt là GM10), gồm hơn 1.000 binh sĩ từ Đà Nẵng bắt đầu “Cuộc hành quân con báo”, âm mưu chiếm Bồ Bồ để khống chế vùng Tây Điện Bàn và các vùng phụ cận.

Sáng 16-7-1954, sau nhiều đợt bắn phá, Pháp hành quân theo đường số 1 và đường sắt tiến về Bồ Bồ. Dọc đường, chúng bị du kích đánh mìn, bắn tỉa, nên mãi đến chiều 16-7 mới đến Bồ Bồ. Chúng triển khai đội hình trên khu đồi rộng, chiếm giữ các điểm cao, bố trí phòng ngự nhiều tầng. Trận địa pháo đặt tại cao điểm Giồng Ngang...

Về phía quân ta, Tiểu đoàn 20 có 3 đại đội (203, 204 và 206), được tăng cường một đại đội hỏa lực, một phân đội đặc công, 2 đại đội bộ binh (Đại đội 64 độc lập và Đại đội 61 Điện Bàn) cùng hơn 500 du kích các xã Điện Tiến, Điện Hòa, Điện An, Điện Hồng, Điện Quang tham gia trận đánh, với quyết tâm tiêu diệt địch ngay khi chúng đứng chân chưa vững chắc. Lãnh đạo huyện Điện Bàn đã huy động 650 dân công phục vụ chiến đấu.

Tối 17-7, từ các vị trí tập kết, du kích dẫn bộ đội chiếm lĩnh trận địa, bí mật khắc phục vật cản, áp sát mục tiêu. Đến 23 giờ, các mũi lần lượt áp sát đội hình địch đúng ý định, có mũi chỉ cách địch khoảng 50 mét. Đúng 0 giờ 30 ngày 18-7, Tiểu đoàn trưởng Lê Văn Bàng phát lệnh nổ súng. Các trận địa cối 81, SKZ cùng các loại hỏa lực đồng loạt phát hỏa, tạo thành lưới lửa dày đặc trùm lên trận địa địch. 10 phút sau, hỏa lực chuyển làn, xung kích nhất tề xông lên tấn công, thọc sâu, chia cắt đội hình và tiêu diệt từng cụm địch phòng ngự. Nhiều xe tăng, ô-tô, thùng nhiên liệu, nhà bạt... trúng đạn bốc cháy dữ dội.

Bị đánh bất ngờ, địch hoảng hốt, bỏ chạy tán loạn. Bộ phận thông tin bị ta diệt từ đầu, nên đối phương không gọi được pháo chi viện. Tuy vậy, một số xe tăng và bộ binh vẫn ngoan cố chống cự, gây cho quân ta nhiều thương vong. Tại hướng Nam, xe tăng địch gầm rú phản kích. Trung đội trưởng Lâm Cam (Đại đội 206) mưu trí tiếp cận, dùng thủ pháo đánh đứt xích xe tăng, dẫn đầu trung đội xông lên đánh vào khu vực Giồng Ngang và anh dũng hy sinh trên cao điểm này.

Tượng đài Chiến thắng Bồ Bồ.
Tượng đài Chiến thắng Bồ Bồ.

Trong khi trên hướng Tây, Đại đội 203 nhanh chóng đánh chiếm khu vực Giồng Lạc, thì ở hướng Tây Bắc (hướng tấn công chủ yếu), quân địch điên cuồng chống trả, làm Đại đội 204 không phát triển được. Tiểu đoàn trưởng Lê Văn Bàng lệnh Đội dự bị bước vào chiến đấu và trực tiếp lao lên đốc thúc các mũi tấn công, tổ chức diệt các hỏa điểm, đánh mạnh vào khu vực chỉ huy của địch. Khi các mũi đang ào ạt tấn công thì anh đã bị trúng đạn quân thù. Người tiểu đoàn trưởng kiên cường đã ngã xuống trước giờ chiến thắng. Quân ta lần lượt đánh chiếm các mục tiêu và tiếp tục đánh tảo trừ, truy quét tàn quân địch. Hàng trăm tên lính Âu Phi run rẩy giơ tay đầu hàng. Một số tên chạy thoát xuống các sườn đồi, lại rơi vào trận địa đón lõng của du kích.

Sau hơn 2 giờ chiến đấu, cả chiến đoàn địch bị đánh tan. Gần 700 tên bị diệt và bị bắt sống. Trong số tù binh có cả tên đại tá, chỉ huy cuộc hành quân. Đây là trận đánh ta thu được vũ khí, đạn dược, đồ dùng quân sự nhiều nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng.

Chiến thắng Bồ Bồ đã giáng thêm một đòn đau vào quân Pháp, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc đối phương phải ký Hiệp định Genève vào ngày 20-7-1954.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM
 

;
.
.
.
.
.