.

Đưa tác phẩm đá vươn xa

.

Bằng sự khéo léo và tài hoa, các nghệ nhân làng đá mỹ nghệ Non Nước đã thổi hồn vào đá, làm nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, tinh xảo… để theo chân du khách đến khắp các phương trời. Nghệ nhân Lê Bền và nghệ nhân Nguyễn Long Bửu là những tài hoa đó, trở thành tiêu biểu của làng nghề hàng trăm năm tuổi trên đất Đà thành.

“Cây đa” của làng đá

Nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu bên những tác phẩm nghệ thuật của mình.
Nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu bên những tác phẩm nghệ thuật của mình.

Đến làng đá mỹ nghệ Non Nước, hỏi về nghệ nhân Lê Bền thì hầu như ai cũng biết và tỏ lòng kính trọng. Cụ đã có gần 70 năm trong nghề và các con trai của cụ là đời thứ tư tiếp tục góp phần quảng bá, giới thiệu, lưu giữ những nét đặc trưng của văn hóa Chămpa đến với bạn bè trong nước cũng như quốc tế.

Nghệ nhân điêu khắc cổ truyền Lê Bền năm nay ngoài 80 tuổi nhưng nước da hồng hào, đôi mắt sáng, chùm râu dài trắng bạc... Kể về cuộc đời mình, cụ cho biết, cụ bắt đầu công việc này từ lúc mới 15 tuổi. Ông cố của cụ là nghệ nhân điêu khắc chuyên về tượng Chăm, đến thời cha cụ cũng tiếp tục nối nghề. Tính ra đến thời điểm này, cụ đã có gần 70 năm trong nghề làm tượng cổ Chăm.

Nghe chúng tôi tò mò hỏi về làm tượng đá Chăm có khác gì các tượng khác, cụ Bền trầm ngâm rồi bộc bạch: Chỉ những người am hiểu, yêu mến và chịu khó tìm hiểu về văn hóa Chăm mới đủ khả năng thẩm thấu những tác phẩm Chăm. Cơ sở của cụ rất khác với nhiều cơ sở điêu khắc tại làng đá mỹ nghệ Non Nước, không cần đơn đặt hàng, không cần hợp đồng mà trước hết, cụ sáng tác để thỏa lòng đam mê, thích thì làm, yêu mến thì cứ đục đẽo. Thế nhưng, khi làm ra tác phẩm nào thì du khách đến mua tác phẩm đó… “Đó chính là sự khác biệt”, cụ Bền nói.

Một điểm khác biệt nữa mà chỉ những nhà điêu khắc cổ truyền như cụ Bền mới tường tận, đó chính là cái thần sắc trong mỗi pho tượng - giá trị thẩm định tay nghề trong nghệ thuật điêu khắc đá. Cụ chia sẻ: Tôi làm nghề này mục đích chính không phải là kinh doanh làm giàu mà cốt để lưu giữ và quảng bá những nét văn hóa truyền thống cổ Chămpa. Không phải hễ ai có tiền đến đây cũng đều có thể sở hữu được một bức tượng, mà phải là người đồng cảm và có chút am hiểu về văn hóa Chăm.

Đi gần trọn cuộc đời sáng tác, điêu khắc gia Lê Bền đã lưu giữ hàng trăm bức tượng Chăm với nhiều kích cỡ khác nhau, được ông bài trí hợp lý tại khu vườn tượng sau nhà. Đây được xem như một bảo tàng Chăm ngoài trời mà hiện giờ, tại làng đá Non Nước chỉ mỗi mình ông mới có. Nhưng đó không phải là niềm tự hào duy nhất đối với ông, bởi niềm hạnh phúc và lớn lao hơn cả chính là truyền thống gia đình đã góp một phần nhỏ để tuyên truyền, quảng bá nền văn hóa Chăm ra toàn thế giới bằng những tác phẩm điêu khắc của mình.

 Mang đặc trưng của dân tộc

Là hậu sinh của những người như nghệ nhân Lê Bền, nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu không chỉ mang về niềm vinh dự lớn cho bản thân, gia đình, mà ông còn là niềm tự hào, là sự động viên to lớn đối với các nghệ nhân điêu khắc tại làng đá Non Nước. Ông Bửu tâm sự: “Tôi may mắn được sinh ra trong gia đình giàu truyền thống với nghề điêu khắc, bản thân theo nghề đã là đời thứ tư. Đá đã ăn sâu vào truyền thống gia đình, thành nghề tổ tông, thành lẽ sống, không dứt được. Ông cố của tôi là nghệ nhân Nguyễn Chất, người được vua Tự Đức trọng vọng, đứng đầu nhóm thợ xây dựng Hoàng thành và lăng tẩm cho triều đình. Ông nội là nghệ nhân Nguyễn Bình, từng được Hoàng gia Campuchia mời sang giúp trùng tu Đền Angkor. Cha tôi là nghệ nhân Nguyễn Sang cũng đã được tôn vinh là thợ chạm khắc đá điêu luyện của miền Trung sau khi hoàn thành công trình phục chế tháp Chăm và bộ tượng đá 18 vị La Hán”.

Với Nguyễn Long Bửu, đá là niềm đam mê từ trong sâu thẳm tâm hồn, như máu thịt và nguồn sống. Tâm hồn ông luôn được thăng hoa cùng đá, bàn tay ông cũng đã tìm được một mối duyên thầm để khơi dậy sức sáng tạo từ đá. Ông tìm thấy trong đá những ý tưởng sáng tác như không cạn kiệt. Nhờ đó, trong từng tác phẩm nghệ thuật của ông, giới chuyên môn luôn đánh giá là thấm đẫm đặc trưng của dân tộc Việt Nam, càng đậm đà hơn tính cách người xứ Quảng. Đó chính là sự khác biệt làm nên thương hiệu Nguyễn Long Bửu không chỉ ở trong nước mà còn vươn tầm quốc tế.

Vì vậy, năm 2002, nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu đã được Công chúa Hoàng gia Thái Lan trao tặng Cúp bạc tại Cuộc thi Điêu khắc quốc tế sáng tác, thể hiện tại chỗ, diễn ra ở Thái Lan. Năm 2003, ông tiếp tục đoạt Giải thưởng Thụy Điển - Việt Nam về phát triển văn hóa tại Triển lãm điêu khắc toàn quốc lần thứ IV. Năm 2004, ông nhận Giải thưởng của Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng cho tác phẩm “Mẹ Thứ”, năm 2005 nhận Giải thưởng Ngôi sao Việt Nam - Những ngày văn hóa Việt Nam tại Hà Nội. Năm 2006, ông được UBND thành phố Đà Nẵng tặng Bằng khen với sự đóng góp cho văn hóa nghệ thuật thành phố; Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật thành phố; được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thông tin tặng bằng khen về lĩnh vực điêu khắc nghệ thuật.

Tại Hội nghị APEC lần thứ 14 năm 2006 được tổ chức tại Hà Nội, nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu là người duy nhất được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý cho tổ chức triển lãm 30 bức tượng nghệ thuật. Năm 2008, Nguyễn Long Bửu vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Ngoài ra, Nguyễn Long Bửu đã sáng tác nhiều bức tượng được dựng tại Bảo tàng Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam cùng các nước: Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Thụy Điển, Nhật, Hàn Quốc, Đức, Singapore và Đài Loan…

Bài và ảnh: VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.