.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Âm nhạc cũng là vũ khí

.

Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” dù chỉ diễn ra 12 ngày đêm nhưng để lại nỗi đau cũng như niềm tự hào không bao giờ phai mờ cho Hà Nội. Điều tuyệt vời nhất là dù mưa bom bão đạn, người Hà Nội vẫn bình tĩnh, yêu đời đến lạ lùng, đã chiến đấu và chiến thắng.

Bức ảnh này đã nói lên sức mạnh của người Hà Nội lúc bấy giờ. (Ảnh tư liệu, Nguyễn Thanh Bình chụp lại)
Bức ảnh này đã nói lên sức mạnh của người Hà Nội lúc bấy giờ. (Ảnh tư liệu, Nguyễn Thanh Bình chụp lại)

Góp phần làm nên điều kỳ diệu đó phải nói đến âm nhạc. Có những bài hát ra đời ngay dưới cánh B.52, kịp thời cổ vũ tinh thần quân - dân ta như Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân), Tên lửa ta đánh rất hay (Huy Thục), Phi đội ta xuất kích (Tường Vy)… Đặc biệt, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết 2 ca khúc trong 12 ngày đêm lịch sử đó.

Dạo này nhạc sĩ Phạm Tuyên “đắt sô” khi được mời tới dự các cuộc giao lưu, gặp mặt kỷ niệm, hội thảo, tọa đàm liên quan đến “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Hẹn hò mãi chúng tôi mới có dịp đến thăm ông tại nhà riêng ở khu tập thể Vạn Bảo (Hà Nội). Trong căn phòng ở tầng 3 với rất nhiều kỷ vật, giải thưởng liên quan đến cuộc đời âm nhạc, nhạc sĩ Phạm Tuyên kể:

- Tôi chỉ sáng tác khi nào tình cảm của người viết đồng cảm với mọi người thì sẽ có sức lan tỏa. Hai bài hát ra đời trong 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tôi viết để nói lên tình cảm của mình là chính, nhưng nó cũng rất hòa nhập với tình cảm của người dân Hà Nội lúc ấy.

* Thưa nhạc sĩ Phạm Tuyên, ông gửi gắm rất nhiều tâm sự cá nhân trong bài hát Hà Nội những đêm không ngủ, song cũng nói lên tình cảm chung của rất nhiều người?

- Vâng, có thể nói đúng như vậy. Hồi đó, tôi đang ở khu tập thể của Đài Tiếng nói Việt Nam tại 126 Đại La. Ngày 19-12-1972, Mỹ bắt đầu ném bom Hà Nội, chúng ném bom vào Đài phát thanh ở Mễ Trì lúc 4 giờ sáng. Trưa hôm đó, không quân Mỹ lại ném bom Đài phát sóng ở Bạch Mai và khu tập thể Đại La của chúng tôi ở. Đến sáng sớm 22-12, Mỹ lại ném bom B.52 rải thảm, biến khu tập thể của chúng tôi thành đống gạch vụn, nhà của tôi cũng dính bom tan tành, sách vở cháy nham nhở, cây đàn piano vỡ tung… May mà vợ con tôi đã sơ tán rồi. Thời điểm đó tôi có cảm xúc rất lạ, xót xa xen lẫn tự hào. Đêm hôm ấy, ngồi trong căn hầm, tôi đã viết Hà Nội những đêm không ngủ, thầm gửi tình yêu thương, nhớ nhung đến vợ con.

* Nhưng thưa ông, đến bài Hà Nội, Điện Biên Phủ!, ông cất lên tiếng nói đầy quyết liệt của người Hà Nội?

- Sự “chuyển tông” này có lý do. Đêm 26-12, Mỹ lại ném bom dữ dội ở Hà Nội, đến mức trong buổi sáng giao ban của Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 27-12, đồng chí Trần Lâm thông báo là Quân ủy Trung ương có ý kiến chỉ đạo phải kiên quyết chống lại địch, chúng ta phải dành cho địch một trận Điện Biên Phủ trên không. Từ “Điện Biên Phủ” đối với tôi có sức lay động kỳ lạ. Đêm hôm ấy, tôi đã ngồi trong hầm ở 58 Quán Sứ viết bài Hà Nội, Điện Biên Phủ! với âm điệu hoàn toàn không du dương như bài Hà Nội những đêm không ngủ, mà rất quyết liệt.

Bản nhạc Hà Nội, Điện Biên Phủ! đã in trên Báo Nhân Dân ngày 29-12-1972 với nét chữ chép nhạc của nhạc sĩ Phan Nhân. Ảnh: N.T.BÌNH
Bản nhạc Hà Nội, Điện Biên Phủ! đã in trên Báo Nhân Dân ngày 29-12-1972 với nét chữ chép nhạc của nhạc sĩ Phan Nhân. Ảnh: N.T.BÌNH

* Quân và dân ta đã đón nhận bài hát này như thế nào, thưa ông?

- Sáng hôm sau, khi đường phố còn vắng, tôi đạp xe đến Báo Nhân Dân ở 71 Hàng Trống. Cả tòa soạn Báo Nhân Dân cũng đã đi sơ tán, chỉ còn vài người ở lại trực, nhận tin, bài. Trong những người ở lại, tôi thấy anh Thép Mới - lúc đó là Phó Tổng biên tập và anh Hữu Thọ đang ngồi dưới gốc cây đa. Thấy tôi mang bài hát tới, các anh yêu cầu tôi hát cho các anh nghe, rồi các anh bảo tôi phải chép lại để đưa in luôn. Hồi đó đâu có máy kẻ nhạc như bây giờ. Tôi thấy chữ tôi chưa đẹp nên mang về nhờ nhạc sĩ Phan Nhân chép lại và đưa sang báo.

Ngay hôm sau (ngày 29-12-1972), Báo Nhân Dân in bài hát Hà Nội, Điện Biên Phủ! với nét chữ chép tay rất đẹp của nhạc sĩ Phan Nhân, tôi rất cảm động vì lúc đó địch còn chưa chấm dứt cuộc leo thang đánh phá. Buổi chiều, bài hát được thu thanh và sau đó được truyền đi qua làn sóng phát thanh trong chương trình Tiếng hát về Nam. Những ngày sau đó, ca khúc Hà Nội, Điện Biên Phủ! được các đoàn văn công, các đoàn dân quân tự vệ hát rất hào hùng. Đầu năm 1973, tôi mang bài hát này lên khu sơ tán, ngày hôm sau Đoàn ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam dựng thành hợp xướng, người lĩnh xướng là Nghệ sĩ Nhân dân Trần Khánh.

Sau này, tôi nghe nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Thụy Kha kể lại rằng anh em ở Quảng Trị đã khóc vì sung sướng, xúc động khi nghe Hà Nội, Điện Biên Phủ!. Những nhà báo ở thành phố Hồ Chí Minh ra phỏng vấn tôi nói rằng, đêm 29-12-1972 nghe bài hát trên sóng phát thanh đã biết Hà Nội sẽ chiến thắng.

* Như vậy, có thể nói rằng, âm nhạc đã có sức mạnh vô cùng lớn lao để đồng hành với người Hà Nội đi qua đạn bom khốc liệt?

- Đúng vậy, sức mạnh của âm nhạc nhiều khi không lường được hết. Phải sống trong những giây phút như thế mới hiểu được sức mạnh của âm nhạc, thấy đó là sợi dây kết nối mọi người, tạo nên sức mạnh lớn lao. Trong những năm kháng chiến, chức năng quan trọng nhất của âm nhạc là cổ vũ, động viên và sẽ càng tăng sức mạnh nếu âm nhạc nói lên tiếng nói của mọi người, của cộng đồng. Tôi cảm thấy cả thế hệ đi trước của chúng tôi như các nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Đình Thi… đã viết được những bài hát có sức chiến đấu rất cao, khi thì động viên, khi lại cổ vũ nhân dân trong cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc. Khách quan mà nói, “binh chủng âm nhạc” khi đó đã động viên, cổ vũ được tinh thần của quân và dân ta rất kịp thời.

* Ông vừa nói tới sức mạnh của“binh chủng âm nhạc” của các nhạc sĩ đi trước. Vậy khi đó ông có ý thức được điều này không?

- Quả thực lúc đầu thì chưa. Bởi lẽ, trước kia tôi là anh bộ đội trẻ, nghĩ đơn giản rằng vũ khí là súng đạn, xe tăng, tên lửa… Tôi nhớ mãi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có lần nói: “Phạm Tuyên ơi, âm nhạc là vũ khí đấy. Nếu biết sử dụng thì nó mang sức mạnh cụ thể”. Trong thời bình, chức năng giải trí của âm nhạc đang lấn át. Nhưng chừng nào ta quên chức năng cao quý là cổ vũ, động viên, mà chỉ nghĩ đến chức năng giải trí thôi thì vô hình trung chúng ta đã giảm nhẹ tác dụng xã hội của âm nhạc.

* Xin cảm ơn nhạc sĩ!

Nhạc sĩ Phạm Tuyên 	             Ảnh: N.T.BÌNH
Nhạc sĩ Phạm Tuyên Ảnh: N.T.BÌNH
Là nhân chứng của trận “Điện Biên Phủ trên không” 40 năm trước, nhạc sĩ Phạm Tuyên cho rằng: “Có một thực tế, người Hà Nội lúc đó rất kiên định, ứng xử với nhau có tình có nghĩa, rất quý mến mảnh đất này. Ít nơi nào trên thế giới dưới bom đạn giặc Mỹ mà con người lại bình tĩnh được như vậy. Đi qua Bạch Mai, qua phố Khâm Thiên, các bà các mẹ chít khăn tang vẫn dọn dẹp nhà cửa, thu dọn các đống gạch vụn trên phố… Nhiều gia đình ở đó đã đi sơ tán, cửa nhà không cần khóa mà không hề mất mát, người dân động viên nhau vượt qua khó khăn… Có thể nói, cuộc chiến thắng 12 ngày đêm này là cuộc chiến thắng của nhân dân”.

NGUYỄN THANH BÌNH thực hiện
 

;
.
.
.
.
.