.

Nhất Linh qua ký ức của người con Nguyễn Tường Thiết

.

Nhất Linh vốn là người kín tiếng, hơn nữa ông không bao giờ tâm sự với các con về quá khứ chính trị và cách mạng của mình. Vì vậy, trong ký ức và suy nghĩ của các con mình, Nhất Linh chỉ hiện diện phần nhiều trong tư cách một nhà văn nổi tiếng.

Nhà văn Nhất Linh (giữa) năm 1954. Ảnh: wikimedia.org
Nhà văn Nhất Linh (giữa) năm 1954. Ảnh: wikimedia.org

Có thể nói, cuộc đời Nhất Linh dường như rất có duyên nợ với con số 7. Ông sinh ngày 25-7-1906, mất ngày 7-7-1963. Nếu ngày sinh là cái duyên thì ngày mất lại là cái nợ, vì chính ông đã lựa chọn ngày đó, ngày mang tới 2 con số 7, ngày song thất.

Nhất Linh là người con thứ 3 trong một gia đình có 7 người con là Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Tường Cẩm. Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo), Nguyễn Tường Thế, Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam) và Nguyễn Tường Bách. Nhất Linh thành lập Tự lực văn đoàn gồm 7 thành viên: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ và Xuân Diệu. Nghiệp văn của ông cũng gắn liền với 7 truyện dài tiêu biểu: Nắng thu, Đoạn tuyệt, Đôi bạn, Bướm trắng, Lạnh lùng, Xóm cầu mới và Dòng sông thanh thủy. Trong 7 tác phẩm của Nhất Linh, đến nay, đã có 5 tác phẩm được ra mắt công chúng trong nước, còn 2 tác phẩm là Xóm cầu mới và Dòng sông thanh thủy – những sáng tác sau năm 1945, thì mới chỉ được biết đến ở hải ngoại. Bà Nhất Linh sinh 12 người con nhưng cũng chỉ nuôi được 7 người. Nói như thế để thấy rằng, con số 7 xét trên nhiều phương diện đều có những mối liên hệ khá “luẩn quẩn” với cuộc đời của Nhất Linh.

Năm 1931, lần đầu tiên sau những năm tháng tham gia hoạt động cách mạng, Nhất Linh trở về sinh sống và làm việc gần gũi hơn với gia đình, vợ con. Lúc đó, ông tuyên bố từ bỏ cuộc đời chính trị, cách mạng và trở về với công việc viết văn. Tuy nhiên, do môi trường sống giữa hai vợ chồng ông rất khác nhau, bà buôn bán ở nơi rất ồn ào, xô bồ, còn Nhất Linh cần một nơi yên tĩnh để viết văn. Do đó, tuy cùng ở Sài Gòn nhưng hai người lại sống ở hai nơi khác nhau. Các con Nhất Linh phần nhiều sống với mẹ chứ ít ở cùng cha. Chỉ thời gian Nhất Linh sống tại Đà Lạt và Nguyễn Tường Thiết được gửi lên đó ở cùng thì anh mới có dịp sống gần cha nhiều.

Về những thói quen của Nhất Linh, Nguyễn Tường Thiết cũng cho hay, ông viết nhiều hơn vào ban đêm. Thường những đêm khuya, khi Thiết tỉnh giấc, anh thường bắt gặp ông đang say sưa viết bên bóng đèn chụp. Và hình ảnh đó gây ấn tượng sâu sắc nhất với Thiết trong ký ức về cha mình. Nhất Linh thích viết trong tư thế thoải mái nhất với ông theo kiểu nửa nằm nửa ngồi. Có khi ông cũng ngồi võng để viết tiểu thuyết. Và ông thường dùng cây bút Parker để viết, cứ 10 năm lại thay bút mới một lần.

Được biết, trong cuốn hồi ký Nhất Linh - cha tôi của Nguyễn Tường Thiết, anh đã kể về cha mình như kể về một nhân vật tiểu thuyết. Nhất Linh gần như không ở nhà, và nếu có ở nhà thì cũng luôn sống trong một thế giới riêng. Ông ít nói, gần như không bao giờ la mắng các con, quá lắm thì chỉ lầm bầm hoặc cằn nhằn riêng với vợ. Lúc mới lấy nhau, ông giao ước với bà về trách nhiệm của mỗi người. Ông là con người của xã hội, của những hoạt động chính trị. Còn bà có trách nhiệm nuôi dưỡng các con thành người. Vợ Nhất Linh rất thông minh, đảm đang. Nhưng vì điều kiện không cho phép, bà không được đi học. Do đó, nếu xét về trình độ, giữa bà và Nhất Linh có những khoảng cách khá xa. Dù vậy thì với tài quán xuyến và vun vén cuộc sống, lại buôn cau khá phát đạt, bà Nhất Linh đã nuôi dưỡng các con thành người. Nguyễn Hải Thần có lần đã nói với Nhất Linh, nếu không có bà, có lẽ Nhất Linh không thể làm nên được sự nghiệp như thế. Trong sự nghiệp của Nhất Linh thì có một phần không nhỏ đóng góp của bà Nhất Linh. Do đó, vai trò của vợ Nhất Linh có thể ví như một “bà Tú Xương”. Chỉ có điều khác là bà Nhất Linh không phải nuôi chồng vì Nhất Linh có thể tự lo cuộc sống của riêng mình bằng tiền nhuận bút viết sách và những khoản tiền có được khi tham gia hoạt động cách mạng. Phần lớn cuộc sống mưu sinh của gia đình Nhất Linh và việc nuôi nấng, dạy dỗ con cái đều nhờ vào công việc buôn bán cau của bà Nhất Linh. Đời sống của bà rất bận rộn nên mọi công việc trong nhà đều phải giao cho các vú em và người giúp việc.

Chữ ký của nhà văn Nhất Linh trên tờ Văn hóa ngày nay. (Ảnh tư liệu)
Chữ ký của nhà văn Nhất Linh trên tờ Văn hóa ngày nay. (Ảnh tư liệu)

Có thể nói, bên cạnh bà Nhất Linh, những người đàn bà trong gia đình họ Nguyễn Tường cũng là những nhân vật được độc giả quan tâm nhiều trong hồi ký Nhất Linh - cha tôi của nhà văn Nguyễn Tường Thiết. Nhờ có những người đàn bà đó, những gì mà Nhất Linh hay Thạch Lam làm được cho tới nay mới có được sự bề thế đến vậy. Họ là những người anh hùng đứng trong góc khuất, là những bệ đỡ khiêm tốn, giản dị, luôn lặng lẽ nép sau những thành công của chồng, em mình.

Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam mất ngày 7-7-1963 vì tự vẫn bằng một loại thuốc ngủ rất nặng. Cái chết của ông nhằm phản đối quyết định mà chính quyền đương thời bắt ông ra trình tòa vì tội tham gia đảo chính. Ngày ông phải đứng trước tòa là ngày 8-7-1963.

Theo lời Nguyễn Tường Thiết, tác giả Đoạn tuyệt đã chủ động chuẩn bị cho mình cái chết ngay trước mặt 2 người con trai là anh Thiết và anh Triệu. Sáng hôm đó, ông tỏ ra bứt rứt, băn khoăn như thể đang vướng vào một khúc mắc. Nhưng tới khoảng trưa, ông như tìm ra được lối thoát cho mình và thay đổi hoàn toàn thái độ. Ông gọi Thiết và Triệu vào nói rằng, hôm nay cha rất vui, 2 con hãy đi mua rượu về để cha uống. Hai người con trai không ngờ ông đã lừa để hai con đi và bước vào cái chết theo cách ông đã dự tính kỹ lưỡng từ trước. Trước khi chết, Nhất Linh để lại 3 chúc thư viết rất ngắn, một bức cho vợ, một bức nữa tạm biệt tất cả những người ruột thịt của ông và một bức khẳng định “cuộc đời ông thì ông muốn để cho lịch sử xét xử chứ không muốn bất cứ ai xét xử ông”. Cũng theo Nguyễn Tường Thiết, trong bức chúc thư thứ 3 đó, lần đầu tiên và cũng là duy nhất Nhất Linh ký ở phía cuối là Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam chứ không phải ký theo cách dùng 1 trong 2 tên, hoặc là Nhất Linh, hoặc là Nguyễn Tường Tam như thông lệ.

Sinh thời, nhiều người vẫn nói, kỹ thuật viết văn của Nhất Linh bị chi phối và chịu ảnh hưởng nhiều bởi kỹ thuật viết văn của Lev Tolstoi, nhưng chính Nhất Linh lại cho rằng, cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại là cuốn Đồi gió hú của Saclot Bronti. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết duy nhất ông dịch trong đời. Ngay cả lúc quyên sinh, ông cũng nằm cạnh cuốn sách này chứ không phải một cuốn nào khác của Tolstoi.

DƯƠNG KIM THOA

;
.
.
.
.
.