.

Làm dâu nhà quê

.

Nhìn chị tay thoăn thoắt gặt lúa giữa cái nắng trưa oi ả của mùa hè, tôi cứ ngỡ chị là con gái nhà quê thứ thiệt. Ngả chiếc nón trắng, chị lấy tay quệt những dòng mồ hôi chảy dài trên má: “Nắng gớm! Nhỏ rót cho chị chén nước trà với!”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chị là chị họ của tôi. Thời con gái, dù nhà không có gì khá giả nhưng chị quen sống trong cảnh được nâng niu và chiều chuộng. Nhà ở phố nên ít khi nào chị đụng tay đụng chân, thậm chí chuyện bếp núc, nữ công gia chánh cũng rất “dở tệ”. Dì tôi cứ lo: “Nấu ăn kiểu ni bữa sau về làm dâu nhà người ta sao được? Mẹ chồng quở chết!”. Chị tôi phụng phịu: “Con không lấy chồng đâu! Con ở với má luôn”.

“Con ở với má luôn”... Chị vừa nói năm này, năm sau con sáo sang sông, chị đi lấy chồng. Nhà chồng ở Quảng Nam nên chị phải làm dâu quê người. Ngày họ nhà trai đem trầu rượu ra rước dâu, chị cứ nắm tay dì tôi khóc mãi. Trời thương phận con gái lấy chồng mười hai bến nước, không biết bến nào đục bến nào trong, trời cũng đổ mưa theo. Cơn mưa đầu tháng giêng năm đó se sắt lạnh. Con đường về nhà anh rể bùn lầy lội, xe vô không được, đám đi họ phải cuốc bộ quãng đường xa mới đến nhà anh. Lấy chồng quê, nhà ngoại tôi ai cũng lo chị cực, chị khổ.

“Ai nói làm dâu nhà quê là cực, là khổ? Chị thấy mình chẳng cực, chẳng khổ. Nhà chồng ai cũng tốt, ai cũng thương và quý chị cả”, chị tôi cười. Trong ký ức của chị không bao giờ quên những ngày đầu làm dâu nhà người với biết bao nhiêu bỡ ngỡ. Dù dì tôi đã dặn dò những điều hay lẽ phải trước khi về nhà chồng nhưng chị vẫn sợ. Chị sợ cái cảnh mẹ chồng nàng dâu, chị dâu em chồng ở chung nhà dễ sinh chuyện. Chị sợ cái cảnh nhà quê nhiêu khê với biết bao phép tắc, lễ nghĩa phải học. Rồi giỗ quảy và cả chuyện đồng áng nữa. Mấy đêm chị tôi cứ nằm thao thức. Đêm đầu tiên, ngồi ở phòng tân hôn nhưng tâm can chị cứ để đi đâu hết. Nghe mẹ chồng gọi, chị “dạ” ran một tiếng rồi hồi hộp không biết có chuyện gì. Bà bảo chị vào buồng riêng, chỉ có mẹ chồng nàng dâu nói chuyện. Nhìn chị với ánh mắt trìu mến, bà nắm lấy tay chị rồi nhỏ nhẹ: “Mẹ coi con như con gái của mẹ vậy. Con cũng cứ xem mẹ như mẹ ruột của con, không phải lo lắng gì nhiều đâu nghe con”. Chị thở phào nhẹ nhõm, vẫn không biết những ngày sắp tới ra sao nhưng bà đã trao nơi chị cái nhìn cảm thông và chia sẻ.

Rồi từ cái đêm đầu tiên ấy, đời làm dâu có lúc trải qua những tháng ngày vất vả nhưng với chị, cái quý nhất là được sống giữa tình thương của họ hàng bên chồng. Ngày chị có bầu đứa con đầu lòng, những lúc ốm nghén, mẹ chồng lo chu đáo từng chén cháo chén thuốc, rồi kiêng rồi cữ, rồi dặn dò chuyện dữ chuyện lành. Con gái mang bầu không được ngồi dưới đất mà phải kê dép mà ngồi. Con gái mang bầu không được để người khác bước ngang qua người. Con gái mang bầu không được ăn thứ này thứ khác... Người ta nói người nhà quê thường nhiêu khê nhưng chị thấy trong cái nhiêu khê đó gói gọn cả tình thương, sự lo lắng, chăm sóc của mẹ chồng. Các chị em dâu bên nhà chồng cũng bày vẽ cho chị những kinh nghiệm cần thiết lúc mang bầu và sinh nở. Chị thấy mình quan trọng hẳn lên. Cảm động nhất ngày chị sinh em bé, ba chồng mừng quá chạy xuống viện mà quên mang cả dép. Ông ít nói nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, ông là người sâu sắc và tình cảm nhất trong nhà. Cũng chính ông cuốc bộ hàng cây số hái từng lá bạc hà, lá dong về cho chị xông hơ suốt ba tháng mười ngày.

Chị còn kể chuyện nhà chồng với nhiều cảnh ấm cúng, mọi người lúc nào cũng yêu thương và tôn trọng nhau. Mỗi lần nhà chồng có đám, tối hôm trước ngày giỗ, bà con đều tụ tập về tính chuyện làm mâm cơm cúng ông bà tổ tiên. Mỗi người một việc, đàn ông lo chuyện đàn ông, đàn bà tính chuyện đàn bà. Mẹ chồng, con dâu quây quần bên bếp nấu nướng, làm các món bánh quen thuộc. Chị nói nhờ mẹ chồng mà chị biết gói bánh tét, bánh chưng, bánh nậm, bánh gạo... Nhờ mẹ chồng mà chị nấu ăn ngon hơn, đậm đà hơn. Nhờ mẹ chồng mà chị biết cuốc biết cày, biết chăm con gà, con heo. Nhờ mẹ chồng mà chị học được tính chịu thương chịu khó, học được tính chân chất của người dân quê. Lục lại dòng ký ức, không bao giờ chị quên dáng mẹ chồng gầy guộc, đứng ngay bậc cửa đón chị từ ngoài ngõ cái ngày đầu tiên chị về làm dâu nhà bà.

Giờ đây, chị xem quê chồng gắn bó như máu thịt, thậm chí còn thân thương hơn cả nhà chị ở nơi phố thị. Mười năm làm dâu, chị đã quen với hai mùa mưa nắng của quê hương, quen mùi rơm ủ ngoài sân, quen tiếng gà gáy xao lòng giữa những buổi trưa hè, quen nghĩa xóm tình làng với bao nguồn thương chan chứa. Quen rồi nhớ, mỗi lần đi đâu xa, chị nghe như có tiếng gà gáy đâu đây, tiếng đàn heo kêu eng éc giục về hối hả nên không bao giờ chị ở lâu được. Với chị, miền quê xứ Quảng ấy in sâu trong tiềm thức với nhiều cái nhớ cái thương. Thương quê mùa lũ nước trắng xóa cả ruộng đồng, thương nhà chồng những ngày mưa giột ướt tấm phên, thương những người nhà quê chân lấm tay bùn. Miền quê ấy tuy nghèo nhưng tình người thì bao la khiến chị có lúc ngỡ như mình sinh ra và lớn lên tại mảnh đất này.

Mười năm rồi, mới ngày nào còn e ấp trong chiếc áo dài màu đỏ, ngại ngùng cầm tay bà ngoại tôi bước vào ngõ nhà chồng, giờ chị đã là mẹ của hai đứa con xinh đẹp. Vẫn còn nhớ câu nói của mẹ chồng năm nào “Mẹ coi con như con gái của mẹ vậy”, chị thấy thỏa lòng vì sống trọn vẹn trong tình thương của những con người nhà quê chân chất. “Người ta không giàu tiền nhưng giàu tình cảm”, lời ngoại tôi dặn chị trước lúc về làm dâu nhà quê.

MAI KHÔI

;
.
.
.
.
.