Dịp kỷ niệm 123 năm Sinh nhật Bác (19-5-1890 – 19-5-2013), cuốn sách Người suy nghĩ về tuổi trẻ do NXB Kim Đồng ấn hành đã giành giải B - giải thưởng sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Người suy nghĩ về tuổi trẻ được nhà thơ Phạm Đức ghi lại qua lời kể của đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà thơ Phạm Đức cho biết:
Cuốn sách Người suy nghĩ về tuổi trẻ. |
- Cuốn sách này ra đời vào năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Sinh nhật Bác. Khi ấy, tôi công tác ở NXB Thanh niên và có nhiệm vụ đến gặp đồng chí Vũ Kỳ, người được gần gũi với Bác nhiều nhất để tìm hiểu tâm tư, trăn trở, gửi gắm của Bác với thanh niên, thế hệ trẻ của đất nước.
* Cuốn sách được thai nghén và hoàn thiện trong bao lâu, thưa ông?
- Tôi đến gặp đồng chí Vũ Kỳ vào khoảng mùa thu năm 1989. Tuy nhiên, khi tôi đến và giới thiệu là biên tập viên của NXB Thanh niên, đồng chí Vũ Kỳ còn chưa thực sự tin tưởng khả năng của tôi. Đồng chí yêu cầu tôi phải đưa ra các tác phẩm đã viết, và tôi phải gửi lại một vài cuốn sách đã in của tôi. Sau khi đọc các tác phẩm ấy, đồng chí Vũ Kỳ mới đồng ý chia sẻ với tôi những câu chuyện về Bác. Sau vài lần gặp gỡ, trò chuyện, chúng tôi hiểu nhau như những người bạn vong niên và những câu chuyện được chia sẻ cũng trở nên gần gũi, thân tình hơn dù tuổi đời cách xa nhau. Phải hơn nửa năm sau, đến tháng 3-1990, tôi mới hoàn thiện cuốn sách.
* Trong những chia sẻ của Bác với thanh niên, ông thấy câu chuyện nào là ấn tượng nhất?
- Một trong những câu chuyện mà tôi rất ấn tượng là cách làm việc rất chi tiết, cụ thể của Bác. Đó là câu chuyện về một con cá vây đuôi đỏ. Trong một lần đi công tác dài ngày, khoảng hơn một tháng sau mới về, khi cho cá ăn, Bác không thấy con cá vây đuôi đỏ trong đàn, Bác hỏi: “Chắc các chú ở nhà không cho nó ăn rồi”. Và Bác liên hệ: thanh niên cũng như những con cá vây đỏ này, nếu không được chăm sóc thì thanh niên cũng sẽ xa rời tập thể.
Bác rất tin tưởng thế hệ trẻ, nhưng Bác cũng đặt ra yêu cầu phải chứng tỏ được thế hệ trẻ đáng tin như thế nào. Bác chia sẻ, các chú đừng nên đưa ra một kế hoạch mênh mông quá, sức mình đến đâu thì mình chỉ đặt ra kế hoạch vừa phải như vậy thôi. Qua đó có thể thấy, Bác vô cùng chi tiết, cẩn thận trong từng việc nhỏ.
* Trong những câu chuyện về Bác, ông thấy mình học hỏi được điều gì?
- Có một câu chuyện về cốc nước nóng. Một ông tướng tính khí rất nóng nảy. Khi nói chuyện với vị tướng, Bác đưa một cốc nước nóng, bảo đồng chí ấy uống đi. Tất nhiên, cốc nước nóng thì không thể uống ngay được. Bác bảo, trong công việc cũng như vậy đấy, khi nóng nảy thì không thể giải quyết được. Bác đã lấy một câu chuyện rất cụ thể, giản dị, không đao to búa lớn để chia sẻ, khiến người ta nhận thức ra vấn đề, ấn tượng và nhớ mãi.
* Viết về Bác có rất nhiều tác phẩm, ông có bất ngờ khi cuốn sách giành được giải thưởng không?
- Tôi thực sự bất ngờ. Bởi cuốn sách đã ra đời cách đây 23 năm và cũng được tái bản lại nhiều lần. Tuy nhiên, lần này NXB Kim Đồng xuất bản lại, đúng dịp xét giải nên cuốn sách được hội đồng thẩm định chú ý, có lẽ đó cũng là một cái duyên.
PHÙNG HÀ thực hiện