.
Cafe sáng

Bưu thiếp, bé mà không nhỏ

.

Sáng nay tôi ngồi uống cà-phê, bỗng dưng nghĩ về cái bưu thiếp (postcard). Cũng có lý do, bởi bàn bên cạnh có hai cô gái Hà Lan vừa uống cà-phê vừa viết bưu thiếp gửi bạn bè. Những tấm bưu thiếp in hình Việt Nam, vừa bình yên, vừa… ngộ nghĩnh.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Việc gửi bưu thiếp với người phương Tây đã trở thành thói quen, thành một nét văn hóa lâu đời, mang nhiều thông điệp. Một là người đi du lịch có thể “khoe” được cảnh đẹp nơi mình đến, coi đó như một “bằng chứng” cho chuyến đi của mình. Hai là người đi xa vẫn thể hiện tình cảm với người ở nhà, biểu thị bằng việc luôn nhớ đến, chia sẻ những điều tốt đẹp mình đã trải qua. Còn việc thứ ba, vô tình mà lại hữu ý, đó chính là một hình thức quảng bá du lịch rất tự nhiên và hiệu quả. Chẳng thế mà bây giờ chúng ta mới có cả một kho tư liệu hình ảnh cổ trên bưu thiếp gắn liền với những sinh hoạt văn hóa, phong tục, các địa điểm du lịch nổi tiếng…

Bây giờ, dù máy ảnh kỹ thuật số và mạng Internet quá phổ biến, ta vẫn có thể dễ dàng thấy những người khách nước ngoài dừng lại chọn lựa và gửi bưu thiếp ở Bưu điện Bờ Hồ (Hà Nội), Bưu điện Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh), các chi nhánh Bưu điện Đà Nẵng, phố cổ Hội An (Quảng Nam)… Còn với người Việt Nam nói chung thì dường như chưa có thói quen gửi bưu thiếp cho nhau. Vì vậy, các bưu thiếp in ra chủ yếu phục vụ khách nước ngoài.

Thì cũng chẳng sao, nếu ta biết khai thác bưu thiếp ở khía cạnh thứ 3, tức là sản phẩm của ngành du lịch. Tuy vậy, ở các thành phố lớn của Việt Nam, có dịp ghé qua các hàng bày bán bưu thiếp thấy có gì đó như là… thất vọng. Thất vọng không phải tìm không ra, kiếm không thấy. Mà bởi, các hình ảnh được chọn in bưu thiếp rất đơn điệu, quá thiếu ảnh đẹp, quá thừa những hình ảnh mang tính “ngồ ngộ” về một Việt Nam lam lũ, một đất nước nông nghiệp, cùng những phương tiện vận chuyển thô sơ. Nào thì những chiếc xe ba gác chất chồng những đôi quang gánh của các bà đi chợ chuyến. Nào chiếc xe máy cà tàng chở tới 5 người. Rồi người ngồi trên xe máy cùng mấy bu gà vịt phi như bay trên đường quốc lộ…

Dạo trước, có một hình ảnh “đặc trưng” của Việt Nam đã gây tranh luận trên mạng xã hội ở nước ngoài. Bức ảnh ấy chụp người đàn ông đi xe máy chở nguyên… đàn vịt. Vịt chen chúc, treo ngược trên tay lái, nghển cổ khỏi chiếc lồng sắt ở phía sau, lúc lỉu buộc cổ chân treo ngược ở hai bên sườn. Chiếc xe đang lao vun vút trên đường cái quan. Có ý kiến bảo rằng, Việt Nam ngược đãi vịt, vi phạm quyền của… con vịt. Hàng ngàn lượt chia sẻ, hàng ngàn ý kiến tranh luận. Dù có những góc nhìn khác nhau về cùng một hiện tượng, nhưng đó có phải là hình ảnh mà Việt Nam muốn quảng bá với du khách nước ngoài? Tôi nghĩ, đa số sẽ trả lời là “không”.

Riêng về hình ảnh Hà Nội trên bưu thiếp thì thật đáng ngại. Rất nhiều bưu thiếp với hình ảnh cũ, nhòe nhoẹt được in từ hồi những năm 90 của thế kỷ trước vẫn còn được “tái bản” bày bán trên phố Tràng Tiền. Muốn tìm kiếm, lựa chọn một bức ảnh đẹp trên bưu thiếp về Hồ Gươm, Hồ Tây, Lăng Bác, Nhà hát lớn, cầu Thê Húc… thật sự không dễ.

Một tấm bưu thiếp bé xíu nhưng có ý nghĩa quảng bá cho đất nước, con người Việt Nam, nên mang trong mình “sứ mệnh” không hề nhỏ. Ở góc độ du lịch, bưu thiếp là hình thức tự lan truyền, âm thầm nhưng mạnh mẽ không kém bất kỳ chiến dịch và lời lẽ hoa mỹ nào, nhưng lại chưa được chú ý, đầu tư kỹ lưỡng. Có vẻ như các cơ quan chức năng chưa quan tâm? Các nhà sản xuất ngại phải bỏ tiền để mua bản quyền những tấm ảnh đẹp của các nhiếp ảnh gia nổi tiếng, ngại đầu tư những sản phảm độc đáo nên đa phần bưu thiếp chỉ là sản phẩm bình dân, nếu như không muốn nói là... hàng chợ?

NGUYÊN THANH

;
.
.
.
.
.