“Tuyển tập 175 bài thơ về độc lập và tự do của Việt Nam để an ủi hương hồn những người mất vì chiến tranh” là tập sách được in bằng 3 ngôn ngữ: Việt Nam - Nhật Bản - Anh, trong đó bao gồm tác phẩm của 105 nhà thơ Việt Nam và 70 nhà thơ Nhật Bản. Sách do NXB Coal Sack (Nhật Bản) phát hành tại Nhật ngày 10-8-2013, giá bìa 2.500 Yen. Toàn bộ số tiền bán sách sẽ được dùng để giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Tuyển tập 175 bài thơ về độc lập và tự do của Việt Nam để an ủi hương hồn những người mất vì chiến tranh. |
Trước đó, sáng 3-8, tại buổi gặp mặt giao lưu giữa các thành viên Hội đồng Hòa bình và hữu nghị Nhật - Việt tỉnh Saitama (JVPF) với các nhà văn Quảng Nam, Đà Nẵng tại thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), nhà thơ, nhà phê bình văn học Hisao Suzuki (Giám đốc NXB Coal Sack, thành viên danh dự của Hiệp hội Nhà văn và Nghệ sĩ quốc tế - IWA) đã giới thiệu về tập sách nói trên. Ông cho biết: “Sự hợp tác của các bạn Việt Nam và Mỹ đã đưa cuốn sách ra với thế giới một cách nhanh chóng. Để thực hiện tuyển tập thơ bằng 3 thứ tiếng Việt Nam - Nhật Bản - Anh trong thời gian chưa đầy một năm là sự cố gắng rất lớn của tất cả mọi người. Cuốn sách hoàn thành cùng với niềm vui lớn của tôi và các nhà văn Nhật Bản, vì nội dung trong đó thể hiện rõ hai điều: khát vọng hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam và nỗi buồn chiến tranh của nhân dân”.
Ông Hisao Suzuki cũng nêu rõ, xuất bản cuốn sách này, những người thực hiện muốn gửi tới độc giả thế giới một ấn phẩm đặc biệt về chiến tranh, ở đó không chỉ thể hiện được khí phách, tinh thần chiến đấu, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, mà còn có cả những trăn trở, những nỗi buồn, sự tiếc nuối trong và sau mỗi cuộc kháng chiến. Qua đó, độc giả thế giới sẽ có dịp hình dung rõ nét hơn về lịch sử, văn hóa, tâm hồn Việt Nam thông qua ngôn ngữ thi ca. Hơn nữa, lâu nay, tác phẩm Việt Nam được chuyển ngữ sang tiếng nước ngoài phần nhiều là văn xuôi, chứ ít tác phẩm thơ.
Trước khi hình thành bản thảo, vào tháng 8-2012, khi làm việc với đại diện lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội, ông Hisao Suzuki đã trao đổi về ý tưởng xuất bản cuốn sách bằng 3 ngôn ngữ: Việt Nam, Nhật Bản và tiếng Anh, qua việc tuyển chọn 100 bài thơ của các tác giả Việt Nam từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đến hết chiến tranh chống Mỹ và thời hậu chiến, bên cạnh đó sẽ có 50 bài thơ của các tác giả Nhật Bản viết về chiến tranh Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử. Tác giả có tác phẩm được tuyển chọn là những người trực tiếp trải nghiệm qua những cuộc chiến và những người quan sát, cảm nhận về cuộc chiến một cách gián tiếp.
Ngay phần đầu cuốn sách, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình viết: “Năm tôi ký kết “Hiệp định Paris” 1973 đó cũng chính là năm Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao. Việc phát hành “Tuyển tập 175 bài thơ về độc lập và tự do của Việt Nam để an ủi hương hồn những người mất vì chiến tranh” do 105 nhà thơ của Việt Nam và 70 nhà thơ Nhật Bản sáng tác để chào mừng kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản và cũng để ủng hộ những nạn nhân chất độc da cam là một việc làm hết sức có ý nghĩa… Tôi hy vọng tập thơ này không chỉ được bạn đọc Việt Nam, bạn đọc Nhật Bản mà còn cả các bạn đọc trên toàn thế giới yêu thích”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đánh giá: “Cuốn “Tuyển tập 175 bài thơ về độc lập và tự do của Việt Nam để an ủi hương hồn những người mất vì chiến tranh” là một “điều kỳ diệu”, bởi chỉ có thể có được điều kỳ diệu khi một giấc mơ được thực hiện. Đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình giao lưu văn hóa và gắn bó tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc. Ở Việt Nam, chúng tôi đã được đọc rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thật của Nhật, thậm chí có thể nói chúng tôi đã “nhập siêu” văn hóa Nhật Bản; và với cuốn sách này, chúng tôi bắt đầu nghĩ đến việc “xuất siêu” văn hóa Việt Nam sang đất nước các bạn. Vì vậy, chọn bước đi ban đầu là thi ca đã mang ý nghĩa rất quan trọng. Việc các nhà thơ Việt Nam, Nhật Bản và Mỹ chung tay thực hiện tuyển tập này là dấu mốc quan trọng trong quá trình giao lưu văn hóa và gắn bó tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc. Chọn thi ca làm bước đi ban đầu để quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới mang ý nghĩa rất quan trọng”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh: “Việt Nam có những vị vua là nhà thơ lớn, đồng thời cũng là nhà lãnh tụ vĩ đại của dân tộc như Trần Nhân Tông, Hồ Chí Minh hay những chí sĩ yêu nước như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, và có rất nhiều chiến sĩ - thi sĩ vừa cầm súng vừa cầm bút ngay trong chiến trường suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ…”.
Thử thách được đặt ra khi chuyển ngữ các bài thơ ngắn viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, chỉ với bốn câu nhưng nội dung chứa đựng rất nhiều điều trong đó. Những bài thơ ngắn thì không thể… dịch dài. Tôi đặc biệt yêu thích những bài thơ này. Cũng có cả những bài không trực tiếp viết về chiến tranh mà viết về sự sống, sự hồi sinh khiến tôi rất xúc động. Chuyển ngữ thành công hơn 100 bài thơ trong thời gian ngắn như vậy là một công việc vất vả nhưng vô cùng thú vị. Thật may mắn khi tôi có cơ hội làm việc chung với những nhà thơ yêu hòa bình, độc lập và tự do như thế. Nhà thơ Mỹ Bruce Weigl (người đảm nhận phần việc chuyển ngữ 105 bài thơ tiếng Việt sang tiếng Anh) |
PHƯƠNG MAI