Xem - Nghe - Đọc

Cafe sáng

Về phố Hàng Trống tìm tranh

13:49, 05/05/2014 (GMT+7)

Ở Hà Nội, có một dạo ngày nào tôi cũng đi qua phố Hàng Trống một lần. Con phố chỉ dài chừng 400m, một đầu giáp Hàng Gai, đầu còn lại liền kề phố Lê Thái Tổ. Từ mạn Hàng Gai xuôi xuống chừng vài phút đã thấy gió từ Hồ Gươm ùa tới, mát lịm. Tôi thường dừng lại ở mấy sạp báo ven phố Hàng Trống.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Có thể nói, đây là địa điểm bán lẻ báo chí lớn nhất nhì của trung tâm Hà Nội. Đến đây có thể tìm thấy bất cứ tờ báo nào, trong Nam, ngoài Bắc. Mua tờ báo ở phố Hàng Trống có lẽ thú vị hơn bất cứ nơi nào, vì vỉa hè khá rộng, con phố không quá đông quá chen, có thể để xe mấy phút ngay dưới lề đường, hoặc mua xong có thể ngồi trên xe, đứng đọc nhanh tờ báo buổi sáng mà cảm thấy nhịp đời đang cuộn trôi cũng trở nên thong thả hơn. Nếu sáng đó rảnh, có thể ngồi uống cà-phê hay trà quán vỉa hè. Ở Hàng Trống có đủ quán hàng nhỏ xinh. Muốn hẹn bạn hay đãi khách buổi sáng, đều có cả.

Nhưng mỗi lần đi qua Hàng Trống, tôi thường nhớ và nghĩ tới dòng tranh Hàng Trống nổi tiếng. Bức tranh Hàng Trống đầu tiên tôi biết là bức con Công. Hồi tôi còn nhỏ, đã thấy bố treo ở nhà bức tranh con Công ấy. Con Công kiêu hãnh, duyên dáng vươn mình trong lùm hoa xuân lộc chồi xanh mơn mởn, bên trên có hai con chim nhỏ đang đậu. Trong lúc đời sống làng mạc còn nhiều cam khó, nhà nào có bức tranh Công là “oách” lắm. Tôi cũng thấy tự hào về bức tranh này treo trong nhà. Vậy mà, có một lần nghịch, tôi xô vào, bức tranh con Công rách toạc. Bố không mắng, chỉ rất buồn. Ông cắt mấy mảnh giấy pơ-luya trắng rồi lấy hồ dán lại, từ mặt sau. Lớn hơn, tôi biết dòng tranh Hàng Trống nổi tiếng xưa còn có thêm nhiều bức khác, cũng đẹp và rất được người dân hồi đó ưa chuộng, như bộ Tố nữ, Xuân - Hạ - Thu - Đông, tranh Hổ, Tứ phủ công đồng...

Dăm năm trước, khi nhớ lại không gian sống ấu thơ với tranh con Công, tôi đã tìm khắp phố Hàng Trống để hỏi mua tranh. Hỏi mấy chị bán báo quen cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. Hỏi mấy quầy chuyên bán cho du khách nước ngoài cũng không ai hay. Dọc một đoạn dài trên phố Hàng Trống, chỉ thấy các cửa hiệu sao chép, vẽ nhái tranh sơn dầu để bán. Đến bây giờ vẫn thế, con phố một thời nổi danh bởi dòng tranh dân gian độc đáo đất Kinh kỳ cũng vẫn bày la liệt tranh chép sặc sỡ sắc màu, đủ các kích cỡ. Vì thế, đi qua Hàng Trống, ai nhớ ai biết một chút đều thấy thương, thấy buồn cho một dòng tranh.

Rồi tôi cũng gặp may, khi ngồi uống trà quán vỉa hè, một cụ già mách địa chỉ của gia đình nghệ nhân duy nhất còn sót lại của tranh Hàng Trống. Đó là ông Lê Đình Nghiên, giờ ở phố Cửa Đông. Ngôi nhà nhỏ, chật, tối với một nghệ nhân chưa già nhưng đã yếu, nhiều khi muốn vẽ cũng không đủ sức nữa. Ông Nghiên ít nói về mình, chỉ bảo, đã truyền nghề cho con trai là Lê Hoàn. Nhưng tuổi còn trẻ, Hoàn còn ham chơi lắm, chưa chí thú với nghề dù mỗi bức tranh Hàng Trống bây giờ cũng tầm năm, bảy trăm ngàn.

Tôi mua mấy bức tranh Công, tranh Cá mang về, mừng vì như tìm lại tuổi thơ của mình, như vẫn thấy bóng cha tôi lụi hụi dán lại bức tranh Công tôi làm rách.

Vậy là tranh Hàng Trống còn đó, dù phải trôi dạt đi ra ngoài con phố Hàng Trống nổi tiếng và quen thuộc. Mỗi lần ngược xuôi trên con phố nhỏ ấy, tôi mong ước một ngày dòng tranh dân gian xưa sẽ được trở về với con phố này. Không dám mơ đến viễn cảnh dòng tranh dân gian xưa được làm sống dậy không khí tấp nập mua bán, chỉ mong sao ở một góc nào đó có một cửa hàng bày đủ các bức tranh Hàng Trống, có thêm người nghệ nhân già đang gò lưng tô màu. Hẳn đó là cách tôn vinh những giá trị truyền thống để đánh thức những giác quan tưởng như đã ngủ yên đâu đó trong lòng người Hà Nội. Đó cũng là cách ghim cài vào tâm trí những đứa trẻ lớn lên trong thế kỷ này về một dòng tranh quý của đất Thăng Long, cần được gìn giữ, bảo tồn chính trong đời sống chứ không phải trong viện bảo tàng.

HOÀNG THU PHỐ

.