Cuộc sống số
Những công nghệ sẽ bùng nổ trong năm tới
Năm 2014 chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa đã khép lại và bây giờ là thời gian để cùng dự đoán những xu hướng công nghệ sẽ bùng nổ trong năm tới.
Các chuyên gia công nghệ từ hãng nghiên cứu thị trường Gartner, Hiệp hội máy tính IEEE, MIT…đã đưa ra những xu hướng công nghệ “siêu nóng” sẽ bùng nổ mạnh mẽ trong năm 2015. Đó là công nghệ gì?
In ấn 3D
Những đột phá trong in ấn 3D sẽ bùng nổ trong năm 2015, tạo ra sự hấp dẫn sản xuất với gần như mọi doanh nghiệp. Theo MIT, đó là công nghệ được biết đến như “in 3D cỡ nhỏ”. Trong đó, mực in của các loại vật liệu khác nhau có thể được nạp vào các máy in 3D, cho phép chúng in một phạm vi rộng lớn các đối tượng.
Thiết bị đeo tại các công sở
Vào năm 2015, thiết bị đeo sẽ bắt đầu thâm nhập vào môi trường công sở. Những chiếc đồng hồ đeo tay thông minh sẽ giúp các nhân viên kết nối liên lạc mà không cần nhìn vào điện thoại của họ. Các thiết bị theo dõi sức khỏe đeo tay sẽ khuyến khích các nhân viên tham gia vào chương trình sức khỏe theo nhóm.
Các công ty cũng sẽ bắt đầu thử nghiệm với kính thông minh kèm theo các ứng dụng tùy chỉnh như hướng dẫn sửa chữa, hội nghị truyền hình, video đào tạo…
Các thiết bị siêu cá nhân
Bảo mật máy tính đang bước vào một giai đoạn mới. Mật khẩu sẽ không bị loại bỏ vào năm 2015 nhưng các thiết bị của người dùng trở nên bảo mật và riêng tư hơn. Ngày càng nhiều thiết bị, gồm cả smartphone sẽ tích hợp bộ cảm biến quét vân tay.
Chẳng hạn như công ty Nok Nok cung cấp công nghệ có thể biến màn hình cảm ứng và bàn di chuột cảm ứng thành bộ cảm biến dấu vân tay.
Tuy các tin tặc không từ bỏ thủ đoạn bẻ khóa mã hóa bằng dấu vân tay nhưng phần mềm công việc của bạn sẽ được bao bọc trong các lớp bảo mật. Vì vậy, khi tin tặc đột nhập vào một ứng dụng, các ứng dụng khác sẽ biết và tự bảo vệ. Tin tặc sẽ chỉ xâm nhập được thông tin hạn chế và không có được dữ liệu lưu trên các ứng dụng khác. “Mỗi ứng dụng cần phải tự ý thức và tự bảo vệ”, Gartner cho biết.
Các trung tâm dữ liệu điều khiển bằng phần mềm
Ngày nay, nếu một công ty muốn thực hiện nhiều thay đổi cho các thiết bị lưu trữ hoặc chuyển mạch mạng sau khi đã cài đặt, thì quả là nhiệm vụ phức tạp. Xu hướng mới bổ sung thêm một lớp phần mềm ở trên cùng để kiểm soát mọi thứ. Nhờ đó, việc thay đổi hay chuyển dịch trong mạng sẽ dễ dàng hơn. “Các mạng và kho lưu trữ được điều khiển bằng phần mềm sẽ cung cấp sự linh hoạt cần thiết để thực hiện công việc kinh doanh trong lĩnh vực kỹ thuật số”, Gartner cho biết.
Nhận diện di động
Giám đốc điều hành Microsoft - Satya Nadella đã đưa ra định nghĩa mới về “tính di động”. Đó không còn là nghĩa dùng cho máy tính bảng hay smartphone khi người dùng mang theo bên mình. Điều đó có nghĩa rằng, danh tính của bạn trong “đám mây” và di chuyển theo bạn từ thiết bị này tới thiết bị khác, từ mạng này tới mạng khác.
Microsoft là một trong nhiều công ty đang làm theo ý tưởng này. Họ sẽ tạo ra một thế hệ mới của các ứng dụng công việc. Các ứng dụng này không chỉ theo dõi vị trí của bạn mà còn cho phép các đồng nghiệp cộng tác với bạn. Gartner gọi đó là các ứng dụng “nhận biết theo ngữ cảnh”.
Dữ liệu thông minh
Mọi người đều có rất nhiều dữ liệu, đôi khi được gọi là dữ liệu lớn. Trong năm 2015, việc thu thập và lưu trữ dữ liệu sẽ thông minh hơn. Cụ thể, phân tích dữ liệu sẽ được chú trọng và tăng cường hơn. Mọi ứng dụng đều có khả năng phân tích.
Những cỗ máy thông minh
Ngành công nghiệp hiện nay đang tranh cãi về những gì gọi là thế hệ tiếp theo của thiết bị kết nối Internet là “internet of things”, “internet of everything” hay “web of things”.
Nhưng đó không phải tất cả về Internet. Đó là về các bộ cảm biến và các con chip cho các đối tượng thường ngày và đột nhiên trở nên thông minh. Đó cũng là về việc cung cấp khả năng hiểu biết cho các ứng dụng mà chúng ta sử dụng để làm chúng thông minh hơn.
Chẳng hạn, các ứng dụng công việc của bạn sẽ học phong cách làm việc của bạn để chỉ cho bạn những dữ liệu bạn cần nhìn thấy tại thời điểm bạn cần thấy chúng.
Một đối tượng thông minh hơn tận dụng lợi thế khả năng của thiết bị di động và các bộ cảm biến để quan sát và giám sát các môi trường của chúng, tăng sự phối hợp giữa những thứ trong thế giới thực và các tối tác của chúng trên web.
Điện toán đám mây
Trong vài năm qua, các doanh nghiệp đã dần dần thay đổi từ việc mua phần mềm và phần cứng, họ muốn thuê ngoài, chỉ trả tiền cho những gì thực sự sử dụng. Đó chính là điện toán đám mây.
Vào cuối năm 2014, xu hướng này đã chuyển từ “dòng nước nhỏ” thành “dòng suối”. Năm 2015 chúng sẽ thực sự trở thành một “thác nước”.
IDC dự đoán rằng, trong năm 2014, các công ty sẽ phải chi 56,6 tỷ USD cho “đám mây”, và thị trường “đám mây” đang tăng trưởng 22%/1 năm, nhanh gấp 6 lần so với sự tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp IT. Dự đoán vào năm 2018, các công ty sẽ tốn 127 tỷ USD cho “đám mây”.
Báo Bưu Điện Việt Nam