CNTT

An ninh mạng bị bỏ trống

Kỳ cuối: "Đứa con rơi" của ngành CNTT

07:56, 22/01/2016 (GMT+7)

Do thị trường bảo mật ở Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung quá nhỏ, nhận thức về an toàn thông tin (ATTT) của doanh nghiệp (DN) và tổ chức còn hạn chế nên nhiều kỹ sư an ninh mạng ra trường rất khó xin được việc làm. Trong khi đó, các trường đại học trên địa bàn thành phố gặp không ít khó khăn khi mở chuyên ngành đào tạo về an ninh mạng.

Sinh viên ngành an ninh mạng khó có “đất dụng võ” ở thị trường Đà Nẵng.
Sinh viên ngành an ninh mạng khó có “đất dụng võ” ở thị trường Đà Nẵng.

Không có “đất dụng võ”

Là 1 trong 2 đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự cuộc thi Cyber Sea Game 2015 được tổ chức tại Indonesia hồi tháng 11-2015, đội Việt Nam 2 của Trường Đại học Duy Tân được rất nhiều chuyên gia đánh giá cao về kỹ năng khai thác lỗi trang thông tin điện tử và tấn công mạng.

Đây là cuộc thi dành cho các đối tượng CNTT trẻ khu vực ASEAN với những phần thi khó vì chỉ trong thời gian ngắn phải giải nhiều tình huống tấn công mạng do Ban tổ chức đưa ra.

Ba chàng trai của Trường Đại học Duy Tân gồm Võ Viết Tùng, Nguyễn Tấn Phát và Trần Như Minh đã vượt qua nhiều đối thủ mạnh về CNTT ở khu vực, giành vị trí thứ 6 chung cuộc. Trở về như những “người hùng”, các chàng trai được nhiều chuyên gia trong ngành dự báo sẽ là những “chiến binh” ATTT bảo vệ chủ quyền số của quốc gia.

Thế nhưng, sau cuộc thi thì thành tích của các “chiến binh” dường như bị “lãng quên” vì hiện vẫn chưa có DN hay tổ chức tuyển dụng về làm việc. “Các bạn học ngành phần mềm năm cuối đã có DN đến tuyển dụng, ra trường có trên 90% xin được việc làm, nhưng ngành an ninh mạng như tụi em ra trường không dễ xin việc.

Học ngành an ninh mạng rất khó, đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn sâu và niềm đam mê nhưng ngành này giống như “đứa con rơi”, ít được DN và tổ chức quan tâm”, Võ Viết Tùng, sinh viên năm cuối ngành Kỹ thuật mạng, Khoa CNTT, Trường Đại học Duy Tân chia sẻ.

Có 3 năm tham gia cuộc thi “Sinh viên với an toàn thông tin” được tổ chức trên toàn quốc và giành nhiều giải thưởng cao, bạn Trần Như Minh dù đã tốt nghiệp nhưng tìm việc làm phù hợp ở DN hay cơ quan Nhà nước là cả một hành trình dài. “Hiện em được Trường Đại học Duy Tân giữ lại trường để làm trợ giảng cho các thầy nhưng mức lương vẫn chưa xứng đáng. Em muốn xin vào làm cơ quan Nhà nước hay DN để phát huy năng lực của mình nhưng nộp đơn ở đâu, em cũng không biết”, Như Minh trải lòng.

Hiện trên địa bàn thành phố chỉ có Trường Đại học Duy Tân mở lớp đào tạo về ATTT với 2 chuyên ngành gồm Kỹ thuật mạng (Khoa CNTT) và An ninh mạng (Khoa Đào tạo quốc tế) với khoảng 80 sinh viên mỗi khóa.

Thế nhưng, theo chia sẻ từ phía nhà trường, 3 khóa sinh viên tốt nghiệp ra trường thì chỉ có khoảng 10% làm đúng chuyên ngành an ninh mạng, còn lại làm quản trị mạng cho các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ mát.

“Dù Trường Đại học Duy Tân đã mở lớp về an ninh mạng từ năm 2009 nhưng vì đây là chuyên ngành hẹp nên đầu ra cho ngành này vẫn là bài toán khó. Hầu hết các em ra trường đều làm quản trị mạng, tuy không phải là trái nghề nhưng môi trường làm việc chưa thực sự hấp dẫn. Những sinh viên làm đúng chuyên ngành an ninh mạng phải tìm việc làm ở Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh, còn thị trường Đà Nẵng ít có nhu cầu cho vị trí này”, thầy Nguyễn Kim Tuấn, giảng viên Khoa CNTT, Trường Đại học Duy Tân chia sẻ.

Theo chia sẻ của một số DN trên địa bàn thành phố, hầu hết các DN tuyển nhân viên CNTT chỉ cần đáp ứng những kỹ năng cơ bản như sửa máy hay cài phần mềm, hiếm khi có vị trí chuyên về bảo mật. “Chỉ có các DN tài chính, những tập đoàn lớn hay DN CNTT mới có chuyên gia bảo mật thông tin, còn hầu hết những DN vừa và nhỏ đều không quan tâm đến vị trí này. Thậm chí có những DN CNTT tuyển dụng nhân viên chuyên ngành phần mềm làm “tay ngang” cho vị trí an ninh mạng, rồi họ tự mày mò, trau dồi thêm kiến thức”, ông Trần Mạnh Huy, Tổng Giám đốc Công ty V.B.P.O Đà Nẵng cho biết.

Theo ông Huy, Đà Nẵng vẫn chưa là “miền đất hứa” cho các kỹ sư an ninh mạng lập nghiệp vì hầu hết những công ty lớn, các DN tài chính đều tập trung ở những thành phố lớn 2 đầu đất nước.

Khó mở “cánh cửa” cho ngành hẹp

Theo các nhà quản lý giáo dục, đào tạo các kỹ sư an ninh mạng khó khăn hơn nhiều so với ngành phần mềm vì đây là chuyên ngành hẹp đòi hỏi phải có đội ngũ giảng viên có trình độ và trang thiết bị hiện đại phục vụ giảng dạy.

Nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố chỉ mới đưa vào chương trình đào tạo ngành CNTT một học phần kỹ nghệ bảo mật thuộc lĩnh vực này. Theo Th.S Trương Tiến Vũ, Trưởng khoa CNTT, Trường Đại học Duy Tân, an ninh mạng là một trong những ngành học mũi nhọn mà nhà trường tập trung đào tạo với hệ thống trang thiết bị hiện đại, đội ngũ giảng viên có nhiều kinh nghiệm.

Đồng thời nhà trường cũng đã hợp tác với Đại học Carnegie Mellon (CMU) - một trong bốn đại học hàng đầu của Hoa Kỳ về CNTT - nhằm chuyển giao chương trình đào tạo tiên tiến cho sinh viên trong khoa. “Có những mùa tuyển sinh, nhiều em ban đầu đăng ký học an ninh mạng nhưng sau đó lại chuyển sang học ngành phần mềm vì sợ không tìm được việc làm.

Vì vậy, nhà trường đào tạo ngành an ninh mạng chủ yếu theo định hướng của thành phố và Chính phủ chứ không phải đào tạo theo nhu cầu của thị trường. Dù Đà Nẵng có hạ tầng CNTT tốt, có định hướng về chiến lược và tầm nhìn an ninh mạng lâu dài, nhưng vấn đề bảo mật thì chỉ tập trung ở Sở Thông tin - Truyền thông và chính quyền thành phố, còn DN và một số sở, ngành, quận, huyện thì nhu cầu làm bảo mật chưa lớn”, thầy Vũ trăn trở.

Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020” ban hành theo Quyết định số 99/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14-1-2014 có nêu rõ 7 cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn và an ninh thông tin, trong đó có Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng).

Tuy nhiên, đã 2 năm trôi qua, việc thực hiện đề án này vẫn còn bỏ ngỏ. “Phía nhà trường nghiên cứu đề tài “Xây dựng dự án đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo và nghiên cứu về an toàn, an ninh thông tin” với nguồn kinh phí dự kiến là 38,9 tỷ, thời gian triển khai trong 5 năm (từ 2015 đến 2020). Chúng tôi cũng đã trình đề tài này cho Bộ Giáo dục-Đào tạo, Bộ Thông tin-Truyền thông để xin kinh phí nhưng vẫn chưa thấy câu trả lời”, PGS.TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa CNTT, Trường Đại học Bách khoa cho hay.

Theo TS Bình, khó khăn lớn nhất khi mở chuyên ngành an ninh mạng là vấn đề nguồn kinh phí đào tạo, tìm kiếm đội ngũ giảng dạy, đầu tư trang thiết bị và nhu cầu của người học. “Theo dự án thì khoa sẽ mở chuyên ngành đào tạo an toàn, an ninh thông tin trong năm 2015 nhưng do chưa chuẩn bị những điều kiện cần thiết nên chưa mở lớp được.

Dự kiến mùa tuyển sinh năm 2016, khoa sẽ mở lớp đào tạo về an ninh mạng nhưng hiện vẫn còn nhiều việc nhà trường phải làm như xây dựng phòng thực hành, mời chuyên gia đào tạo...”, TS Bình nói. Mùa tuyển sinh 2016 đã cận kề nhưng xem ra việc mở lớp đào tạo ngành an ninh mạng ở Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng vẫn còn nhiều chông chênh?!

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

.