Thể thao

Quần vợt Đà Nẵng: Vui hiện tại, lo tương lai

07:51, 07/01/2015 (GMT+7)

Trước Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010), chưa bao giờ quần vợt Đà Nẵng được đánh giá cao bởi các đơn vị, địa phương khác như thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Cà Mau, quân đội… chi phối hoàn toàn làng banh nỉ.

Chuẩn bị cho Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6, tay vợt Đài Trang được tuyển mộ về khoác áo Đà Nẵng và đã tạo được hiệu ứng khả quan. Mới đây, tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 (2014), quần vợt Đà Nẵng tiếp tục tạo ấn tượng mạnh khi giành vị trí thứ nhì toàn đoàn, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh, với 3 HCB, 3 HCĐ.

Với sự đầu tư đúng hướng, quần vợt Đà Nẵng đã xuất hiện những tay vợt đẳng cấp như Phan Thị Thanh Bình (bìa trái) và đang trở thành một trong những trung tâm mạnh của Quần vợt Việt Nam. 					                             Ảnh: SONG NGHI
Với sự đầu tư đúng hướng, quần vợt Đà Nẵng đã xuất hiện những tay vợt đẳng cấp như Phan Thị Thanh Bình (bìa trái) và đang trở thành một trong những trung tâm mạnh của Quần vợt Việt Nam. Ảnh: SONG NGHI

Dù không giành được HCV nào nhưng sự trưởng thành của những Phan Thị Thanh Bình, Đỗ Đan Thy hay Phạm Minh Tuấn, Văn Hữu Nguyên Vũ, Lê Khắc Tùng Lâm, Võ Văn Toàn đã cho thấy sự phát triển đáng kể của quần vợt Đà Nẵng. Kết quả hôm nay bắt nguồn từ sự đầu tư từ rất lâu với sự phối hợp của ngành TDTT và Liên đoàn Quần vợt thành phố (DTF).

Trước kia, Trung tâm Huấn luyện - đào tạo vận động viên (VĐV - Sở VH-TT&DL) không có bộ môn quần vợt. Nhưng sau khi xác định cần chuyên nghiệp hóa bộ môn, DTF và Sở VH-TT&DL cùng đề xuất lãnh đạo thành phố cho các tay vợt được Trung tâm Huấn luyện - đào tạo VĐV tiếp nhận. Qua đó, những VĐV xuất sắc được hưởng các chế độ của VĐV chuyên nghiệp, cùng với sự hỗ trợ vật chất của DTF như giày, vợt, áo quần thi đấu cũng như một phần kinh phí khi các VĐV tham gia thi đấu giải.

Ngoài ra, DTF còn trao giải thưởng cho các tay vợt giành thành tích xuất sắc ở các giải đấu. Ngay trước thềm Đại hội TDTT lần thứ 7 (2014), ngành TDTT và DTF đã đề xuất và được thành phố đồng ý cho đội tuyển sang Thái Lan tập huấn hơn một tháng. Khi trở lại, các tay vợt Đà Nẵng đã có sự tiến bộ rõ nét về cả chuyên môn lẫn tâm lý thi đấu và gặt hái được thành quả rất đáng khích lệ. Đáng tự hào hơn khi toàn bộ VĐV của đội tuyển quần vợt Đà Nẵng hiện đều là những tay vợt người Đà Nẵng.

Vui với những thành quả đã có nhưng vẫn thoáng hiện những nỗi lo, khi nhìn về tương lai. “Khó khăn lớn nhất của quần vợt Đà Nẵng khi đội tuyển chưa có một HLV có trình độ cao. Đồng thời, đội tuyển vẫn chưa xây dựng được lực lượng kế cận”, Tổng Thư ký DTF Nguyễn Đình Hòa cho biết.

Được biết, trước đây, Phan Thị Thanh Bình, Đỗ Đan Thy hay Phạm Minh Tuấn… đều từng thi đấu ở các giải trẻ trong hệ thống thi đấu giải quốc gia (U-10, U-14…). Thông qua thực tiễn thi đấu, các tay vợt dần trưởng thành và phát triển chuyên môn khá vững chắc.

Thế nhưng, trong những năm gần đây, ngành TDTT không còn đảm trách việc tổ chức các giải quần vợt mà giao cho DTF. Tuy nhiên, với vai trò của mình, DTF chỉ tổ chức các giải đấu phong trào hoặc bán chuyên nghiệp và không tổ chức các giải trẻ. Hơn nữa, việc các bậc phụ huynh không đầu tư cho con em luyện tập quần vợt dẫn đến nguồn tuyển sinh bị hạn chế rất lớn.

Để quần vợt Đà Nẵng không bị mai một trong tương lai, ngoài việc bộ môn và DTF tiếp tục tìm kiếm những tài năng trẻ từ các địa phương khác, quần vợt Đà Nẵng cần tổ chức các giải trẻ nhằm xây dựng đội ngũ kế thừa. Nếu không, sẽ là một sự lãng phí lớn khi quần vợt Đà Nẵng đã có được nền tảng vững chắc để trở thành một trong những trung tâm mạnh của làng banh nỉ Việt Nam.

BẢO AN

.