Giữ ngọn lửa đam mê thể thao

.

Có lẽ dù viết gì, viết theo phong cách nào thì những nhà báo thể thao luôn có cùng một nhiệm vụ là giữ được ngọn lửa đam mê thể thao cho người hâm mộ, thông qua những bài viết với góc nhìn của riêng mình. Họ phải đưa ra những thông tin chính xác với một phong cách hấp dẫn và sáng tạo. Điều này, chắc chắn không dễ dàng...

Đội ngũ nhà báo thể thao phải chấp nhận những khó khăn, vất vả để mang đến cho độc giả những sản phẩm tốt nhất có thể.  Ảnh: ANH VŨ
Đội ngũ nhà báo thể thao phải chấp nhận những khó khăn, vất vả để mang đến cho độc giả những sản phẩm tốt nhất có thể. Ảnh: ANH VŨ

Khó khăn lớn nhất với đội ngũ nhà báo thể thao nói chung, cũng như các đồng nghiệp ở những lĩnh vực khác là không được đào tạo chuyên ngành, chỉ để viết, để chụp ảnh thể thao. Một đặc thù khác của nhà báo thể thao còn ở sự am hiểu về nhiều môn thi đấu, không chỉ đơn thuần là bóng đá. Vì thế, để “trưởng thành” trong nghề, đòi hỏi mỗi người phải học thường xuyên, học từng ngày ở những chuyên gia, đội ngũ HLV, lực lượng trọng tài các môn để có thể tiếp cận tốt nhất những thay đổi về luật thi đấu, về kỹ thuật, chiến thuật của từng môn. Theo nhà báo thể thao nổi tiếng Trương Anh Ngọc, một số cây bút và nhất là những nhà báo trẻ “không hoặc chưa có sự từng trải, thiếu phong cách, thiếu một cái “Tôi” mạnh mẽ và đặc biệt quan trọng, thiếu kỹ năng sống”. Cho nên, để có một sản phẩm không khó nhưng để có một bài viết, một bức ảnh tạo được dấu ấn trong lòng bạn đọc, người nghe, người xem, lại là vấn đề đối với những nhà báo thể thao.

 

So với những đồng nghiệp ở các báo chuyên ngành hay những tờ báo có số lượng phát hành lớn với sự góp mặt của những cây bút nổi tiếng như Hồ Nguyễn, Chánh Trinh, Tường Vy…, các phóng viên thường trú hay những nhà báo địa phương hiếm hoi có cơ hội học hỏi cũng như phải đảm trách một khối lượng công việc không nhỏ. Ở những tờ báo lớn có hẳn Ban Thể thao với sự phân công cụ thể hai mảng trong nước và quốc tế hoặc những tờ báo chuyên ngành thể thao phân công phóng viên - đa phần, tốt nghiệp các chuyên ngành Đại học thể dục thể thao - chỉ theo dõi một số bộ môn. Ngược lại, các phóng viên thường trú hay những nhà báo địa phương phải ôm đồm mọi giải đấu, mọi bộ môn và không có nhiều cơ hội để tiếp xúc, học hỏi ở những cây bút lớp trước. Vì thế, nếu không nỗ lực trong cả công việc lẫn học hỏi, sự cùn mòn là tất yếu.

Có thể, tôi có may mắn hơn nhiều đồng nghiệp bởi trong hơn 30 năm theo nghề và cũng xấp xỉ chừng ấy năm theo dõi lĩnh vực thể thao, dù trước đó có thời được phân công cả mảng nội chính, giáo dục, kinh tế thương mại… nên có nhiều hơn cơ hội được tiếp xúc, học hỏi ở không ít những người thầy, người anh của làng báo thể thao. Do những thay đổi về tổ chức của Báo Quảng Nam - Đà Nẵng, năm 1989, tôi xin chuyển công tác về Báo Thể thao Việt Nam. Lúc bấy giờ, đây là một tờ báo chuyên ngành quy tụ rất nhiều nhà báo giỏi như: Vũ Mạnh Hải, Đỗ Hóa, Nguyễn Quốc Hùng, Lê Ngọc Phúc, Phan Sang… và mỗi người đều có thế mạnh của mình.

Để có được những bức ảnh thể thao sống động, ấn tượng như trên, phóng viên thể thao phải bám sát sự kiện, nắm bắt những thời cơ vàng, kỹ thuật trong tác nghiệp.Ảnh: ANH VŨ
Để có được những bức ảnh thể thao sống động, ấn tượng như trên, phóng viên thể thao phải bám sát sự kiện, nắm bắt những thời cơ vàng, kỹ thuật trong tác nghiệp.Ảnh: ANH VŨ

Cũng thời gian này, tôi được gặp và cộng tác cùng nhà báo kỳ cựu Hồ Nguyễn ở các tờ báo Thể thao Long An, Bóng đá Ấp Bắc, Bóng đá Đồng Tháp, Thế giới thể thao Long An, Sài Gòn Giải phóng Thể thao. Sau này, tôi còn có cơ hội cộng tác cho chuyên mục thể thao của các báo Tuổi trẻ, Thanh niên, Người Lao động cũng như báo Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, báo Bóng đá và điều này đã giúp tôi có điều kiện để học hỏi từ những nhà báo đi trước và các đồng nghiệp. Ở nhà báo Vũ Mạnh Hải là những bài phân tích chiến thuật bóng đá sắc sảo. Nhà báo Đỗ Hóa là cách viết “gai góc”, đầy cá tính. Hay Thư ký tòa soạn Báo Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hiển là sự súc tích, cô đọng. Với cố nhà báo Nguyễn Quốc Hùng là cách xây dựng một trang báo, một chuyên mục chất lượng, đáp ứng yêu cầu của bạn đọc. Trong khi đó, nhà báo Hồ Nguyễn luôn đặt ra yêu cầu “nhanh nhưng phải đúng, phải chân thật, khách quan”...

Qua những người thầy, người anh trong nghề, bản thân tôi nỗ lực không ngừng trong từng bài viết, từng mẩu tin, từng tấm ảnh để mang lại cho bạn đọc những sản phẩm tốt nhất có thể. Ngay những năm tháng sau này, ở những đồng nghiệp trẻ như: Võ Dũng Phương, Lê Phi Hải (cùng ở Báo Sài Gòn Giải phóng Thể thao) hay Nguyên Huy (Báo Một Thế giới), tôi vẫn học hỏi nhiều ở họ những kỹ năng nghề nghiệp trong việc sử dụng máy ảnh kỹ thuật số, sự năng động khi tác nghiệp và qua đó, không để tắt ngọn lửa đam mê với công việc mà mình đang gắn bó.

 

Trong đó, niềm vui, hạnh phúc lớn nhất của mỗi nhà báo thể thao khi từng ngày, mang lại cho người đọc, người nghe, người xem… “món ăn tinh thần” cần thiết qua những sản phẩm báo chí mà họ đã góp một phần công sức. Đó cũng chính là động lực để mỗi nhà báo thể thao có thể vượt qua những khó khăn, trở ngại khi làm việc từ 21 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau ở những chiến dịch thông tin lớn như World Cup hoặc EURO. Còn thông thường, tất cả sẵn sàng gác lại những thú vui, những ngày nghỉ ngơi, thư giãn cuối tuần hay dịp lễ bởi đơn giản, thời điểm đó thường xuyên diễn ra các sự kiện và những nhà báo thể thao đều không thể vắng mặt ở thực địa.

Một khó khăn khác mà mỗi nhà báo thể thao cần phải có là sự trung lập, thái độ khách quan trong đánh giá một trận đấu, một đội bóng, một vấn đề, dù mỗi bài viết vẫn rất cần cái “Tôi” của tác giả. Trong bối cảnh thị trường báo chí đang biến động lớn, đề tồn tại và phát triển, chắc chắn cũng như mọi đồng nghiệp, từng nhà báo thể thao cũng phải nỗ lực từng ngày, phải học hỏi nhiều hơn để có những sản phẩm tốt hơn; bởi như Đại Văn hào Johann Wolfgang von Goethe từng nói: “Cái gì không tiến thì lùi”…

NGUYÊN AN

 

;
;
.
.
.
.
.
Trực tiếp xsmb hôm nay cước câu cá xịn