Bóng bàn Đà Nẵng nỗ lực vươn tầm

.

So với các bộ môn, các đội tuyển thuộc Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV thành phố, đội tuyển Bóng bàn được đánh giá có nền tảng rất thuận lợi. Bởi lẽ, không có một đội tuyển nào của thể thao Đà Nẵng có được nhà tập ổn định trong gần 10 năm qua.

Võ Hữu Quốc (ảnh), một trong những tay vợt xuất sắc của Bóng bàn Đà Nẵng vẫn cần được đầu tư tốt hơn nếu muốn cạnh tranh được tấm huy chương Vô địch quốc gia. Ảnh: ANH VŨ
Võ Hữu Quốc (ảnh), một trong những tay vợt xuất sắc của Bóng bàn Đà Nẵng vẫn cần được đầu tư tốt hơn nếu muốn cạnh tranh được tấm huy chương Vô địch quốc gia. Ảnh: ANH VŨ

Bên cạnh đó, giải Bóng bàn Premiership và giải Bóng bàn Thiếu niên - Nhi đồng được Liên đoàn Bóng bàn thành phố (DTTF) duy trì hằng năm là cơ hội tốt, không chỉ giúp các VĐV của đội tuyển được cọ xát, thi đấu mà qua đó, không ít các tay vợt triển vọng đã được tuyển chọn, làm lực lượng bổ sung cho đội tuyển. Mặt khác, phụ huynh của các VĐV luôn dành sự ủng hộ rất lớn về mọi mặt, kể cả kinh phí trong quá trình thi đấu trong nước cũng như tập huấn nước ngoài của đội tuyển.

Nền tảng là vậy song nhiều năm qua việc giành được thành tích cao tại các giải Vô địch quốc gia vẫn nằm ngoài tầm với của Bóng bàn Đà Nẵng. Đây chính là điều mà những người có trách nhiệm của bóng bàn Đà Nẵng luôn đau đáu, như chia sẻ của Tổng thư ký DTTF Lê Thị Mỹ Hạnh, nhiều năm qua, Bóng bàn Đà Nẵng luôn được đánh giá là một trong những trung tâm đào tạo Trẻ tốt nhất cả nước. Trong các giải Vô địch Trẻ quốc gia hay giải Vô địch Trẻ xuất sắc, các tay vợt Đà Nẵng đều giành được huy chương các loại.

Ngay tại các giải thi đấu quốc tế, VĐV Võ Hữu Quốc từng giành HCĐ Trẻ nội dung đồng đội nam 2017 tại giải Singapore hay tay vợt Lê Minh Khang cũng giành HCĐ đồng đội nam, lứa tuổi 14-15 tại giải Vô địch Trẻ Đông Nam Á 2018. Thế nhưng, để một VĐV trẻ vươn tầm và chen chân vào nhóm cạnh tranh huy chương tại giải Vô địch quốc gia vẫn là một thách thức quá lớn với Bóng bàn Đà Nẵng!

Cũng dễ hiểu khi ở một giải đấu quy tụ không dưới 500 tay vợt xuất sắc trên cả nước, rất khó để một VĐV còn non trẻ về nhiều mặt của Đà Nẵng có thể cạnh tranh cùng những tay vợt hàng đầu như Đoàn Kiến Quốc, Đinh Quang Linh, Nguyễn Anh Tú, Đoàn Bá Tuấn Anh, Trần Tuấn Quỳnh hay Mai Hoàng Mỹ Trang, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Việt Linh…

Để tạo được một sự bứt phá, Bóng bàn Đà Nẵng cần một lực lượng trẻ không dưới 60 tay vợt, chứ không chỉ vỏn vẹn 14 VĐV chuyên nghiệp như hiện nay. Bên cạnh đó, các VĐV cần được tập luyện với những đối thủ mạnh hơn cũng như được tập luyện với các HLV có đẳng cấp cao hơn, mới có thể nâng cao trình độ để từng bước, hy vọng hướng đến những mục tiêu huy chương tại giải Vô địch quốc gia; thay vì, chỉ đặt mục tiêu vào vòng 1/8 như hiện tại.

Thấy được những khó khăn, hạn chế; hẳn nhiên, việc khắc phục từng bước sẽ có nhiều thuận lợi. Để Bóng bàn Đà Nẵng vươn đến một tầm vóc mới chắc chắn không chỉ dựa vào sự hỗ trợ của DTTF cũng như những cố gắng tự thân của thầy trò HLV Đặng Xuân Chánh, một khi mọi nỗ lực đều đã đến tận cùng của giới hạn…

NGUYÊN AN

;
;
.
.
.
.
.