Vì sao VFF không có án phạt với Trưởng Ban trọng tài Dương Văn Hiền?

.

Tổ trọng tài làm nhiệm vụ trong trận CLB TPHCM tiếp CLB Hà Nội trên sân Thống Nhất ở vòng 11 V-League bị kỷ luật, nhưng sếp của Ban trọng tài vẫn yên vị, dù phân công sai nhân sự.

Không phải sau khi trọng tài Trần Văn Trọng mắc lỗi nặng trong trận đấu nói trên, mà từ trước giờ bóng lăn, người ta đã quan tâm đến việc phân công trọng tài cho trận CLB TPHCM gặp CLB Hà Nội, vốn được dự báo là rất căng, có khả năng ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đua giành ngôi vô địch LS V-League 2020.

Thế nhưng, Ban trọng tài, mà cụ thể là trưởng ban Dương Văn Hiền chỉ phân công một trọng tài vốn còn non kinh nghiệm, lại chưa hề được đánh giá cao về mặt chuyên môn là ông Trần Văn Trọng điều khiển trận đấu này.

Cứ cho rằng cả trọng tài Trần Văn Trọng lẫn trưởng Ban trọng tài đều sáng ngời về mặt tư tưởng đi chăng nữa, thì việc phân công nói trên lộ rõ sự chủ quan của người đứng đầu giới trọng tài Việt Nam hiện nay.

Trưởng Ban trọng tài Dương Văn Hiền liệu có chủ quan khi phân công trọng tài non kinh nghiệm điều khiển trận đấu được dự báo là rất căng giữa CLB TPHCM và CLB Hà Nội? (ảnh: An An)
Trưởng Ban trọng tài Dương Văn Hiền liệu có chủ quan khi phân công trọng tài non kinh nghiệm điều khiển trận đấu được dự báo là rất căng giữa CLB TPHCM và CLB Hà Nội? (Ảnh: An An)

Hậu quả là một đội bóng thua trong tức tưởi. Đội bóng đấy lẽ có thể thắng nếu trọng tài Trần Văn Trọng không quá yếu kém để nhìn ra lỗi phải phạt đền rõ mồn một. Đội bóng đấy lẽ ra đã tăng tốc trên đường đua đến ngôi vô địch, giờ lại loay hoay tái cấu trúc nhân sự, phải xây dựng lại niềm tin cho các cầu thủ, niềm tin cả với người hâm mộ, chỉ vì phải chịu oan vì trọng tài.

Hậu quả của sự chủ quan trong việc phân công từ phía ông trưởng Ban trọng tài là một HLV phải mất việc trong cay đắng, với câu hỏi và nỗi niềm có lẽ sẽ còn ám ảnh bóng đá Việt Nam rất lâu: “Trọng tài phải thấy xấu hổ với 20.000 CĐV đã mua vé vào sân. Bóng đá Việt Nam muốn phát triển, cầu thủ, HLV và các đội bóng đã thay đổi để phát triển, sao trọng tài không thay đổi? Cứ như thế này, 1 – 2 năm, hay 5 – 10 năm nữa, bóng đá Việt Nam sẽ đi về đâu?!”.

Đấy là lời của HLV Chung Hae Seong, còn HLV Nguyễn Văn Sỹ của đội Nam Định trước đó bình luận rất thẳng, rằng trọng tài sai thì chỉ nghỉ vài trận như đi nghỉ mát, trong khi thiệt hại do trọng tài gây ra với các CLB thì khó mà cân-đo-đong-đếm.

Kết quả là trọng tài Trần Văn Trọng làm dậy sóng bóng đá Việt Nam vì những quyết định rất
Kết quả là trọng tài Trần Văn Trọng làm dậy sóng bóng đá Việt Nam vì những quyết định rất "non" của ông này (Ảnh: Anh Hải)

Như HLV Chung Hae Seong bây giờ, từ chỗ là HLV hay nhất V-League mùa trước, giờ ông phải gạt nỗi cay đắng mà chia tay bóng đá Việt Nam. Thiệt hại về kinh tế và về tinh thần của ông Chung, giới trọng tài có phải đứng ra gánh chịu và có gánh nổi không?

Như CLB TPHCM có thể sụp đổ hết hàng loạt kế hoạch lớn lao dành cho cả mùa giải, chưa kể nẩy sinh tâm lý bất mãn, rồi e dè trong đầu tư nếu cứ phải sống trong môi trường bóng đá như thế này, trọng tài như thế này. Thiệt hại đấy, giới trọng tài có tính hết được không? Có phải đứng ra chịu thay cho nhà đầu tư hay không?

Trọng tài cứ sai rồi hứa sửa, hứa sửa xong rồi lại sai, toàn những cái sai có khả năng bóp nghẹt các đội bóng, huỷ hoại sự nghiệp của nhiều nhà chuyên môn. Thế thì những sai sót đó không còn là cái sai bình thường nữa, đồng thời cần phải xử lý luôn người đứng đầu hệ thống, vì không quản nổi hệ thống của mình, chứ không thể xử lý xơ xài một vài trọng tài mắc lỗi, để tạm dập làn sóng phản ứng của dư luận, rồi đâu lại vào đấy!

Cũng thiết nghĩ V-League phải tăng tốc để đưa công nghệ VAR vào cuộc. Khi mà ông trưởng Ban trọng tài vẫn cứ quanh co mãi với điệp khúc “Sai sót của trọng tài khó tránh khỏi vì trọng tài cũng là con người”, thì công nghệ VAR sẽ là lời phản biện cho điệp khúc đấy, là công cụ hỗ trợ nhưng cũng là công cụ để giám sát, kiểm tra tại chỗ và chấn chỉnh tại chỗ công tác trọng tài.

Theo Báo Dân trí

 

;
;
.
.
.
.
.