Cầu thủ ngoại và "canh bạc" của V-League 2021

.

Khi nói về việc tuyển mộ cầu thủ nước ngoài, HLV Lê Huỳnh Đức thừa nhận: “Hiện tại, do tình hình dịch bệnh nên hầu như các CLB V-League rất khó khăn trong việc tuyển chọn cầu thủ ngoại. Nhận biết được điều này nên không ít cầu thủ nước ngoài bắt đầu gây thêm nhiều khó khăn cho các CLB”.

Với việc ký hợp đồng cùng những cầu thủ ngoại từng thi đấu tại V-League 2020 như Hedipo, Rafaelson và Janclesio (trái sang), SHB Đà Nẵng đã chọn giải pháp an toàn trong tuyển dụng cầu thủ nước ngoài cho mùa giải mới. Ảnh: VIẾT ĐỊNH
Với việc ký hợp đồng cùng những cầu thủ ngoại từng thi đấu tại V-League 2020 như Hedipo, Rafaelson và Janclesio (trái sang), SHB Đà Nẵng đã chọn giải pháp an toàn trong tuyển dụng cầu thủ nước ngoài cho mùa giải mới. Ảnh: VIẾT ĐỊNH

Với những dự báo ấy nên từ rất sớm, SHB Đà Nẵng là một trong không nhiều CLB nhanh chóng ký hợp đồng cùng 3 cầu thủ nước ngoài từng thi đấu tại V-League 2020 là tiền đạo Rafaelson Bezerra Fernandes (từ Dược Nam Hà Nam Định), tiền vệ Hedipo Gustavo da Conceicao (từ Bình Dương) cùng trung vệ Janclesio Almeida Santos (từ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh). Đây được xem là sự lựa chọn an toàn của đội chủ sân Hòa Xuân bởi những năm qua, hầu như các CLB hiếm có điều kiện thử việc cầu thủ ngoại. Các CLB V-League khác cũng chấp nhận tình trạng luân chuyển cầu thủ, thay vì tìm những nhân tố mới, vốn rất nhiều rủi ro.

Trước đây, giải Bóng đá Cúp Truyền hình Bình Dương là cơ hội rất tốt để các CLB săn tìm ngoại binh nhưng gần đây, khách mời của giải bóng đá này không thực sự chất lượng nên nguồn cung cho các CLB phải thông qua những nhà môi giới hoặc các CLB tuyển chọn từ hồ sơ của chính các cầu thủ.

Không khó để thấy, đa phần những cầu thủ ngoại đến tìm việc đều có những bản lý lịch khá đẹp, cùng với những đoạn băng hình ghi lại những pha bóng đẹp nhất của từng người, dễ tạo ấn tượng tốt. Thế nhưng, đôi khi, những bản lý lịch, các đoạn băng hình và năng lực thực tế luôn có những khác biệt.

Một lý do khác dẫn đến việc các cầu thủ nước ngoài khó hòa nhập với bóng đá Việt Nam còn ở khả năng thích ứng của từng cầu thủ đối với môi trường bóng đá V-League. Khi còn khoác áo CLB SHB Đà Nẵng, tiền đạo Gaston Merlo cho biết, các cầu thủ nước ngoài thi đấu tại V-League gặp rất nhiều khó khăn. Nếu hầu hết bóng đá các quốc gia chỉ tổ chức phòng thủ khu vực thì tại V-League, đa phần các CLB tổ chức kèm cá nhân 1-1. Vì thế, để đạt hiệu quả tốt đòi hỏi các cầu thủ nước ngoài phải thay đổi và làm quen với phong cách chơi bóng tại V-League. Không loại trừ việc cầu thủ không đáp ứng yêu cầu chiến thuật của HLV hoặc HLV không sử dụng đúng để phát huy tối đa ưu thế của từng cầu thủ cũng là một hạn chế đáng kể với các cầu thủ nước ngoài.

Trường hợp trung vệ Louis Epassi Ewonde không được đánh giá cao tại SHB Đà Nẵng nhưng rất xuất sắc khi thi đấu cho Thanh Hóa tại V-League 2020 là một minh chứng. Cũng đừng quên, trước đây, khi không tìm được việc ở Việt Nam, các cầu thủ nước ngoài mới sang Thái Lan, Malaysia hay Singapore, Indonesia để xin việc thì hiện nay, mọi thứ diễn ra ở chiều ngược lại.

Trong bối cảnh chất lượng cầu thủ nước ngoài tham gia V-League không như mong muốn cùng với những khó khăn do dịch bệnh nên việc tuyển mộ ngoại binh đang là mối lo rất lớn với các CLB chuyên nghiệp Việt Nam. Cho nên, ngoài phương thức tuyển chọn người cũ của các CLB, nhiều CLB cũng phải tiến hành việc tuyển mộ dựa trên những bản lý lịch hoặc sự giới thiệu của những nhà môi giới. Dù đó là một “canh bạc” vốn chứa nhiều rủi ro một khi các CLB không còn lựa chọn nào khác.

BẢO AN

;
;
.
.
.
.
.