Vẫn chưa khép lại mùa giải 2020 nhưng đến thời điểm này, thể thao Đà Nẵng có thể hài lòng với những kết quả gặt hái được trong bối cảnh phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, thách thức.
Những nỗ lực rất lớn của các VĐV như Hoàng Quý Phước sẽ mở ra cơ hội để những tài năng thể thao Đà Nẵng được tham gia tranh tài tại SEA Games 31, trong màu áo đội tuyển Việt Nam. Ảnh: ANH VŨ |
Đáng kể nhất, khi Covid-19 bùng phát lần thứ 2, Đà Nẵng được xem là tâm dịch nên kế hoạch chuẩn bị của các bộ môn mũi nhọn cho những giải đấu quan trọng buộc phải điều chỉnh. Trong đó, VĐV các đội tuyển Điền kinh, Đua thuyền, Bơi, Cử tạ cũng như các môn võ đều không thể làm quen với môi trường thực tế. Dù vậy, thành viên các đội tuyển đều xác định, sau khi tình hình dịch bệnh trên cả nước được kiểm soát, các giải đấu sẽ được tổ chức, với mật độ rất dày. Vì thế, nếu thiếu sự chuẩn bị cần thiết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu mà các đội tuyển đang hướng đến.
Đánh giá về quá trình vượt khó của Thể thao Đà Nẵng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Nguyễn Trọng Thao cho biết: “Với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Sở VH&TT cũng như công tác quản lý rất tốt của Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV (Trung tâm HL-ĐT VĐV), các đội tuyển đã có sự linh hoạt, chủ động trong điều chỉnh kế hoạch tập luyện phù hợp thực tế để tham gia các giải vô địch quốc gia và đạt kết quả tốt nhất. Mặt khác, cần ghi nhận khả năng dự báo tương đối chính xác của đội ngũ cán bộ chuyên môn, các HLV; qua đó, có những chỉ đạo, điều chỉnh chiến thuật phù hợp trong quá trình thi đấu, góp phần đáng kể vào thành công chung của thể thao Đà Nẵng trong năm 2020”.
Nói đến những khó khăn, HLV đội tuyển Judo Nguyễn Duy Phú nhớ lại: “Trong những ngày thực hiện cách ly xã hội ở đợt dịch lần 2, ngoài việc tập duy trì thể lực, các VĐV Judo, Jujitsu và Kurash chủ lực chỉ có thể lên sàn và đấu tập với các hình nhân để luyện thuần thục những động tác kỹ thuật cơ bản. Dù không thể đạt được những yêu cầu chuyên môn nhưng điều đó cũng cho thấy nỗ lực và quyết tâm rất cao của các VĐV”. Trong khi đó, để luyện tập duy trì, “Nữ hoàng đi bộ” Nguyễn Thị Thanh Phúc chỉ có thể đi lên - xuống cầu thang bộ của Khu chung cư Hòa Xuân mỗi ngày, bằng với cự ly tập luyện 20-30km.
Chính những nỗ lực và quyết tâm cao nhất, những thành quả đến với thể thao Đà Nẵng gần như tất yếu.
Điển hình là chiếc HCV Đi bộ của Thanh Phúc; 4 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ của đội tuyển Jujitsu; những bộ HCĐ đôi nam tại giải Vô địch quốc gia, HCB đôi nam tại giải các đội mạnh toàn quốc của các tay vợt Bóng bàn hay 7 HCV đối kháng cá nhân cùng 2 bộ HCB đối kháng đồng đội của đội tuyển Taekwondo cùng các VĐV Đua thuyền, Kickboxing hay Boxing…
Tuy nhiên, không hẳn những cố gắng đều gặt hái được thành công khi Đô cử Nguyễn Thị Kim Vân dù vẫn cần mẫn đến phòng tập một mình mỗi buổi chiều, song sự tích lũy từ những buổi tập như thế không mang lại hiệu quả cần thiết. Để rồi, tại giải Cử tạ Vô địch quốc gia 2020, Kim Vân (hạng trên 87kg nữ) chỉ giành được 1 HCV Cử giật (107kg) cùng 2 HCB Cử đẩy (135kg) và tổng cử, khi để thua đàn em Phasiro (Thành phố Hồ Chí Minh) đúng 1kg nội dung tổng cử.
Theo Giám đốc Trung tâm HL-ĐT VĐV Nguyễn Đông Hải, đây cũng là bước “tạo đà” cần thiết để các VĐV nỗ lực hơn, nếu mong muốn được khoác áo các đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 31, được tổ chức tại Việt Nam vào cuối năm tới.
BẢO AN