Nghị lực vươn lên

.

Khuyết tật bẩm sinh nhưng anh Mai Quang Đến (44 tuổi, tổ 12 phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) đã vượt qua tật nguyền, làm nhiều việc có ích cho cộng đồng. Anh còn lập thành tích xuất sắc trong phong trào thể thao người khuyết tật.

Anh Mai Quang Đến (bìa phải) nhận Huy chương Đồng tại Giải Thể thao người khuyết tật thành phố Đà Nẵng năm 2020. Ảnh: LÊ VĂN THƠM
Anh Mai Quang Đến (bìa phải) nhận Huy chương Đồng tại Giải Thể thao người khuyết tật thành phố Đà Nẵng năm 2020. Ảnh: LÊ VĂN THƠM

Từ khi chào đời, anh Đến đã bị teo cơ hai chân và sống trong cảnh tật nguyền. Không đầu hàng số phận, anh xác định phải học một nghề gì đó để kiếm sống, không để mình trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Sau thời gian cân nhắc, chọn lựa, anh quyết tâm theo học nghề cắt tóc tại một cơ sở trên địa bàn quận Sơn Trà. Học nghề rồi phụ việc, anh dần trở thành một người thợ lành nghề. Năm 1998, anh mở tiệm cắt tóc tại nhà, từng bước khẳng định uy tín đối với khách hàng về một địa chỉ cắt tóc đẹp và rẻ. Chính vì vậy, khách hàng đến với anh ngày càng nhiều. Anh Đến chia sẻ: “Bất cứ cắt tóc cho ai, mình cũng cố tạo nên một mái tóc đẹp, phù hợp với gương mặt, tính cách và độ tuổi”.

Anh Đến cũng nhiệt tình tham gia các hoạt động cộng đồng, luôn gương mẫu trong các cuộc vận động tình nghĩa, nhân đạo. Anh được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Người khuyết tật quận Ngũ Hành Sơn, Trưởng ban vận động thành lập Chi hội Người khuyết tật phường Hòa Quý. Anh tổ chức nhiều hoạt động dã ngoại phục vụ người khuyết tật tại địa phương; qua đó, vận động những người đồng cảnh ngộ gia nhập Hội Người khuyết tật. Anh còn tham gia nhóm từ thiện Tâm Nguyện, hằng tuần hỗ trợ 200 suất ăn cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Đặc biệt, anh Đến còn tích cực luyện tập các môn thể thao, nhiều lần tham gia thi đấu cầu lông và đoạt gần 20 huy chương các loại. Theo ông Phạm Xê, tổ trưởng tổ dân phố 12, anh Đến thường xuyên gương mẫu trong các hoạt động ở khu dân cư, năm nào cũng đi đầu ủng hộ cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”.

Cảm mến chàng trai khuyết tật giàu nghị lực và tài năng, chị Trần Thị Ly - một giáo viên mầm non ở cùng phường đã đến với anh. Anh chị kết hôn năm 2003 với sự vun đắp của cả hai bên gia đình. Cùng chung ý chí vượt khó vươn lên, sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu, vợ chồng anh Đến đã xây được ngôi nhà khang trang, kiên cố trên đường Bình Kỳ (phường Hòa Quý). Tại đây, anh Đến đầu tư mở tiệm cắt tóc khá rộng, với nhiều dụng cụ tân tiến nhằm phục vụ khách hàng cắt tóc và chăm sóc sức khỏe. Vợ chồng anh còn tận dụng khoảng đất trống trong khuôn viên, làm mô hình nuôi gà thả vườn để tăng thêm thu nhập. Anh thường xuyên nuôi từ 50-70 con gà thịt, bình quân mỗi tháng bán được từ 4-5 triệu đồng. Cùng với đó, anh Đến còn dạy nghề miễn phí cho các thanh niên địa phương có nhu cầu.

Mặc dù đi lại khó khăn nhưng anh Đến vẫn luôn hăng hái, say mê với các hoạt động xã hội. Hiện anh đang nỗ lực luyện tập, chuẩn bị tham gia giải Cầu lông người khuyết tật thành phố Đà Nẵng năm 2021. Nói về anh, Chủ tịch UBND phường Hòa Quý Huỳnh Kim nhấn mạnh: “Đó là tấm gương sáng về ý chí vượt lên số phận, không ngừng phấn đấu phát triển kinh tế gia đình, hăng hái tham gia xây dựng địa phương, đã hai lần được chọn báo cáo điển hình, là cá nhân tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.