Cầu lông Đà Nẵng cần đổi mới

.

Không khó để thấy rằng, sau giai đoạn phát triển rất tốt, phong trào cầu lông Đà Nẵng đang bước vào giai đoạn khó khăn, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan. Hiện tại, cầu lông thành phố rất cần thay đổi để phát triển hơn nữa trong tương lai.

Từ sự hỗ trợ của Liên đoàn Cầu lông Đà Nẵng, một số giải phong trào như giải Bi Badminton (ảnh) được tổ chức hiệu quả, góp phần tạo ra sự sôi động và phong phú cho cầu lông Đà Nẵng.               Ảnh: ANH VŨ
Từ sự hỗ trợ của Liên đoàn Cầu lông Đà Nẵng, một số giải phong trào như giải Bi Badminton (ảnh) được tổ chức hiệu quả, góp phần tạo ra sự sôi động và phong phú cho cầu lông Đà Nẵng. Ảnh: ANH VŨ

Sự bão hòa của phong trào khiến cầu lông Đà Nẵng giảm sôi động, dù số lượng sân bãi phát triển: từ 280 sân với 66 sân có mái che (năm 2016) đến nay gần 300 sân với hơn 100 sân có mái che. Đáng lo ngại hơn, không ít CLB từng có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào như CLB Văn Khoa, CLB Ngọc Hạnh, CLB Công an thành phố, CLB Ẩm thực Trần... hoặc đã giải thể, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.

Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh và thiên tai, một số giải đấu trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn Cầu lông Đà Nẵng (DBF) như giải Cầu lông truyền thống các CLB thành phố Đà Nẵng 2020, giải Cầu lông Thiếu niên - Nhi đồng Đà Nẵng 2020 hay một số giải đấu do DBF phối hợp tổ chức như giải Cầu lông Quốc tế Việt Nam Open 2020, giải Cầu lông Vietnam International Series 2020... phải tạm hoãn hoặc hủy bỏ.

Bên cạnh đó, những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đồng hành cùng cầu lông Đà Nẵng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng phong trào. Đồng thời, những thay đổi nhân sự giữa nhiệm kỳ cũng tác động đến hoạt động của DBF cũng như cầu lông Đà Nẵng.

Dù vậy, DBF vẫn nỗ lực duy trì, từng bước phát triển phong trào thông qua hỗ trợ tổ chức các giải đấu, tạo sự phong phú cho hệ thống thi đấu. Các giải cầu lông truyền thống tranh Cúp Nhà Văn hóa Lao động, giải Bi Badminton, giải Hiền Linh, giải Thiên Phú Xanh... thu hút số lượng lớn VĐV gồm nhiều đối tượng, nhiều nhóm tuổi, hướng đến mục tiêu vì sức khỏe cộng đồng.

Theo Phó Tổng Thư ký DBF Phạm Vũ Chí Cường, bộ phận chuyên môn của DBF còn phối hợp và hỗ trợ các đơn vị tổ chức các giải Cầu lông trung - cao tuổi thành phố, giải Cầu lông ngành Công an, giải Cầu lông Công nhân - Lao động... Một nét mới cần ghi nhận của DBF là tạo điều kiện để những hội viên và những người chơi cầu lông vãng lai được tập hợp, thành lập CLB DBF và tham gia tranh tài tại giải Cầu lông truyền thống các CLB thành phố Đà Nẵng thường niên.

Hướng đến Đại hội DBF lần thứ 6 (nhiệm kỳ 2021-2025), trong mục tiêu kiện toàn nhân sự Ban chấp hành, không thể không nhắc đến vai trò của các CLB trong việc góp phần xây dựng và phát triển phong trào.

Vì thế, rất cần sự có mặt của đại diện một số CLB có đóng góp tích cực cho cầu lông Đà Nẵng trong Ban chấp hành, như ý kiến đóng góp của Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Trọng Thao: "Cần lưu ý và chuẩn bị rất kỹ nhân sự cho Ban chấp hành khóa 6, nhằm củng cố và phát triển tốt hơn cho cầu lông Đà Nẵng". Đây cũng là tiền đề để DBF đạt mục tiêu "hướng dẫn và phấn đấu xây dựng từ một đến hai CLB hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, tiến tới chuyên nghiệp vào cuối nhiệm kỳ".

Quan trọng hơn, DBF cần tận dụng sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thành phố và hỗ trợ nhiệt tình, trách nhiệm của những doanh nghiệp đã và đang ủng hộ, đồng hành cùng DBF.

Bên cạnh đó, từng thành viên DBF cần có trách nhiệm, nỗ lực hơn trong xây dựng, phát triển phong trào bằng những hoạt động cụ thể, phù hợp năng lực, vị trí công việc của từng người. Bởi nếu không có sự đổi mới cần thiết, rất khó chờ đợi sự phát triển dù cầu lông Đà Nẵng có nền tảng vững vàng được xây dựng từ trước đó.

BẢO AN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích