V-League 2021: Thành bại tại ngoại binh - con dao hai lưỡi

.

Không quá khó để thấy, trong số 5 đội bóng đang dẫn đầu bảng xếp hạng tạm thời của giải Bóng đá Vô địch quốc gia V-League 2021 sau lượt trận thứ 7, thành công của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), SHB Đà Nẵng, Than Quảng Ninh, Viettel, Bình Định… có dấu ấn đậm nét của các cầu thủ nước ngoài.

Với cách quản lý của SHB Đà Nẵng, Rafaelson (áo cam) phải tuân thủ mọi quy định chặt chẽ của đội bóng. Ảnh: ANH VŨ
Với cách quản lý của SHB Đà Nẵng, Rafaelson (áo cam) phải tuân thủ mọi quy định chặt chẽ của đội bóng. Ảnh: ANH VŨ

Trong khi đó, dù được đánh giá cao với dàn cầu thủ nội đồng đều và có không ít tuyển thủ quốc gia nhưng đến thời điểm hiện tại, Hà Nội FC đang lâm vào thế khó. Rất cố gắng đưa Hà Nội FC nằm ở nửa trên của bảng xếp hạng nhưng HLV Chu Đình Nghiêm đã chính thức nói lời chia tay đội bóng thủ đô, sau thất bại 0-2 trên sân SHB Đà Nẵng hồi cuối tuần qua. Sau trận thua này, HLV Chu Đình Nghiêm thừa nhận: “Với việc mất cả bộ đôi tiền đạo Geovane và Bruno, Hà Nội FC hầu như đánh mất khả năng tấn công của mình. Điều này cũng dễ hiểu khi hầu hết các CLB V-League đều dựa rất nhiều vào các cầu thủ ngoại, nhất là trên hàng tiền đạo. Mặt khác, sự càn lướt của tiền đạo Rafaelson của SHB Đà Nẵng gây rất nhiều khó khăn cho chúng tôi”.

Nhận xét của cựu HLV Hà Nội FC không mới, song một lần nữa khẳng định, hầu hết các CLB V-League đều phải trông cậy nhiều vào cầu thủ ngoại, cả trên mặt trận tấn công lẫn ở hàng phòng ngự. Với đội đầu bảng HAGL, chân sút Washington chỉ mới đóng góp 2/12 bàn thắng cho đội bóng phố núi nhưng bộ đôi trung vệ Memovic Damir - Kim Dong-su lại là “điểm tựa”, giúp các cầu thủ tuyến trên có sự an tâm tuyệt đối để tập trung vào mặt trận tấn công. Hay như Rafaelson, Eydison (cùng có 5 bàn thắng/7 trận) đóng góp hơn phân nửa số bàn thắng cho SHB Đà Nẵng và Than Quảng Ninh. Tương tự, chỉ mới sở hữu 3 pha lập công nhưng Rimario có vai trò hết sức quan trọng trong lối chơi của Bình Định.

Rõ ràng, các cầu thủ nước ngoài có những đóng góp đáng kể vào sự thành công của các CLB V-League, không chỉ ở mùa giải này. Chính sự góp mặt của các cầu thủ đến từ nhiều quốc gia, nhiều châu lục giúp V-League có một sắc thái hết sức đa dạng. Qua đó, các cầu thủ Việt Nam được cọ xát nhiều hơn với những đối thủ có ưu thế về thể hình, thể lực và buộc tất cả phải tự rèn giũa để có thể đáp ứng tốt yêu cầu của các HLV trong việc đối đầu với các ngoại binh. Tuy nhiên, sự lệ thuộc vào các cầu thủ nước ngoài cũng tác động tiêu cực không nhỏ đến bóng đá Việt Nam nói chung và các CLB V-League nói riêng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh trên toàn cầu khiến nguồn cầu thủ nước ngoài đến Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể.

HLV Lê Huỳnh Đức thừa nhận, nhận biết được những trở ngại của các CLB V-League trong việc tuyển cầu thủ nước ngoài, không ít ngoại binh bắt đầu “giở chứng”. Chính SHB Đà Nẵng từng đối mặt với thói đỏng đảnh của ngoại binh và việc CLB phải thanh lý hợp đồng cùng tiền vệ Hedipo ngay từ đầu mùa là một ví dụ. Thậm chí, CLB SHB Đà Nẵng cũng buộc sử dụng đến các biện pháp pháp lý để răn đe một cầu thủ được đánh giá là “công thần” mới có thể duy trì được sự ổn định cho đội chủ sân Hòa Xuân.

Bài học của các CLB V-League trong việc ứng xử với ngoại binh không thiếu. Điều quan trọng nhất là sự chặt chẽ trong việc ký kết hợp đồng cũng như tuân thủ quy định của các bản hợp đồng, như cách SHB Đà Nẵng đã áp dụng với các cầu thủ nước ngoài. Đồng thời, các CLB cần có sự liên kết trong quản lý, tuyển mộ ngoại binh để tránh trường hợp các cầu thủ ngoại tìm cách phá vỡ hợp đồng ở CLB này để chuyển sang CLB khác một cách dễ dàng như vốn đã xảy ra. Nếu không, với cách tuyển dụng như hiện nay, các CLB sẽ trở thành nạn nhân từ cách làm của chính mình.

NGUYÊN AN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích