Khi cầu thủ đơn độc

.

ĐNO - Việc CLB Bóng đá Than Quảng Ninh tạm dừng hoạt động, chưa thanh toán đầy đủ tiền lót tay, lương, thưởng cho rất nhiều cầu thủ và thậm chí, không chấp nhận thanh lý hợp đồng với các cầu thủ đang khoác áo CLB này, càng cho thấy sự đơn độc của các cầu thủ trong cuộc chiến pháp lý với các CLB Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Cầu thủ của Hà Nội FC (áo xanh) đang bị ràng buộc bởi những điều khoản bất hợp lý từ phía CLB. Ảnh: ANH VŨ
Cầu thủ của Hà Nội FC (áo xanh) đang bị ràng buộc bởi những điều khoản bất hợp lý từ phía CLB. Ảnh: ANH VŨ

Trước đó, trên trang cá nhân, nhiều cầu thủ đã và đang khoác áo CLB Than Quảng Ninh yêu cầu CLB phải thanh toán những khoản nợ trước khi họ buộc phải khởi kiện CLB. Thậm chí, tối 27-8, tiền vệ Nghiêm Xuân Tú cay đắng khẳng định, anh chấp nhận mất tất cả số tiền CLB còn nợ, chỉ để được thanh lý hợp đồng. Đáng buồn, những yêu cầu này vẫn bị phía Công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh (đơn vị quản lý CLB Than Quảng Ninh) bỏ mặc.

Đây không phải lần đầu các cầu thủ hầu như bất lực trước cách ứng xử mang tính áp đặt từ phía CLB.

Từ lâu, giới bóng đá đã râm ran việc các CLB ký hợp đồng với cầu thủ vào các thời điểm chẳng giống ai, như trước thời điểm ra sân thi đấu hoặc đưa hợp đồng yêu cầu cầu thủ ký ngay; thay vì để các cầu thủ có thời gian đọc kỹ các điều khoản. Do đó, cầu thủ rất dễ gặp bất lợi trước các CLB, vốn đầy đủ bộ máy pháp lý cùng sự am hiểu về pháp luật.

Chẳng hạn, Hà Nội FC đưa ra quy định mới về việc sở hữu, quản lý và khai thác bản quyền hình ảnh của các cầu thủ mà Công ty CP Thể thao Hà Nội T&T là đơn vị duy nhất được thụ hưởng các quyền lợi này. Mặt khác, Hà Nội FC còn được quyền ký phụ lục hợp đồng hoặc sửa đổi hợp đồng đã ký kết nếu hợp đồng cũ có các quy định không phù hợp hoặc có quy định không phù hợp với quyết định mới.

Ngoài ra, Hà Nội FC được quyền quản lý, chia sẻ thù lao hoặc bất kỳ khoản thu nhập nào mà cầu thủ, HLV nhận được khi sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, dịch vụ và các hoạt động thương mại.

Hay như thông tin cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) phải ký hợp đồng đến 8 năm với CLB. Trong khi đó, theo quy định của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), hợp đồng của các cầu thủ không quá 5 năm. Luật Lao động của Việt Nam cũng quy định, ngoài hợp đồng không xác định thời hạn, với hợp đồng có thời hạn, thời gian không quá 3 năm.

Nói về vấn đề này, cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải chia sẻ: “Chẳng có ai ngoài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) có ý kiến để bảo vệ cầu thủ”. 

Trong quá khứ, vào tháng 11-2005, đã có trường hợp 2 cầu thủ Nguyễn Đức Linh và Nguyễn Ngọc Điểu từng thắng kiện với CLB Xổ số kiến thiết Cần Thơ khi CLB này vi phạm Điều lệ của VFF. Song, đây vẫn là trường hợp hiếm hoi mà người thắng kiện là cầu thủ.

Về lâu dài, quá khó để hứa hẹn kết quả có hậu cho cầu thủ trong cuộc chiến pháp lý với các CLB. Nếu không có một tổ chức đại diện hợp pháp của giới cầu thủ, nhiều khả năng sẽ còn xuất hiện những trường hợp như Nghiêm Xuân Tú cùng rất nhiều cầu thủ Than Quảng Ninh.

BẢO AN

;
;
.
.
.
.
.