Hoàng Quý Phước và khát vọng Vàng

.

Hơn 10 năm qua, Hoàng Quý Phước luôn là một trong những “hy vọng Vàng” của thể thao Đà Nẵng trên đường bơi trong nước lẫn đấu trường quốc tế. Niềm tin dành cho anh tại Đại hội Thể dục - Thể thao (TD-TT) toàn quốc lần thứ 9 (2022) lẫn SEA Games 31 (2021) cũng không thay đổi.

Hoàng Quý Phước (ảnh) đang muốn khép lại sự nghiệp thi đấu của mình với một cái kết có hậu. Ảnh: ANH VŨ
Hoàng Quý Phước đang muốn khép lại sự nghiệp thi đấu của mình với một cái kết có hậu. Ảnh: ANH VŨ

Do Đà Nẵng thực hiện giãn cách nên cũng như các đồng đội, 3 tháng tập trung cùng đội tuyển quốc gia tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng, Phước chỉ được phép tập thể lực trên cạn, chủ yếu bằng những bài chạy bộ. Những bài tập này chỉ có tác dụng duy trì phần nào thể lực. Điều đó ảnh hưởng không ít đến phong độ của “rái cá sông Hàn”.

Trưởng bộ môn Bơi Lặn (Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV Đà Nẵng) Phan Thanh Toại cho biết: “Do Đà Nẵng thực hiện giãn cách nên cả Phước lẫn Nguyễn Hữu Kim Sơn - cũng là một VĐV của Đà Nẵng đang tập trung đội tuyển quốc gia - đều không được tập luyện trong môi trường quen thuộc. Điều này hết sức khó khăn với các VĐV bơi lội, nhất là những VĐV đỉnh cao như Hoàng Quý Phước hay Kim Sơn. Vì thế, các em dễ rơi vào cảm giác mỏi mệt và đánh mất sự hưng phấn”.

May mắn khi trung tuần tháng 9, cùng với các đồng đội, Phước được trở lại tập luyện trong bể bơi, song theo ông Phan Thanh Toại, với VĐV đỉnh cao nếu chỉ tập luyện trong khoảng 3-4 tuần thì chỉ có thể lấy lại thông số bình thường. Để hướng đến sự phát triển, đòi hỏi VĐV phải có quá trình tập luyện cần thiết trong thời gian dài. Khi trao đổi, Hoàng Quý Phước thừa nhận, anh chỉ mới đạt được những chỉ số ở mức trung bình và vẫn đang nỗ lực để sớm trở lại với thành tích tốt nhất của mình.

Giám đốc Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV Đà Nẵng Nguyễn Đông Hải cũng không giấu được nỗi lo: “Hiện tại, đội tuyển quốc gia chuẩn bị sức bền cho VĐV, song điều quan trọng là các em đang cần tập trung vào sức bền tốc độ. Tuy nhiên, nếu đẩy sức bền tốc độ, ban huấn luyện cần thực hiện từng bước và phải căn cứ vào tình trạng thể lực của từng VĐV để điều chỉnh kế hoạch huấn luyện phù hợp. Bởi nếu không cẩn thận, VĐV dễ bị chấn thương”.

Điều đáng nói là hiện tại, ban huấn luyện đội tuyển quốc gia xây dựng giáo án chung cho toàn bộ đội tuyển, thay vì có sự điều chỉnh tương thích nên những VĐV lớp trước như Hoàng Quý Phước đang gặp nhiều khó khăn để hoàn thành các bài tập như mong muốn. Bản thân anh cũng lo lắng không ít do luôn đối mặt nguy cơ chấn thương khi thực hiện giáo án của ban huấn luyện đội tuyển.

Dù vậy, Hoàng Quý Phước vẫn đang tràn đầy khát vọng chinh phục khi xác định sẽ nỗ lực tối đa để có thể gặt hái những thành công cao nhất tại Đại hội TD-TT toàn quốc lần thứ 9 (2022) trong màu áo Đà Nẵng, cũng như nỗ lực giành HCV cho đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 31 - SEA Games thứ 7 mà Phước là thành viên của đoàn Thể thao Việt Nam.

Kình ngư 28 tuổi này cũng trao đổi về những kế hoạch tương lai: “Sau khi SEA Games 31 kết thúc, tôi sẽ chia tay đội tuyển quốc gia, xin trở lại địa phương để có thể lo cho tương lai của mình. Trở về Đà Nẵng, tôi dự định xin chế độ để đi học và đồng thời có thể thi đấu tiếp tục cho đội tuyển Bơi lội Đà Nẵng nếu điều kiện cho phép”.

Tất cả đang chờ đợi và hy vọng, sau chuyến tập huấn cùng đội tuyển tại Hungary, với sự dẫn dắt của HLV Peter Nagy - một HLV quen thuộc trong thời gian anh từng tập huấn tại CLB BVSC - sẽ giúp Hoàng Quý Phước có thêm động lực chinh phục vinh quang.

ANH VŨ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích