Nỗ lực chuẩn bị cho sân chơi quốc gia và khu vực

.

SEA Games 31 dời thời gian tổ chức sang năm 2022 vì dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng công tác tập huấn của các đội tuyển quốc gia (ĐTQG). Tuy nhiên, đây là cơ hội để các VĐV có thêm thời gian tập luyện, nâng cao phong độ, chuẩn bị cho sân chơi khu vực cũng như Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc lần thứ 9 (2022).

Các VĐV đội tuyển Đi bộ Việt Nam đang tập luyện tại Trung tâm Thể thao quốc gia Đà Nẵng. Ảnh: A.V
Các VĐV đội tuyển Đi bộ Việt Nam đang tập luyện tại Trung tâm Thể thao quốc gia Đà Nẵng. Ảnh: A.V

Linh động thích ứng

Tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng, công tác huấn luyện VĐV được đơn vị nỗ lực triển khai từ trước thời điểm giãn cách xã hội. Ông Phạm Hoàng Tùng, Phó Giám đốc phụ trách trung tâm cho hay, hiện đơn vị được lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Tổng cục Thể dục - Thể thao giao quản lý, huấn luyện 6 ĐTQG với 12 HLV và 57 VĐV thuộc các môn: điền kinh, bơi, bơi khuyết tật, quần vợt, canoeing, rowing và 13 đội tuyển trẻ quốc gia gồm 50 HLV và 244 VĐV của các môn: cầu lông, bơi, điền kinh, bóng chuyền bãi biển, wushu, boxing, xe đạp, cử tạ, canoeing, rowing, taekwondo, sailing, bắn súng.

Trong thời điểm giãn cách xã hội, trung tâm chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch chặt chẽ. Đội ngũ HLV, VĐV được yêu cầu “cấm trại”, tuân thủ 5K, mọi sinh hoạt thực hiện khép kín và nghiêm ngặt trong khuôn viên khu B. Tại khu A, việc giãn cách ảnh hưởng tới kế hoạch tập luyện của các đội tuyển như: bơi, cầu lông, taekwondo, bóng chuyền bãi biển.

Trong bối cảnh ấy, giáo án của các ban huấn luyện được thay đổi phù hợp với điều kiện sinh hoạt của VĐV các ĐTQG. Các bài tập được xây dựng phong phú, duy trì thể lực chung, ổn định sức mạnh, sự mềm dẻo và độ khéo léo phù hợp nhằm nâng cao và duy trì các tố chất thể lực. Việc nâng cao chế độ dinh dưỡng cũng như đời sống tinh thần cho VĐV luôn được chú trọng.

Tổ chức các giải nội bộ

Khi thành phố chuyển trạng thái mới, các VĐV được phép tập huấn trong điều kiện thoải mái hơn với giáo án được điều chỉnh thích hợp. Bên cạnh đó, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng thực hiện kế hoạch của Vụ Thể thao thành tích cao I, II (thuộc Tổng cục Thể dục - Thể thao) về tổ chức kiểm tra, thi đấu nội bộ giữa các đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia trong năm 2021. Nội dung này cũng nằm trong kế hoạch huấn luyện và kiểm tra đánh giá trình độ tập luyện của các ĐTQG tại trung tâm trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo đó, các môn: bắn súng, bóng chuyền bãi biển, boxing, wushu, taekwondo… được tổ chức thi đấu nội bộ theo từng giải. Đơn cử, ngày 23-10 vừa qua diễn ra giải bắn súng nội bộ giữa các thành viên đội tuyển, các tỉnh, thành phố đang tập huấn tại trung tâm như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Hải Phòng, tuyển trẻ quốc gia… và đặc biệt có sự tham gia thi đấu trực tuyến của các đội tuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng... Sau đó, từ ngày 28-10 đến 30-10, diễn ra giải Bóng chuyền bãi biển nội bộ. Gần đây nhất, ngày 3-11, trung tâm tổ chức thành công giải thi đấu chung cho 3 môn: boxing, taekwondo và wushu.

Theo đánh giá từ ban tổ chức, các giải đấu nội bộ nói trên diễn ra trong thời điểm các giải quốc gia bị tạm hoãn đã và đang giúp VĐV có cảm giác thi đấu và duy trì tâm lý ổn định, tạo không khí tranh đua, từ đó làm động lực vượt khó trong mùa dịch, tiến tới những giải đấu trong năm 2022 và xa hơn nữa.

Hiện tại, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng phối hợp Bệnh viện 199, Bộ Công an tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn thể cán bộ, viên chức, HLV và VĐV với tỷ lệ tiêm đạt 100%. Đặc biệt, từ tháng 6-2021, sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyết định thành lập đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Thế vận hội Paralympic Tokyo 2020, trung tâm chủ động có kế hoạch tiêm 2 mũi vắc-xin và xét nghiệm Covid-19 cho đội tuyển bơi Paralympic tập huấn tại đây, đáp ứng yêu cầu của ban tổ chức Thế vận hội. 

 XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.