Thể thao
Câu chuyện cầu thủ Việt xuất ngoại thi đấu
Chuyện các cầu thủ thi đấu ở nước ngoài là điều bình thường, tuy nhiên ở nước ta, câu chuyện này không dễ dàng.
Các cầu thủ Hoàng Đức (14) và Quang Hải (19) khó ra nước ngoài thi đấu trong thời điểm này. Ảnh: Hiệp hội Bóng đá Thái Lan |
Vừa qua rộ lên thông tin có đội bóng của Thái Lan muốn Hoàng Đức về khoác áo thi đấu, một CLB ở châu Âu muốn có chữ ký của Quang Hải trong bản hợp đồng. Điều này khiến giới truyền thông Việt Nam rộn ràng cả lên.
Cầu thủ Việt Nam đầu tiên xuất ngoại có lẽ là cựu tuyển thủ Lê Huỳnh Đức, đá cho một đội bóng của Trung Quốc. Rồi đến Việt Thắng sang thi đấu cho đội bóng của Bồ Đào Nha, hoặc Công Vinh từng thi đấu cho CLB của Bồ Đào Nha và Nhật Bản. Sau này có thêm Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Lâm, Văn Hậu từng sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ và Hà Lan thi đấu. Tuy nhiên, trong số này chỉ mỗi Công Vinh và Văn Lâm được xem là có dấu ấn cũng như tạo được tiếng vang nhất định.
Theo đó, sau năm 2009 thi đấu cho CLB Leixoes (Bồ Đào Nha), Công Vinh tiếp tục sang Nhật thi đấu cho CLB Consadole Sapporo vào năm 2013 với bản hợp đồng ngắn hạn 5 tháng. Công Vinh thi đấu 11 trận tại J.League 2 và Cúp Hoàng đế, ghi được 4 bàn thắng và 2 đường kiến tạo. Sau đó, CLB này muốn gia hạn hợp đồng thêm 2 năm nhưng Vinh từ chối và quay về Việt Nam thi đấu. Trong khi đó, từ CLB Muangthong United (Thái Lan), Văn Lâm được CLB Cezero Osaka của J.League 1 chiêu mộ với bản hợp đồng dài hạn. Điều ấy khác hoàn toàn với Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường hoặc Văn Hậu, với những bản hợp đồng mang nhiều tính trao đổi thương mại hơn là thi đấu thật sự.
Thực tế những cầu thủ của Việt Nam kể trên hầu hết đều “mài quần” trên ghế dự bị. Thế nên, khi CLB Pathum United (Thái Lan) muốn có Hoàng Đức sang thi đấu, CLB Viettel từ chối vì họ đang cần cầu thủ này ở mùa giải 2022, sau khi vừa chia tay một loạt ngôi sao như Ngọc Hải, Trọng Hoàng, Minh Tuấn, Việt Phong. Vả lại, đá ở đội bóng của Thái Lan không có nhiều khác biệt so với chơi ở V.League và Viettel đang là đương kim vô địch. Trong khi đó, CLB Hà Nội cũng cho biết, họ quyết giữ Quang Hải với bản hợp đồng mới kéo dài đến 3 năm. Ngoài ra, CLB Hà Nội cần Quang Hải làm đầu tàu cho mục tiêu quay lại ngôi đầu ở mùa giải 2022 tới đây.
Tại AFF Cup 2020, Việt Nam là một trong hai đội tuyển (cùng với Campuchia) hiếm hoi không có cầu thủ xuất ngoại trong danh sách triệu tập. Câu hỏi đặt ra là, vì sao cầu thủ Việt Nam ít xuất ngoại? Vì trong 10 năm trở lại đây, số cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài chơi bóng chỉ có Công Vinh, Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Hậu và Văn Lâm. Về điều này, nhà môi giới Jernej Kamensek cho biết: “Đầu tiên, chúng ta phải nói đến sự rụt rè từ các cầu thủ Việt Nam. Việc không được ra sân thi đấu nhiều của Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Hậu… càng khiến họ tự ti.
Thêm vào đó, cầu thủ Việt Nam đa phần không biết ngoại ngữ. Họ cũng không nhận được sự hỗ trợ đủ lớn từ các ê-kíp phía sau để mạnh dạn thử sức ở nước ngoài. Văn Lâm có thể xem là trường hợp hiếm hoi thành công. Bởi ngoài vốn ngoại ngữ rất tốt của thủ môn Việt kiều này, anh là người dám chấp nhận thử thách. Ngoài ra, vấn đề còn nằm ở các CLB Việt Nam, họ định giá cầu thủ của mình cao hơn so với giá trị thực, sẵn sàng… hét tới hơn 1 triệu USD, trong khi con số thực chỉ khoảng 300-400 ngàn USD. Vì thế, rất khó để thị trường châu Âu tiếp cận một cách nghiêm túc với cầu thủ Việt Nam”.
Vì vậy, các cầu thủ Việt Nam xuất ngoại, chuyện tưởng đơn giản, nhưng xem ra chẳng dễ!
ĐƯỜNG MINH