Phạm Thị Huệ và 3 tấm HCV tại SEA Games 31

.

Tại SEA Games 31, người mẹ 2 con Phạm Thị Huệ (thôn An Ngãi Tây 2, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) và đồng đội đã xuất sắc mang về 3 tấm HCV quý giá ở bộ môn Rowing (đua thuyền) cho đội tuyển Việt Nam.

Vận động viên Phạm Thị Huệ (thứ 2, từ phải sang) cùng đồng đội nhận HCV bộ môn Rowing tại SEA Game 31. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Vận động viên Phạm Thị Huệ (thứ 2, từ phải sang) cùng đồng đội nhận HCV bộ môn Rowing tại SEA Game 31. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Xuất thân trong một gia đình thuần nông, đông anh em tại Quảng Bình, không có truyền thống thể thao, nhưng Phạm Thị Huệ (SN 1990) có niềm đam mê với thể thao ngay từ nhỏ. Khi còn là học sinh, chị luôn đăng ký tham dự Hội khỏe Phù Đổng của trường. Với sự quyết tâm của bản thân, Huệ liên tục đạt được các giải cao trong các hội thao cấp trường, huyện rồi đến tỉnh. Những tài năng thiên bẩm cùng với sự nỗ lực không ngừng, Huệ được Ban huấn luyện đội tuyển đua thuyền quốc gia chú ý, chiêu mộ.

Với một cô gái 18 tuổi chân ướt chân ráo bước vào môi trường thể thao chuyên nghiệp, chưa từng hình dung môn chèo thuyền là như thế nào, Huệ chỉ mang trong mình niềm đam mê mãnh liệt đối với thể thao. Được ban huấn luyện chèo thuyền quốc gia tận tình chỉ bảo, luyện rèn, cùng nỗ lực của bản thân, Phạm Thị Huệ liên tiếp gặt hái thành công như: 1 HCV, 1 HCB tại SEA Games 26 năm 2011, 2 HCB ASIAD năm 2013, 2 HCV SEA Games 28 năm 2015, 1 HCB tại SEA Games 30 năm 2019, 2 lần giành vé đến Olympic và gần đây nhất là 3 tấm HCV tại SEA Games 31.

Năm 2010, Phạm Thị Huệ cùng anh Đặng Minh Huy của đội đua thuyền Đà Nẵng về xây tổ ấm tại thôn An Ngãi Tây 2, xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang). Từ đó, chị trở thành VĐV của thành phố Đà Nẵng và theo học Khoa huấn luyện thể thao tại Trường Đại học Thể dục - Thể thao Đà Nẵng. Nhắc đến chồng, chị Huệ vui vẻ chia sẻ: “Tôi nghĩ cuộc đời tôi rất may mắn, khi còn nhỏ, bố mẹ tôi đã luôn ủng hộ tôi theo con đường thể thao. Đến khi tôi có gia đình riêng, chồng tôi cũng là người trong nghề, cùng yêu thích bộ môn Rowing, thành ra anh ấy rất ủng hộ và luôn đồng hành cùng tôi trong mọi cuộc hành trình để chạm đến những chiếc huy chương danh giá”.

Chị Huệ cho biết, đều là thành viên của đội đua thuyền quốc gia nên cả hai vợ chồng rất bận rộn với lịch trình luyện tập và thi đấu. Nhưng ở những cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của vợ, anh Đặng Minh Huy luôn sẵn sàng lùi về phía sau làm hậu phương vững chắc để chị Huệ có thể yên tâm chạm đến những giấc mơ.

Đến với SEA Games 31, Phạm Thị Huệ đã không khiến người hâm mộ Việt Nam thất vọng khi cùng đồng đội giành 3 HCV ở bộ môn Rowing với cả 3 hạng mục mà chị tham gia: thuyền đơn nữ hạng nặng 2 mái chèo, thuyền đôi nữ hạng nặng 1 mái chèo và thuyền 4 nữ hạng nặng 2 mái chèo. “Khi về đến địa phương, người dân đến chúc mừng rồi ngồi lại nhà tôi râm ran cả tối. Những lời cổ vũ, động viên của bà con trong xóm là một trong những nguồn động lực lớn đối với bản thân tôi và gia đình”, chị Huệ kể lại.

Nhận xét về chị Phạm Thị Huệ, anh Tống Hữu Dũng, HLV trưởng bộ môn đua thuyền tại thành phố Đà Nẵng, người quản lý trực tiếp chị Huệ từ năm 2010 đến nay chia sẻ: “Tuy là thành viên lớn tuổi nhất trong đội tuyển Rowing quốc gia, cũng như đội tuyển Rowing thành phố nhưng Huệ luôn yêu nghề, phấn đấu không ngừng nghỉ. Hiện nay, có rất nhiều VĐV trẻ đang phát triển nhưng vẫn chưa có VĐV nào về mặt cá nhân có thể vượt Huệ và thi đấu ở những hội thao mang tầm quốc gia và quốc tế như Huệ. Bản thân tôi thấy Huệ là một VĐV tuyệt vời và là tấm gương cho các vận động viên trẻ phấn đấu theo”.

HUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.